Chuyện buồn ở cụm dân cư Suối Cạn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nằm rất gần trung tâm huyện Phú Thiện (Gia Lai) nhưng cụm dân cư Suối Cạn (thôn Thắng Lợi 4, xã Ia Sol) như một thế giới biệt lập. Nơi đây, gần 100% hộ dân thuộc diện nghèo; rất nhiều trẻ em thất học; phụ nữ thường sinh nhiều con và gần như không biết đến các dịch vụ chăm sóc y tế...
 Một góc cụm dân cư Suối Cạn. Ảnh: Nguyễn Tú
Một góc cụm dân cư Suối Cạn. Ảnh: Nguyễn Tú
Cụm dân cư Suối Cạn nằm cách trung tâm xã Ia Sol khoảng 8 km, cách trung tâm huyện Phú Thiện khoảng 4 km. Nơi đây có 32 hộ dân với hơn 150 khẩu đang sinh sống trong 30 ngôi nhà bao quanh một giếng nước. Trong số này, ngoài ngôi nhà xây kiên cố của gia đình ông Ksor Hoai, còn lại toàn là nhà tạm bợ thưng bằng tôn. 
Ông Siu Thúc (52 tuổi), một người dân ở cụm dân cư Suối Cạn, trầm ngâm kể cho chúng tôi nghe về quá trình hình thành cụm dân cư này. Theo đó, cụm dân cư hình thành từ năm 1991, khi bà Siu H'Két ôm con bỏ làng ở thị trấn Phú Thiện vào đây dựng lều tạm để sinh sống vì chồng mất, nhà không có đất sản xuất. Rải rác từ đó đến năm 2002 có thêm 15 hộ dân ở thị trấn Phú Thiện vì thiếu đất sản xuất, đất ở nên cũng chuyển vào đây. Đến nay, cụm dân cư đã có 32 hộ. Khi mọi người lần lượt kéo vào, bà HKét thương nên cho không hoặc đổi cho mỗi người một vạt đất rộng khoảng 4 m, dài 20 m để làm nhà ở. Đến năm 2010, chính quyền xã Ia Sol mới vào tìm hiểu và làm hộ khẩu cho các hộ ở cụm dân cư Suối Cạn nhưng đến nay mới chỉ 22 hộ có hộ khẩu.
“Dân ở đây nghèo lắm. Hàng năm, từ tháng 4 đến tháng 9, bà con đều thiếu đói vì không có việc làm thuê. Trẻ con cũng phải nghỉ học để theo bố mẹ làm mướn kiếm cái ăn. Trừ gia đình ông Hoai bán rẫy xây dựng nhà kiên cố, các ngôi nhà còn lại ở đây đều do các nhà hảo tâm giúp đỡ làm. Nhà mình cũng vậy”-ông Thúc nói.
Ngoài chuyện thiếu đói triền miên, các hộ ở cụm dân cư Suối Cạn không mấy người biết đến cơ sở y tế. Mỗi khi đau ốm, họ vẫn giữ tục cúng ma đuổi bệnh. Các cặp vợ chồng ở đây cũng sinh rất nhiều con, bình quân 5 con/cặp vợ chồng. Đặc biệt, ở đây có 3 phụ nữ sinh năm 1978 nhưng đã có từ 9 đến 11 đứa con. Cụ thể: chị Rơ Châm H'Oan sinh 11 đứa con (1 đứa mất sau sinh, còn 10 đứa); chị Siu HPhương sinh 10 đứa; chị Rmah H'Tết sinh 9 đứa. Điều đáng nói là 3 người này đều tự sinh con ở nhà, không đến cơ sở y tế. Có người được chồng đỡ đẻ, có người hàng xóm giúp. “Lấy chồng xong là đẻ con thôi. Chồng đỡ đẻ cho luôn. Mình chỉ đến bệnh viện một lần năm 2016 khi có đoàn từ thiện về. Họ thấy con mình gầy, mọc nhọt, không đi được mới chở ra Bệnh viện huyện Phú Thiện khám. Bác sĩ bảo con mình bị suy dinh dưỡng nặng. Mình thấy bụng to, trong người khó chịu, họ khám luôn và báo mình đã có thai 5 tháng. Trong làng không ai biết tránh thai là gì đâu”-chị Rmah H'Tết kể.  
Chuyện học hành của con trẻ ở cụm dân cư này cũng bị bỏ bê theo cuộc mưu sinh. Ông Ksor Hoai bảo rằng, cụm dân cư hiện có 76 đứa trẻ thì chỉ  khoảng 15 đứa được đi học. Đứa học cao nhất là lớp 5.
 Trẻ em ở đây bị mù chữ và nguy cơ tái mù chữ. Ảnh: Nguyễn Tú
Trẻ em ở đây bị mù chữ và nguy cơ tái mù chữ. Ảnh: Nguyễn Tú
Nép sau cánh cửa, em Ksor Am (10 tuổi) bẽn lẽn khi nghe chúng tôi hỏi chuyện học hành. Em cho hay mới học hết lớp 3. Năm nay, em lên lớp 4 nhưng vì đường xa khó đi, cái bụng đói nên không muốn đi học. Vậy nên em ở nhà trông em, phụ gia đình kiếm cái ăn. 
Rời làng Suối Cạn, chúng tôi đã liên lạc với ông Rơ Châm La Ni-Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện. Qua điện thoại, ông Rơ Châm La Ni cho biết: Cụm dân cư Suối Cạn hình thành tự phát. Huyện ủy, UBND huyện Phú Thiện đã tổ chức khảo sát; thành lập nhiều đoàn công tác vào tuyên truyền, vận động người dân trở lại nơi ở cũ sinh sống để thuận tiện cho việc học hành của con cái, chăm sóc sức khỏe và được hưởng các chính sách phúc lợi của Nhà nước nhưng chưa có chuyển biến.
Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm