(GLO)- Không quá chủ quan khi cho rằng, ai đã từng một lần giơ tay tuyên thệ trước Đảng kỳ thì đây chính là những phút giây tự hào và thiêng liêng nhất của mỗi một đảng viên. Với ông Trần Đình Tân (địa chỉ 57 Tôn Thất Thuyết, TP. Pleiku)-người có hơn 50 năm tuổi Đảng thì niềm tự hào ấy dường như đã được nhân lên gấp bội. Là bởi, ngay từ khi vừa mới đi theo cách mạng-lúc còn là một cậu bé 13 tuổi, ông Tân đã được anh em đồng chí đồng đội trao cho một nhiệm vụ vô cùng vinh dự, đó là việc bảo toàn và cất giữ cờ Đảng.
Theo cách mạng từ thuở 13
Dứt một tuần trà, ông Tân kể: Giữa năm 1949, anh Thân-một cán bộ ở Gia Lai về phép thăm quê, thấy tôi lanh lợi, lại háo hức muốn xin theo đi “công tác Gia Lai” nên sau khi hết phép, anh Thân dẫn tôi lên cơ quan tỉnh rồi đưa thẳng lên khu 6 (huyện 6-sau này nhập khu 5 và khu 6 thành huyện Đak Bơt-N.V). Ở cơ quan huyện (tại làng Đê Krăp, xã Ya Hội), tôi được gặp anh Đỗ Duy Tư (Nam Thắng)-Bí thư huyện. Cả cơ quan gọi tôi là “cậu bé con” vì tôi vừa mới tròn 13 tuổi, người gầy gò (ông Tân sinh năm 1936-N.V).
Ông Trần Đình Tân (người đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm với Anh hùng Núp và ông Nay Der tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai-Kon Tum làn thứ IX, tháng 10-1986. |
Anh Tư phân công tôi làm một số công việc như: canh gác, kiếm củi, lấy nước nấu cơm. Lúc anh đi công tác xuống xã, tôi đi theo phục vụ, lúc thì lên rẫy, vào làng liên lạc với dân, cảnh giới lúc họp dân, canh gác các cuộc hội nghị, khi thì đi kiếm rau tàu bay, đọt bí về nấu canh. Trước khi đi ngủ, anh thường tỉ tê hỏi tôi chuyện gia đình, tìm hiểu tại sao tôi xin thoát ly lên đây để phải chịu cảnh cực khổ. Anh hỏi gì, tôi trả lời đó, anh lắng nghe rồi lại tìm lời giải thích để tôi hiểu; nhờ đó mà đầu óc tôi dần sáng ra. Khi đã hiểu một cách sâu sắc “cách mạng là gì, kháng chiến là gì” thì cuộc sống gian khổ, vất vả nơi chiến khu Đê Krăp không còn là những trở ngại lớn đối với một cậu bé như tôi.
Một lần, trước khi đi công tác xa, anh Tư gọi tôi lại dặn dò rất kỹ càng, sau anh nói với tôi bằng một vẻ rất nghiêm nghị, khác với sự thân tình hàng ngày: “Anh giao cho em cái này, em đem cất giấu vào một hốc đá nào đó cho kín, đảm bảo khi trời mưa không bị ướt và mối, chuột không cắn hư, khi nào cần, em đi lấy về cho anh”. Thấy tôi tò mò muốn biết là vật gì, anh Tư liền mở cho tôi xem, đó là một lá cờ, cỡ 60x90 cm, ở giữa có hình búa liềm màu vàng. Thật lạ quá, cờ này tôi chưa thấy bao giờ. “Đây là cờ Đảng, Đảng Cộng sản, không phải cờ Tổ quốc đâu-anh Tư giải thích-Cờ Đảng có búa liềm, búa tượng trưng cho giai cấp công nhân còn liềm tượng trưng cho giai cấp nông dân. Đảng Cộng sản lãnh đạo công nhân và nông dân làm cách mạng.
Chuyện này còn dài lắm, giờ nói sơ qua vậy thôi, khi em đến tuổi thanh niên, anh sẽ nói kỹ…”. Rồi anh bảo tôi xếp lại, gấp nhỏ, bọc kỹ bằng giấy rồi gói lá chuối bên ngoài, đem đi cất và không được cho ai biết. Trước khi đi, anh Tư lại dặn dò tôi rất kỹ: “Đây là việc bí mật của anh em mình. Cờ này, chỉ một mình em biết chỗ cất giấu, chỉ khi nào anh bảo đưa hoặc có thư của anh nói đưa em mới được trao cờ cho người cầm thư; nếu em bị địch bắt, tuyệt nhiên không được khai nơi cất giữ cờ nghe…”.
