Chuyện "cha" và "con" nơi biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vinh dự được ra thủ đô Hà Nội, đến Phủ Chủ tịch và được Chủ tịch nước trao tặng bức chân dung Bác Hồ kính yêu, em Rơ Mah H’Win-học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Trãi (huyện Đức Cơ), “con nuôi” của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thốt lên: “Thật không có gì sung sướng, hạnh phúc hơn”.

Kỷ vật thiêng liêng

Chúng tôi đến Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đúng lúc Thượng úy Đỗ Quang Cường và cháu Rơ Mah H’Win vừa xuống xe. Hai “cha con” vừa trở về sau chuyến ra Hà Nội tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức, qua đó tuyên dương 60 cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và 30 học sinh. Đây là những người “cha Biên phòng”, thầy giáo quân hàm xanh có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nâng bước em tới trường” và những học sinh tiêu biểu được Bộ đội Biên phòng nuôi dạy học, vượt khó vươn lên.

 

Niềm vui của Rơ Mah H’Win (đứng giữa, tay nâng ảnh Bác) khi trở về ngôi nhà đoàn kết.                                       Ảnh: H.M
Niềm vui của Rơ Mah H’Win (đứng giữa, tay nâng ảnh Bác) khi trở về ngôi nhà đoàn kết. Ảnh: H.M

Không giấu được niềm vui trên khuôn mặt rạng ngời, H’Win chạy đến ôm chặt những người thầy, người “cha” và các bạn cùng lớp, cùng trường, nhất là các bạn trong “Bếp ăn tình thương”. H’Win kể trong xúc động: “Lần đầu tiên cháu được ra Hà Hội, thấy thủ đô đẹp và hiện đại hơn cả trong mơ! Cháu vinh dự được thay mặt các bạn tặng hoa Chủ tịch nước Trần Đại Quang ở Phủ Chủ tịch. Bác Chủ tịch nước đã ân cần tiếp đón, hỏi thăm chuyện học tập, cuộc sống của gia đình, bà con trong làng, khen ngợi cháu và các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên học tập, rèn luyện, đặc biệt cháu còn được bác Chủ tịch nước trao tặng bức chân dung của Bác Hồ kính yêu. Về nhà cháu sẽ tìm nơi nào trang trọng nhất để đặt chân dung Bác”. Những lời căn dặn ân cần của Chủ tịch nước trước lúc chia tay trở về với vùng đất biên giới Tây Nguyên đã gieo vào lòng H’Win quyết tâm vươn lên trong học tập và trong cuộc sống sau này.

Rơ Mah H’Win sinh ra ở làng Mook Đen 2, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ. Khi em mới được 8 tháng tuổi thì mẹ mất, ba đi thêm bước nữa. H’Win sống cùng chị là Rơ Mah H’Sương (21 tuổi) trong ngôi nhà tạm nho nhỏ. Năm 2013, biết được hoàn cảnh khó khăn của em, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã đến nhà động viên em tới trường học tập và nhận nuôi dưỡng. Từ đó, H’Win trở thành “con nuôi” của Bộ đội Biên phòng.

Cùng tâm trạng mừng vui như đứa con nuôi của mình, Thượng úy Đỗ Quang Cường-Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, chia sẻ: Trong số 16 học sinh được đơn vị nhận nuôi dưỡng, hỗ trợ ăn học thì Rơ Mah H’Win có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Để đến được với cái chữ, từ nhỏ H’Win đã cùng chị leo đèo, lội suối đi hái măng, đào mì… Tuy nhiên, tuổi thơ cơ cực không làm em nhụt chí mà trái lại biết vươn lên với những ước mơ cháy bỏng. Biết được hoàn cảnh và khát khao của em, đơn vị đã đến nhà động viên và đón nhận em về tụ họp trong “Bếp ăn tình thương”, một ngôi nhà đoàn kết của đơn vị. Bỏ qua những khó khăn ban đầu, H’Win nhanh chóng kết thân với bạn bè và các chú bộ đội Biên phòng. Ngoài giờ học ở trường, về nhà em rất chăm học, những nội dung chưa hiểu thì H’Win hỏi bạn, hỏi “thầy giáo”; những câu văn hay, những bài toán khó em thường ghi riêng vào cuốn sổ để ôn lại. Thời gian rảnh rỗi, em cùng với các chú bộ đội nhặt rau, nấu cơm, chăm sóc, hướng dẫn các em nhỏ tuổi hơn.

