Chú trọng bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Dạy và học tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) là để duy trì, bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc. Vì vậy, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) mở các lớp bồi dưỡng tiếng DTTS cho cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy.
Hơn 10 năm qua, thầy Rơmah Huên là giáo viên phụ trách bộ môn tiếng Jrai tại Trường Tiểu học Nay Der (làng Nhao 1, xã Ia Kênh, TP. Pleiku). Thầy Huên tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Tiểu học. Sau đó, thầy tham gia chương trình bồi dưỡng tiếng Jrai để lấy chứng chỉ. Hàng năm, thầy được mời tham gia các lớp bồi dưỡng tiếng Jrai do Sở GD-ĐT tổ chức để cập nhật kiến thức và kỹ năng giảng dạy bộ môn này. “Năm học 2021-2022, tôi dạy 11 lớp với 272 học sinh người dân tộc thiểu số, mỗi tuần 2 tiết. Trong các tiết học, tôi chú trọng rèn luyện kỹ năng nghe-nói-đọc-viết của học sinh. Các em chủ yếu là người Jrai, lại được học tiếng mẹ đẻ nên hầu hết đều rất hứng thú. Để không gây nhàm chán, tôi thường kết hợp kể chuyện, hát dân ca Jrai liên quan đến nội dung bài học”-thầy Huên chia sẻ.
Cô Lâm Thị Kim Anh-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nay Der-cho biết: Trước đây, nhà trường có 7 giáo viên có chứng chỉ dạy tiếng Jrai nên luân phiên đứng lớp. Từ năm 2015 đến nay, nhà trường được bố trí 1 biên chế giáo viên bộ môn tiếng Jrai. Giáo viên dạy tiếng Jrai là người bản địa và được bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn nên có phương pháp dạy ngôn ngữ khoa học và dễ hiểu. Năm học này, toàn trường có 546 học sinh, trong đó có 387 học sinh DTTS, có 272 học sinh người Jrai và Xê Đăng đăng ký học tiếng Jrai. Nhà trường tổ chức dạy trên tinh thần tự nguyện của học sinh. Qua khảo sát thực tế, các em đều ham thích học tiếng của dân tộc mình và cơ bản nghe-nói-đọc-viết thành thạo. Cùng với đó, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy học bộ môn này cũng được đầu tư tương đối đầy đủ, đáp ứng yêu cầu.
Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng tiếng DTTS cho giáo viên (ảnh chụp năm 2020). Ảnh: Mai Ka
Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng tiếng DTTS cho giáo viên (ảnh chụp năm 2020). Ảnh: Mai Ka
Tại Trường Tiểu học Ia Phí (xã Ia Phí, huyện Chư Păh), công tác dạy học tiếng DTTS cũng được duy trì trong suốt 10 năm qua. Theo thầy Nguyễn Trọng Cường-Hiệu trưởng nhà trường, giai đoạn 2010-2014, học sinh học chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ. Còn từ năm học 2014-2015 đến nay, nhà trường thực hiện chương trình dạy tiếng Jrai như một bộ môn. Năm học 2021-2022, nhà trường có 4/27 giáo viên tham gia dạy tiếng DTTS cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Trường triển khai dạy học theo đúng chương trình, sách giáo khoa tiếng DTTS; khuyến khích giáo viên tự làm đồ dùng dạy học để nâng cao chất lượng. Đồng thời, tùy tình hình sắp xếp thời gian học phù hợp và thực hiện đủ số tiết quy định, cơ bản đáp ứng nhu cầu của học sinh cũng như phụ huynh trên địa bàn.
Ông Võ Văn Hải-Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Giáo dục Chính trị và Giáo dục Thường xuyên (Sở GD-ĐT) thông tin: “Dạy và học tiếng DTTS là để duy trì, bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết các dân tộc. Vì vậy, hàng năm, Sở GD-ĐT mở các lớp bồi dưỡng tiếng DTTS cho cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy. Tuy nhiên, quá trình triển khai dạy và học tiếng DTTS trong trường tiểu học ở nhiều địa phương vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nổi lên là vấn đề thiếu giáo viên giảng dạy tiếng DTTS đạt chuẩn theo quy định. Để duy trì hiệu quả, mở rộng quy mô dạy học tiếng DTTS tại các trường đủ điều kiện thì phải có chính sách tuyển dụng biên chế giáo viên chuyên ngành; cần có chủ trương mở lớp đào tạo chuyên ngành giảng dạy tiếng DTTS; ưu tiên xây dựng phòng học, đầu tư trang-thiết bị dạy học cho môn học này”.
Thời gian tới, ngành GD-ĐT tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng dạy tiếng DTTS cho cán bộ quản lý, giáo viên vùng DTTS. Các địa phương cũng thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về công tác quản lý đã được quy định tại Công văn số 2562/BGDĐT-GDDT ngày 22-6-2018 của Bộ GD-ĐT về việc tăng cường quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS đối với cán bộ, công chức vùng DTTS. Cán bộ, công chức, viên chức vùng DTTS học tiếng DTTS tại trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên được hưởng chế độ đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước theo quy định.
MAI KA

Có thể bạn quan tâm

Em Lưu Văn Kiên sẽ đại diện Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25

Em Lưu Văn Kiên sẽ đại diện Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 25

(GLO)- Sáng 27-10, Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức thành công Chung kết cuộc thi Olympia cấp trường năm học 2024-2025. Chương trình được triển khai dựa trên Format của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia phát sóng trên kênh VTV3-Đài Truyền hình Việt Nam.