Tôi cảm thấy rất hãnh diện vì đã được anh Tư tin cây giao cho giữ cờ Đảng. Vâng lời anh, ngay lập tức, tôi mang lá cờ ra phía ngọn núi sau cơ quan, tìm một hốc đá sâu để cất giấu. Những ngày sau, ngày nào tôi cũng kiếm việc để quẩn quanh bên núi, đứng ở nơi xa để nhìn về nơi hốc đá; đêm về thì hầu như đêm nào cũng mơ thấy hình cờ Đảng tung bay trước mặt.
Với Đảng, giữ trọn lòng tin yêu
“Được giữ Đảng kỳ, tôi thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Từ khi tôi giữ cờ, cũng có mấy lần anh Tư bảo tôi lấy cờ về đưa anh mang đi công tác, không cho tôi đi theo như những lần khác; mãi sau này thì tôi biết những khi ấy là khi các anh làm lễ kết nạp đảng viên; những người không có trách nhiệm thì không được dự lễ tuyên thệ vào Đảng. Điều ấy khiến tôi quyết tâm phấn đấu, học tập và rèn luyện để mong một ngày có vinh dự được tuyên thệ dưới Đảng kỳ. Rồi niềm vinh dự ấy cũng đến, khi tôi vừa tròn 21 tuổi-năm 1957, lúc tôi đang là cán bộ tập kết ở Nghĩa Đàn, Nghệ An”.
Ông Tân kể lại câu chuyện hồi cuối năm 1950, ông nhận nhiệm vụ canh gác cơ quan còn những người khác như ông Đỗ Duy Tư, Trần Như Trinh, Ngô Sĩ, Nguyễn Hùng, Nguyễn Quảng về xã Ya Hội công tác. Ông Tân vừa kể chuyện vừa cười: “Đi mới chỉ được vài tiếng đồng hồ, anh Trần Như Trinh đã chạy ngược về bảo tôi đưa lá cờ Đảng để làm lễ tuyên thệ; tôi một mực lắc đầu và trả lời: Không biết cờ gì; đến độ anh Trinh cáu um lên, tôi vẫn không chịu đưa.
Dường như đã chịu thua, anh Trinh nói: “Anh Tư dặn anh về lấy cờ Đảng-lá cờ em đang cất giữ ấy. Em không tin anh thì đi lấy cờ rồi đi theo anh, lên gặp anh Tư”. Nghe anh Trinh nói thế, tôi nghĩ lung lắm, đã chần chừ thoái thác mấy lần, nhưng khi anh hối thúc “việc đang gấp, không nhanh thì không làm lễ tuyên thệ được”, tôi bèn đi lấy cờ, quấn cờ kỹ trong bụng rồi đi theo sau anh Trinh, trong lòng cứ nghĩ: Phen này thế nào tôi cũng được dự lễ tuyên thệ. Tới nơi thì tôi biết là các anh đang làm lễ kết nạp Đảng cho 3 đảng viên mới là anh Nguyễn Hùng, Nguyễn Quảng và Ngô Sĩ-những người anh thân thiết và kính mến của tôi từ trong kháng chiến cho đến bây giờ; phần tôi ngày đó, cũng vẫn chỉ được anh Tư cho canh gác ở ngoài thôi…”.
Sau một lúc im lặng, giọng ông Tân trầm hẳn: “Hồi tháng 11-1950, khi các đồng chí ở xã Yang Nam lên Ya Hội mượn Đảng kỳ về để tổ chức tuyên thệ đảng viên mới, trên đường về thì bị địch phục kích, một số anh em bị thương, Đảng kỳ cũng bị rơi vào tay địch. Sau đó, tôi được tổ chức phân công thêm nhiều công việc mới, nhưng ở bất kỳ vị trí công tác nào, tôi cũng luôn giữ trọn một niềm với Đảng, trung thành và gắn bó với cách mạng…”.
Nhìn ông đang đắm mình trong một ký ức đẹp, tôi lại nhớ đến những giai điệu thiết tha với những âm hưởng trong sáng, tự hào trong bài hát “Lá cờ Đảng” của nhạc sĩ Văn An: “Đất nước bốn ngàn năm ôi tự hào biết mấy. Hạnh phúc trong tay ta đang nở hoa kết trái. Còn gì đẹp hơn, còn gì đẹp hơn lá cờ đỏ búa liềm. Đảng ta đó hân hoan một niềm tin…”.
Thu Huế