Chuyện về "ông Vẻ kơ nia"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Dù đã nghỉ hưu nhiều năm nay nhưng ông Nhữ Văn Vẻ (tổ 1, phường Trà Bá, TP. Pleiku) vẫn đam mê thu thập thông tin, nghiên cứu và đang xúc tiến ký kết hợp đồng trồng cây kơ nia tại các công viên ở TP. Pleiku. Trước đó, ông đã nghiên cứu và trồng thành công hàng ngàn cây kơ nia. 
Ông Vẻ hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ 1, phường Trà Bá. Năm 1985, tốt nghiệp Trường Đại học Lâm nghiệp, ông nhận công tác tại Lâm trường Nam Phú Nhơn (nay là Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh). Tại đây, ông thấy cây kơ nia (còn gọi là cây cầy, tên khoa học là Irvingia malayana) là loại thực vật lưu niên có bộ rễ rất chắc, sức sống mãnh liệt, có hoa trắng thơm vào cuối mùa khô và nhiều quả bùi ngon vào cuối mùa mưa; cây cho bóng mát xanh tươi quanh năm và lá dùng để trị bệnh đầy bụng, sốt rét... Do vậy, cây kơ nia được người dân bản địa đặc biệt yêu quý; họ không chặt phá cây kơ nia mà luôn có ý thức bảo vệ, giữ gìn.  
 Ông Nhữ Văn Vẻ. Ảnh: H.C
Ông Nhữ Văn Vẻ. Ảnh: H.C
Trong thời gian này, ông Vẻ vẫn chuyên tâm thu thập tài liệu, nghiên cứu, gieo ươm và di thực cây kơ nia thành công tại Lâm trường Nam Phú Nhơn. Từ thành công này, người dân và đồng nghiệp gọi ông bằng cái tên thân thiết là “ông Vẻ kơ nia”. Tiếng lành đồn xa, ông được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh điều động lên Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh công tác. Tại đây, ông có thêm điều kiện học tập, nghiên cứu, gieo ươm thành công nhiều loại cây lưu niên, trong đó có cây kơ nia để đưa đi trồng trong khuôn viên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trường Học sinh miền Nam Trung ương, Học viện An ninh nhân dân (C500), Học viện Hành chính Quốc gia (Hà Nội), Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku)... Ông Nguyễn Tấn Ba-Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, phụ trách quản lý Quảng trường Đại Đoàn Kết-cho biết: “Hơn 20 cây kơ nia trồng trong khuôn viên Quảng trường chịu hạn rất tốt, xanh tươi quanh năm, che nắng gió cho các loại cây khác và góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường sinh thái, thu hút khách du lịch”.
Là người từng có nhiều năm gắn bó với ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh, ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh-xác nhận: “Kỹ sư Nhữ Văn Vẻ được đào tạo chính quy, bài bản, có chuyên môn sâu, đặc biệt là có thành tích nghiên cứu, di thực, gieo ươm thành công cây kơ nia để phát triển tại những nơi công cộng, phù hợp với thực tế tỉnh ta”. Còn ông Nguyễn Kim Đại-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku thì cho hay: “Ủy ban nhân dân thành phố đang làm việc với ông Nhữ Văn Vẻ để xúc tiến nhân giống trồng mới nhiều cây kơ nia trong các công viên trên địa bàn”.
 HOÀNG CƯ

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.