Chuyển biến trong công tác khuyến học, khuyến tài ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là chìa khóa then chốt để duy trì và phát huy truyền thống hiếu học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở nhiều địa phương. Tại Gia Lai, từ đầu năm đến nay, công tác này tiếp tục được quan tâm, chú trọng và đạt được những kết quả nổi bật. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Chiến-Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh về vấn đề này.

* P.V: Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Chiến. Ảnh: Mộc Trà
Tiến sĩ Nguyễn Văn Chiến. Ảnh: Mộc Trà


- Tiến sĩ NGUYỄN VĂN CHIẾN: Sau khi tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học cấp tỉnh vào cuối năm 2019, Ban Chấp hành Tỉnh hội đã quyết liệt chỉ đạo củng cố, phát triển tổ chức Hội và hội viên; tăng cường triển khai đại trà 4 mô hình học tập. Tính đến cuối tháng 10-2020, toàn tỉnh có 17 Hội Khuyến học huyện, thị xã, thành phố; 220 Hội Khuyến học xã, phường, thị trấn; 2.290 chi hội, 596 ban khuyến học với hơn 202 ngàn hội viên.

Phong trào xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập được phát triển qua từng năm. Đặc biệt, trong giai đoạn thực hiện đại trà (2016-2020), phong trào đã thực sự lan tỏa rộng khắp trong toàn tỉnh với sự hưởng ứng tích cực từ người dân, sự chung tay của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo… Đến nay, toàn tỉnh có hơn 96.840 gia đình; 253 dòng họ, chi họ; 1.128 cộng đồng thôn, làng, tổ dân phố; 94 cộng đồng cấp xã và 497 đơn vị học tập được công nhận đạt các tiêu chí của mô hình.

Đáng chú ý, trong đó có nhiều gia đình, dòng họ trở thành “điểm sáng” ở các địa phương. Chẳng hạn, về gia đình học tập tiêu biểu có hộ ông Rơ Lan Ler (làng A, xã Gào, TP. Pleiku), ông Long Văn Thức (xã Sơ Pai, huyện Kbang), ông Siu Hren (làng Nú, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê), ông Đỗ Văn Triều (thôn 1, xã Kim Tân, huyện Ia Pa), bà Đinh Thị ANhơn (làng Kuk Kôn, xã An Thành, huyện Đak Pơ)…

Về dòng họ, chi họ học tập có các điển hình như: dòng họ Lê (phường Thống Nhất, TP. Pleiku), dòng họ Lương, dòng họ Bùi, dòng họ Nguyễn, dòng họ Đinh (thị trấn Kbang), dòng họ Vi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện), dòng họ Lê Đình (xã Ia Pal, huyện Chư Sê), dòng họ Rmah (xã Chư Mố, huyện Ia Pa), dòng họ Đinh (làng Leng Tô, thị trấn Đak Pơ)…

Về các cộng đồng học tập tiêu biểu, ở TP. Pleiku có thôn 4 (xã Biển Hồ), làng Nhao 2 (xã Ia Kênh); huyện Ia Pa có thôn 2 (xã Kim Tân), buôn Chơma (xã Ia Trok); huyện Đak Pơ có thôn An Sơn (xã Cư An)… Riêng đơn vị học tập chủ yếu là các trường học. Kết quả xây dựng các mô hình học tập đã tác động trực tiếp đến việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, giúp nhiều hộ trở thành khá giả.

 Dòng họ Ksor hiếu học ở xã Ia Tul (huyện Ia Pa). Ảnh: Mộc Trà
Dòng họ Ksor hiếu học ở xã Ia Tul (huyện Ia Pa). Ảnh: Mộc Trà


* P.V: Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh tuy phát triển rộng rãi nhưng hoạt động chưa thật sự đồng đều giữa các địa phương. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?

- Tiến sĩ NGUYỄN VĂN CHIẾN: Có rất nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn đến hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chưa thật sự đồng đều. Đó là, cán bộ phụ trách Hội khuyến học ở một số địa phương cấp huyện, cấp xã chưa thật sự nhiệt tình. Không ít nơi, cấp ủy và chính quyền địa phương chưa dành nhiều sự quan tâm đến công tác khuyến học.

Một số Hội Khuyến học cấp xã thay đổi nhân sự chủ chốt hoặc Chủ tịch Hội làm kiêm nhiệm nên ít có thời gian dành cho công tác khuyến học. Công tác phối hợp giữa Hội Khuyến học và các ban, ngành, đoàn thể còn hạn chế, hiệu quả thấp…

* P.V: Để phong trào đạt hiệu quả, thời gian tới, Hội Khuyến học tỉnh sẽ chú trọng vào những hoạt động nào, thưa ông?

- Tiến sĩ NGUYỄN VĂN CHIẾN: Các cấp Hội Khuyến học sẽ tiếp tục tuyên truyền và triển khai tốt các chỉ thị, kết luận, kế hoạch của Trung ương và tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn. Hội Khuyến học tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các Hội thành phố, thị xã và huyện tổ chức đại hội nhiệm kỳ để củng cố, kiện toàn Ban Chấp hành, đủ sức lãnh đạo công tác khuyến học ở địa phương; làm tốt công tác tham mưu giúp Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong việc thực hiện các chế độ chính sách, điều kiện làm việc cho các hội khuyến học địa phương, nhất là cấp xã.

Cùng với đó, Hội phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể liên quan, nhất là ngành Giáo dục và Đào tạo để thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tiếp tục tăng cường chỉ đạo xây dựng 4 mô hình học tập trên cơ sở rút kinh nghiệm tại hội nghị tổng kết của các cấp hội trong năm và triển khai thí điểm mô hình công dân học tập theo hướng dẫn của Trung ương Hội. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng nhằm khuyến khích, động viên những tập thể, cá nhân tiêu biểu, góp phần đưa phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

 MỘC TRÀ (thực hiện)
 

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.