(GLO)- Khi Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đang tổ chức lễ tiễn đoàn công tác đi thăm quân và dân huyện Trường Sa nhân dịp Tết Ất Mùi 2015, một cô gái dáng người nhỏ nhắn, mặc áo hải quân chạy vội vào cầu tàu, trên tay là chồng thơ khá dày mang tên: Ngược Sóng.
Tập thơ viết tay đã được cô gái phô tô thành nhiều bản, ngoài bìa mỗi quyển thơ, tác giả ghi rõ: tặng chiến sĩ đảo Sơn Ca, Song Tử Tây, Nam Yết, Phan Vinh... Đứng trước hàng quân đang lần lượt lên tàu, cô gái vừa đưa tận tay chiến sĩ vừa hỏi: Có ai đi đảo Sơn Ca không ạ? Có ai đi đảo Nam Yết không ạ? Ai đi Trường Sa Lớn ạ?... Cứ sau mỗi tiếng trả lời, một cánh tay đưa ra và một tập thơ được trao, tiếng cười và lời cảm ơn trao nhau không dứt. Khi chồng thơ vơi dần, những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, đôi má ửng đỏ vì nắng là lúc ánh mắt cô gái ánh lên niềm vui lạ thường.
Đoàn Thị Ngọc say sưa tặng thơ chiến sĩ. Ảnh: Đức Mạo |
Cô gái đó tên là Đoàn Thị Ngọc, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Ngọc cho biết: “Khi biết tin có đoàn ra Trường Sa, em ra bến bắt xe ô tô từ Hà Nội vào đây ngay. Dọc đường đi, em lo không vào kịp thì có lỗi với các anh ấy lắm. May là vừa vào đến nơi thì đoàn chuẩn bị xuất bến. Được gửi tặng chiến sĩ ra làm nhiệm vụ tại huyện đảo Trường Sa tập thơ do chính tay mình viết, em thấy rất vui. Hy vọng món quà nhỏ bé này sẽ tiếp thêm sức mạnh để các anh vững tay súng bảo vệ tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc”.
Cô sinh viên Hà Nội tâm sự: “Em nghe các anh ấy kể lại và tìm hiểu thông tin trên mạng! Em làm quen với các anh trên facebook rồi trao đổi số điện thoại cho nhau. Những lúc các anh được phép gọi điện hoặc vào bờ nghỉ phép, em lại điện thoại hoặc dùng mạng xã hội nói chuyện với các anh. Em kể cho các anh cuộc sống của sinh viên, những vui, buồn trong học tập và tình hình ở quê nhà. Còn các anh kể cho em nghe cuộc sống của người lính đảo. Qua câu chuyện của các anh, em có thể hình dung cuộc sống tuy còn vất vả, gian khó nhưng rất vui vẻ và đầy tinh thần lạc quan, yêu đời của người chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Từng hòn đảo, từng loại cây, từng con vật đặc trưng của mỗi đảo hiện lên qua lời kể của các anh thật sinh động, gần gũi. Cứ thế, em có thể hình dung ra quần đảo Trường Sa một cách rõ ràng, gần gũi và ngày càng thấy Trường Sa trở nên thân quen hơn”.
Những bài thơ của Ngọc, mặc dù câu chữ chưa được trau chuốt, vần điệu chưa được mượt mà, nhưng lại thể hiện tình yêu biển đảo dạt dào, chân thành của một cô gái trẻ. Hình ảnh Trường Sa hiện lên sinh động với cây bàng vuông, phong ba, mù u ngào ngạt hương khi đêm về hay những cây dừa cao vút, những ngọn hải đăng sừng sững giữa biển khơi. Trong tập thơ, Ngọc viết về tình yêu trong sáng của người lính đảo: “Biển nói gì với gió chiều nay/Mà đêm xuống gió trở mình không ngủ/Em viết gì cánh thư sắp gửi/Để lòng tôi thao thức với biển trời...” hay nỗi nhớ của những người cha chưa một lần gặp mặt con thơ, nỗi nhớ nhà của những người lính lần đầu ra đảo. Nhưng toát lên cả là tinh thần lạc quan, yêu đời và trách nhiệm cao cả của những người lính đảo đối với nhiệm vụ giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Đến nay, Ngọc sáng tác hơn 100 bài thơ về Trường Sa. Nhiều bài thơ của Ngọc được đăng báo. Nhiều người thích bài thơ “Ai đã đặt tên cho Trường Sa”. Điều đặc biệt của bài thơ này là chỉ 6 khổ nhưng nhắc được tên 21 hòn đảo ở Trường Sa cũng như đặc điểm riêng của từng hòn đảo: … Đẹp dịu dàng Tiên Nữ đón bình minh/ Chiều Nam Yết hàng dừa xanh soi bóng/ Thương Đá Đông dập dềnh kê đỉnh sóng/ Vượt phong ba, Đá Lớn vững chủ quyền/ Ôi Sinh Tồn, sức sống của cái tên/Và ý chí của người ra giữ biển/ Đảo thân thương, thiêng liêng hồn đất Việt/Trường Sa ơi, xanh thắm đến muôn đời. Ngọc tâm sự trong tập thơ của mình: “Chưa một lần tôi được đến đảo xa, nhưng tự bao giờ tôi đã say nắng, say gió, say đất và say cả nghĩa tình Trường Sa, say nhiều lắm!”.
Khi những con tàu hú còi báo hiệu rời cảng, Ngọc đứng trên cầu tàu vẫy tay đáp lại những cái vẫy tay từ biệt của những người lính trẻ. Hình ảnh cô gái nhỏ nhắn trong chiếc áo trắng hải quân chắc chắn sẽ in đậm trong tâm trí nhiều người lính đảo, để họ có động lực phấn đấu, rèn luyện hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó.
Đức Mạo