(GLO)- Năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ đăng ký sản phẩm chả cá thác lác tham gia Chương trình OCOP của huyện Phú Thiện. Việc làm này thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ của HTX.
Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ được thành lập năm 2018 với 43 thành viên, trong đó có 36 thành viên chuyên đánh bắt cá. Ông Đặng Đức Hiệp-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX-cho biết: Tháng 7-2019, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, HTX đã phối hợp với 12 hộ dân trên địa bàn triển khai mô hình nuôi cá thác lác cườm. Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ 100% cá giống nuôi trong 1.000 m2. Đồng thời, HTX hướng dẫn kỹ thuật nuôi, ký kết bao tiêu sản phẩm cá thác lác thương phẩm cho người dân với giá 70.000 đồng/kg. Thời gian nuôi mỗi lứa từ 8 đến 12 tháng, năng suất dự kiến đạt 3,8-4 tấn cá thương phẩm/1.000 m2.
HTX Nuôi trồng Thủy sản Ayun Hạ chế biến sản phẩm cá thát lát. Ảnh: Lê Nam |
Ông Lê Văn Liệu (thôn Nam Hà, xã Ia Ake) chia sẻ: “Nuôi cá thác lác cườm không đòi hỏi nhiều kỹ thuật. Đầu tiên phải chuẩn bị ao nuôi, xử lý nguồn nước kỹ rồi mới thả cá. Trong quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi phòng bệnh ký sinh trùng, trùng mỏ neo cho cá”. Cũng tham gia mô hình này, ông Tống Văn Hiền (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol) cho hay: “Ngoài sử dụng thức ăn tự nhiên dưới ao, có thể tận dụng cá con xay ra, trộn với cám để cho cá ăn. Mỗi ngày cho cá ăn 2-3 lần, lượng thức ăn tăng dần theo trọng lượng của cá. Trong quá trình nuôi phải phòng bệnh định kỳ cho cá và xử lý nguồn nước để giúp cá khỏe mạnh. Cá thác lác rất phù hợp với điều kiện khí hậu ở đây nên phát triển tốt. Gia đình tôi đã thu được hơn 3 tấn cá bán cho HTX”.
Theo ông Hiệp, trước khi cấp cá giống cho người dân, HTX đã ươm thêm 1 tháng để cá thích nghi được với điều kiện khí hậu, môi trường nước ở Phú Thiện. “Bình quân 1.000 m2 ao có thể thả được 55.000-60.000 con cá giống. Để nuôi được 1 kg cá thương phẩm, người nuôi chi phí hết 25-30 ngàn đồng cả tiền giống và thức ăn. Trong khi đó, HTX thu mua với giá 70 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người dân có lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/1.000 m2/vụ”-ông Hiệp tính toán.
Ông Đặng Đức Hiệp-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ đóng gói chả cá thác lác. Ảnh: L.N |
Cá thác lác có đặc điểm thịt ngon, dẻo, có thể chế biến thành rất nhiều món ăn. Hiện nay, HTX Nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ đang cung cấp ra thị trường khoảng 3 tấn chả cá thác lác/tháng. Tuy nhiên, sản phẩm cũng mới chỉ được tiêu thụ chủ yếu trong huyện và một số địa phương lân cận. Vì vậy, khi cơ quan chức năng của huyện và xã Ayun Hạ đã thông báo về kế hoạch triển khai Chương trình OCOP năm 2020, HTX đã đăng ký tham gia sản phẩm chả cá thác lác. Đến nay, HTX đã đầu tư mua máy tách xương cá và đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn mác, logo, thương hiệu sản phẩm; đồng thời, tiếp tục đầu tư kho lạnh, máy đánh vảy cá, máy sấy, máy tạo viên chả cá. “Khi được công nhận sản phẩm OCOP, chả cá thác lác của HTX sẽ nâng cao giá trị, được người tiêu dùng tin tưởng. Ngoài ra, sản phẩm của HTX có cơ hội quảng bá rộng rãi hơn, mở rộng thị trường tiêu thụ”-ông Hiệp kỳ vọng.
Trao đổi với P.V, ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho biết: Năm nay, thực hiện Chương trình OCOP, huyện tiếp tục hỗ trợ nâng cấp sản phẩm “Gạo Phú Thiện” đã đạt 3 sao năm 2019 lên 4-5 sao cấp tỉnh. Đồng thời, huyện phấn đấu phát triển thêm 1-2 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên. “Trên cơ sở đăng ký của HTX Nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ, Phòng sẽ hỗ trợ tư vấn, tập huấn, hướng dẫn phương án kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác và hướng dẫn các thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại và phát triển sản phẩm”-ông Thành cho biết thêm.
LÊ NAM