Nơi chắp cánh những ước mơ

 

Bữa cơm sum vầy của những đứa con nuôi Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.                                     Ảnh: H.M
Bữa cơm sum vầy của những đứa con nuôi Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: H.M

Đến vùng biên giới, nghe bà con nói nhiều về “Bếp ăn tình thương”, tôi đã hình dung phần nào ý nghĩa của bếp ăn này. Nhưng khi tìm hiểu, chứng kiến những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh dành cho các học trò nghèo, tôi mới cảm nhận hết ý nghĩa nhân văn của hai chữ “tình thương” nơi núi rừng biên giới. Nơi đây đã chắp cánh cho bao ước mơ vươn tới của những học sinh nghèo là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Đã 5 năm qua, để tiếp sức cho học sinh nghèo vùng biên giới có điều kiện đến trường, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã thành lập và duy trì “Bếp ăn tình thương”. Hàng tháng, mỗi cán bộ chỉ huy đồn tự nguyện đóng góp 200 ngàn đồng, còn các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đóng góp 100 ngàn đồng và nhiều đồ dùng, sách vở khác. Số tiền gom góp được, anh em dành để mua lương thực, thực phẩm cho các cháu có thêm bữa ăn no đủ. Hàng ngày, đơn vị phân công luân phiên 1 cán bộ, chiến sĩ phục vụ nấu nướng và giúp đỡ các cháu ôn bài. Những ngày mưa gió, các anh phải đi xe gắn máy đến tận nhà để đưa các em đến lớp học, hết giờ lại đem áo mưa, dù để che cho “con” khỏi ướt. Để có thêm kiến thức bồi dưỡng cho các cháu, anh em trong đơn vị phải mua sách vở, tài liệu, tranh thủ thời gian buổi tối nghiên cứu, học tập, nhất là các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh…

Dù nhiệm vụ chuyên môn đã rất vất vả, lại phải chăm lo cho “các con” ăn học nhưng những “người cha Biên phòng” luôn cảm thấy rất vui. Bởi lẽ, ai cũng đều có chung một suy nghĩ: “Các em đã chịu nhiều thiệt thòi, mình thêm việc một chút, vất vả thêm một chút nhưng các em được ăn uống no đủ và cắp sách đến trường, học giỏi là đã thấy hạnh phúc”. Rồi mai đây lớn lên, trên bước đường lập thân lập nghiệp, chắc chắn các em luôn nhớ về những người thầy, “người cha Biên phòng”. Không dễ gì nhạt phai những tình cảm thân thương, trìu mến ấy.

Lại gần bên H’Win, tôi hỏi ước mơ mai sau của em là gì, H’Win bẽn lẽn: “Cháu sẽ cố gắng học hết lớp 12, sau này thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm của tỉnh. Ước muốn của cháu là được làm cô giáo làng để dạy cho các cháu nhỏ vùng biên giới và phục vụ quê hương”. Còn Siu H’Ben, một học sinh cùng lớp cũng cho biết, ước mơ của em là trở thành một bác sĩ để trở về quê hương khám-chữa bệnh cho bà con, vận động người dân ăn uống vệ sinh, xây dựng môi trường văn hóa. Với sự tiếp sức của những “người cha”, người thầy Biên phòng, hy vọng những ước mơ của các em sẽ trở thành hiện thực.

Chiều biên giới tím loang, mặt trời dần trốn núi. Trước lúc chia tay, cô giáo Nguyễn Thị Thỏa-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (xã Ia Dom) chia sẻ: “Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh không những canh giữ vùng biên cương của Tổ quốc mà còn là những “người cha” tận tụy chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu học sinh; là những thầy giáo góp phần mang kiến thức tới cho những em nhỏ khó khăn, thiệt thòi. Người dân biên giới luôn vững tin khi có các anh”.

Hân Minh

Có thể bạn quan tâm

Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn. 
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".