(GLO)- Những năm qua, ngành nông nghiệp tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, tìm được mô hình phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, thị trường ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân đang là bài toán khó.
Ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng trên 40% cơ cấu kinh tế của tỉnh và được xem là ngành kinh tế chủ lực từ trước đến nay và có thể trong tương lai gần không có ngành kinh tế nào vươn lên nắm vai trò chủ lực thay thế ngành nông nghiệp. Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã quy hoạch nhiều vùng chuyên canh cây trồng trên cơ sở phân tích lợi thế của từng vùng nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách hợp lý.
Phần lớn diện tích trồng lúa không mang lại hiệu quả kinh tế hoặc không chủ động được nguồn nước tưới thường xuyên xảy ra hạn được chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày hoặc hoa màu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhằm giúp người dân phát triển sản xuất, các ban ngành, đoàn thể của tỉnh đã phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân được vay vốn. Nhờ vậy, nhiều hộ có điều kiện phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao mức sống gia đình. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của ngành nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ và chủ yếu là tự phát.
Một thực tế hiện nay là nông dân sản xuất theo thị trường là chính. Ở đây người nông dân sẵn sàng chặt bỏ các loại cây trồng truyền thống lâu năm để chuyển sang trồng cây khác theo nhu cầu thị trường ở thời điểm hiện tại. Điển hình nhất thời điểm hiện nay là nông dân tìm mọi cách để mở rộng diện tích hồ tiêu bằng cách chặt bỏ cao su; trồng tiêu trên đất không phù hợp, thậm chí cả phá rừng để lấy đất trồng tiêu. Do lợi nhuận từ việc trồng tiêu mang lại cao đang hấp dẫn so với nhiều cây trồng khác nên nông dân ở các địa phương tự phát mở rộng diện tích ồ ạt, trong khi đó kỹ thuật trồng và chăm sóc không đúng quy trình nên trong thời gian gần đây một số diện tích trồng tiêu bị sâu bệnh cho năng suất thấp, thậm chí ở một số nơi có nhiều diện tích bị mất trắng do bệnh gây hại.
Diện tích trồng mới chủ yếu ở những vùng không thuận lợi về điều kiện tự nhiên khiến sản xuất luôn ở tình trạng bấp bênh, chi phí đầu tư cao hơn. Đặc biệt, theo dự báo của Trung tâm Khuyến nông quốc gia từ năm 2016, trồng hồ tiêu có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng “được mùa-mất giá” như một số nông sản hiện nay.
Việc chặt bỏ cây điều để canh tác tiêu hoặc cây trồng khác đang diễn ra không ồ ạt như những năm trước nhưng vẫn còn khá phổ biến. Theo các hộ dân trồng điều, niên vụ vừa qua, giá bán hạt điều đang ở mức 29.000 đồng/kg, cao hơn so cùng kỳ năm ngoái khoảng 8.000 đồng/kg, nhưng nhiều hộ dân vẫn quyết loại bỏ cây trồng này. Ông Nguyễn Bảy (xã Ia Tôr, huyện Ia Grai) cho hay: Ông có 3 ha điều cao sản đã trồng được 10 năm, năng suất gần 2,8 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, thu về khoảng 80 triệu đồng. Tuy nhiên, ngay trong mùa mưa này, ông đang chặt một phần diện tích điều để chuyển qua trồng tiêu. Cũng tại xã Ia Tôr, ông Nguyễn Anh Thọ được mệnh danh là “tỷ phú điều”, với khoảng 7 ha, năng suất hơn 3 tấn/ha nhưng hiện ông Thọ cũng đã chuyển 2 ha điều sang trồng tiêu.
Theo ông Bảy và ông Thọ, với giá bán và năng suất như hiện nay, cây điều thực sự chưa có giá trị kinh tế cao so với cà phê đừng nói chi so sánh với cây tiêu. Ông Cao Văn Sỹ (xã Ia Tôr, huyện Ia Grai) nói: “Dù đã gắn bó hơn 20 năm với cây điều nhưng nay tôi đành phải chặt bỏ điều để chuyển sang trồng cà phê vì theo tính toán của tôi, cây cà phê cho thu nhập cao và ổn định hơn”.
Nhìn vào thực trạng chuyển đổi cây trồng mà điển hình là cây cao su tiểu điền thời gian qua cho thấy, cây trồng vẫn phát triển tự phát và luẩn quẩn. Ồ ạt trồng khi thấy lợi trước mắt, rồi lại chặt khi nguồn cung dư thừa hoặc gặp những yếu tố bất lợi. Từ cây cao su tiểu điền nói riêng đến điệp khúc trồng rồi chặt như cây mía, mì... và người nông dân phải tiếp tục chạy đôn, chạy đáo với cây trồng khác, cho thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiện nay vẫn còn đang tự phát mặc dù UBND tỉnh đã có quy hoạch chi tiết cho từng loại cây trồng.
Anh Khoa