Chuyện làm giàu của Hưởng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Không cam chịu trước sự đeo bám của nghèo đói, chàng trai người dân tộc Nùng-Đàm Văn Hưởng-quyết tâm làm giàu bằng chính đôi bàn tay của mình. Đến nay, sau 5 năm tự lực cánh sinh, “gia tài” mà anh gầy dựng được đã mang lại thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng.

Đến làng Brok (xã Đông, huyện Kbang) tìm nhà anh Đàm Văn Hưởng không khó, bởi lẽ chỉ cần hỏi thăm anh là bất kỳ ai trong làng cũng biết. Sinh ra trong một gia đình chẳng mấy khá giả, bản thân anh Hưởng đã hình thành ý chí tự lập từ nhỏ. Học xong lớp 11, anh phải gác giấc mơ con chữ để ở nhà phụ giúp gia đình. Sau 8 năm lăn lộn với đủ thứ nghề, năm 2012, mặc dù chưa lập gia đình, song anh vẫn kiên quyết xin bố mẹ cho dựng nhà ở riêng, một mình “viết” nên câu chuyện làm giàu không khó nơi làng Brok nghèo.

Hươu sao rất dễ nuôi, chỉ cần cho ăn cỏ và lá cây. Ảnh: Hồng Thi
Hươu sao rất dễ nuôi, chỉ cần cho ăn cỏ và lá cây. Ảnh: Hồng Thi

Điều mà chàng trai Nùng này bắt tay thực hiện đầu tiên là thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên mảnh đất quê hương. Và hươu sao-một loài “thú lạ”-được anh lựa chọn để xây dựng mô hình chăn nuôi mới. Sở dĩ gọi là “thú lạ” bởi tính đến thời điểm ấy, hươu sao vẫn còn khá lạ lẫm với làng Brok-xã Đông nói riêng và cả huyện Kbang nói chung; chưa ai mạnh dạn tiếp cận cũng như gắn bó với loại vật nuôi này. Được bạn bè giới thiệu rồi tìm hiểu thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh Hưởng lặn lội ra tận Hà Tĩnh để chọn mua 3 cặp hươu giống 6 tháng tuổi với giá 15-18 triệu đồng/cặp. Qua vài tháng nuôi thử nghiệm, cảm thấy môi trường Kbang thích hợp nên anh lại tiếp tục mua thêm 13 con nữa đưa về nhập đàn.

Một năm sau đó, hươu cái bắt đầu sinh sản và trung bình đàn hươu của anh cho 7-10 hươu con/năm. Nửa năm tiếp theo, hươu đực cho nhung. Đó cũng là lúc lòng anh mừng vui nhất khi thấy được sự nỗ lực và công sức mình bỏ ra đã bước đầu có kết quả. Anh Hưởng cho hay: “Mới đầu nuôi hươu tôi cũng nghĩ mình có phần liều lĩnh nhưng được một thời gian, tôi lại thấy hướng đi của bản thân là đúng đắn. Hươu rất dễ nuôi, chỉ cần ăn cỏ và lá cây rừng, hầu như chẳng đau ốm, bệnh tật gì. Chỉ cần chú ý chuồng trại thoáng mát, đủ ánh sáng; chăm sóc, cho ăn đều, ăn nhiều và thi thoảng bổ sung thêm tinh bột trong khẩu phần ăn là hươu sẽ luôn khỏe mạnh”.

Một cặp nhung hươu vừa mới thu hoạch có giá hơn 10 triệu đồng. Ảnh: Hồng Thi
Một cặp nhung hươu vừa mới thu hoạch có giá hơn 10 triệu đồng. Ảnh: Hồng Thi

Những khoản thu nhập cao từ việc bán nhung hươu và hươu giống đã giúp anh dần cải thiện được cuộc sống cho bản thân và gia đình. Mỗi năm anh bán khoảng 4-5 cặp hươu giống với giá dao động từ 3 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng, tùy theo hươu đực, cái và chất lượng giống. Riêng nhung hươu, mỗi năm anh thu tầm 4-5 kg, phần bán tươi với giá 20 triệu đồng đến 33 triệu đồng/kg, phần anh để ngâm rượu để cung cấp cho những khách hàng có nhu cầu. Hiện nay, đàn hươu của anh còn 17 con (9 đực, 8 cái). “Trước khi cắt nhung không nên cho hươu ăn để tránh sốc thức ăn mà chết. Cắt xong phải tiến hành cầm máu cho hươu và có chế độ chăm sóc đặc biệt hơn để hươu mau hồi phục sức khỏe”-anh Hưởng chia sẻ kinh nghiệm.

Anh Hưởng khoe bình rượu nhung hươu mật ong mà mình đang ngâm cho khách. Ảnh: Hồng Thi
Anh Hưởng khoe bình rượu nhung hươu mật ong mà mình đang ngâm cho khách. Ảnh: Hồng Thi

Bên cạnh nuôi hươu lấy nhung, anh Hưởng còn kinh doanh mật ong rừng và chú trọng đầu tư phát triển những loại cây trồng đang có giá trị kinh tế cao tại địa phương. Bằng số tiền tích góp được, anh mua 2 ha đất, trong đó phần nhỏ để trồng cỏ nuôi hươu, còn lại anh dành để thử nghiệm với cây hồ tiêu. Cùng với đó, anh bỏ công lặn lội sang tận Campuchia mua tiêu giống và đầu tư hệ thống tưới nước tự động, tiết kiệm của Israel với tổng chi phí gần 500 triệu đồng.

Quãng đường hơn 50 cây số từ nhà đến rẫy tiêu (thuộc xã Đak Rong, huyện Kbang) không phải là ngắn. Vậy nhưng suốt một thời gian dài, ngày nào anh Hưởng cũng bon bon trên “con ngựa sắt” vào ra mấy bận. Đơn giản vì anh muốn nhìn cây tiêu bám rễ và lớn dần lên nhờ chính đôi tay của mình. Mãi đến gần đây, vì không thể lo xuể vườn tiêu lẫn đàn hươu, anh mới thuê thêm 1 nhân công phụ mình ở lại trông coi và chăm sóc tiêu. Hiện nay, tiêu của anh đã được 2 năm, đang sinh trưởng và phát triển tốt.

“Là thanh niên, tôi nghĩ mình cần phải dám nghĩ dám làm cho nên cứ mạnh dạn thử sức với những vật nuôi, cây trồng mới. Trước đây, tôi còn làm chủ đầu tư mì cho bà con trong làng, xã và ăn chia theo kiểu kẻ có của-người có công. Sau mấy bận mì rớt giá quá nên tôi mới nảy ý định trồng tiêu, tìm hiểu rồi làm thôi. Mình cứ nỗ lực, cố gắng thì ắt ông trời sẽ không phụ công mình”-anh Hưởng vui vẻ tâm sự.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.