(GLO)- 4 năm sau ngày thành lập, Trường THPT A Sanh (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã có những tiến bộ vượt bậc. Có được điều ấy là nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, sự nỗ lực không ngừng của thầy và trò nhà trường.
Chúng tôi trở lại thăm Trường THPT A Sanh vào một ngày đầu tháng 5-2018. Những ký ức về quá trình hình thành ngôi trường cứ hiện về. Những năm 2010-2011, trong các cuộc tiếp xúc cử tri 4 xã biên giới phía Tây huyện Ia Grai, nhiều cử tri kiến nghị cần sớm xây một ngôi trường THPT để giúp cho việc học tập của con em nơi đây được thuận tiện hơn, góp phần nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực cho huyện nhà.
Chất lượng giáo dục tại Trường THPT A Sanh ngày càng được nâng cao. Ảnh: H.S |
Thời điểm đó, huyện Ia Grai có 2 trường THPT là Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thị trấn Ia Kha) và Trường THPT Phạm Văn Đồng (xã Ia Sao), nhưng cả 2 ngôi trường này đều cách các xã phía Tây 30-50 km. Hàng năm, sau khi học xong bậc THCS, hàng trăm học sinh khăn gói xuống thị trấn Ia Kha, xã Ia Sao hoặc TP. Pleiku học tiếp bậc THPT. Lúc này, phụ huynh canh cánh nhiều nỗi lo khi con cái đang ở độ tuổi mới lớn phải xa nhà, tự thuê trọ, thiếu sự quản lý và giáo dục của gia đình. Và trên thực tế, có một số em đã trở nên hư hỏng; nhiều học sinh nữ phải bỏ học giữa chừng để lấy chồng vì lỡ “ăn cơm trước kẻng”…
Năm 2013, khi trở lại các xã biên giới phía Tây huyện Ia Grai, chúng tôi gặp lại nhiều cử tri trong các buổi tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh, Trung ương trước đó. Họ vui mừng chia sẻ thông tin về một ngôi trường THPT mới sẽ được xây dựng tại xã Ia Krai. Bãi đất trống trước đây là sân phơi của Công ty Cà phê 705 (thôn 1, xã Ia Krai) được chọn làm địa điểm để xây dựng trường. Một năm sau, ngôi trường THPT mang tên A Sanh-người anh hùng chèo đò chở hàng ngàn bộ đội qua sông Pô Kô để chiến đấu giải phóng quê hương và chi viện cho chiến trường miền Nam-đã chính thức đi vào hoạt động trong sự vui mừng khôn xiết của người dân 4 xã biên giới huyện Ia Grai. Tuy nhiên, Ban Giám hiệu và các giáo viên Trường THPT A Sanh thì khá lo lắng. Còn nhớ, sau khai giảng năm học mới 2014-2015, thầy Nguyễn Phước-Hiệu trưởng nhà trường-đã chia sẻ cùng chúng tôi về những nỗi lo khi nhận nhiệm vụ ở trường mới như: duy trì sĩ số và chất lượng giáo dục vì học sinh dân tộc thiểu số ở trường rất đông; thiếu nước sạch; thiếu cây xanh; chưa có ký túc xá, nhà hiệu bộ…
Tuy nhiên, sau 4 năm thành lập, với nỗ lực vượt khó của Hội đồng sư phạm cùng các thế hệ học sinh, Trường THPT A Sanh đã có những tiến bộ vượt bậc. Dẫn tôi đi tham quan trường, thầy Nguyễn Phước phấn khởi: “Được sự đầu tư của các cấp chính quyền, cơ sở vật chất của trường đã khang trang hơn. Trường đã có nhà hiệu bộ, nhà thi đấu đa năng, phòng thực hành thí nghiệm. Cây xanh quanh khuôn viên được giáo viên mang từ nơi khác về trồng đã kịp phủ bóng che bớt cái nắng nóng vùng biên; học sinh có thêm điểm vui chơi giờ giải lao”.
Cùng với đó, chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được cải thiện và đạt được nhiều kết quả khả quan. Nếu năm học 2014-2015, nhà trường chỉ có 271 học sinh/7 lớp thì đến năm học 2017-2018 có 736 học sinh/18 lớp. Trong 2 năm học (2015-2016 và 2016-2017), tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT của Trường THPT A Sanh đạt 100%. Nhiều năm liền, chi bộ nhà trường đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. “Kết thúc học kỳ I năm học 2017-2018, tỷ lệ học sinh khá giỏi của nhà trường chiếm 40%. Hiện nay, ngoài việc giảng dạy theo chương trình, nhà trường còn tổ chức ôn luyện thêm kiến thức để giúp các em đạt được kết quả cao trong kỳ thi học kỳ II. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng ôn tập cho học sinh lớp 12 với mục tiêu phấn đấu 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT Quốc gia năm nay”-thầy Phước nêu quyết tâm.
Hoành Sơn