(GLO)- Chư Sê là một trong những vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất của tỉnh với các loại cây như: hồ tiêu, cao su, cà phê.
Năm 2018, UBND huyện Chư Sê đã trích kinh phí gần 200 triệu đồng giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chọn 6 hộ dân ở xã Al Bá triển khai mô hình thí điểm trồng dâu nuôi tằm. Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình này đã mang lại kết quả khả quan. Ông Nguyễn Đình Thấn-một hộ dân tham gia mô hình-cho biết: “Gia đình tôi có gần 4 ha hồ tiêu và cà phê. Nhưng mấy năm gần đây, hồ tiêu thì chết rụi vì bệnh, cà phê thì già cỗi. Đang nghĩ nên lựa chọn cây gì thay thế cho phù hợp thì được xã vận động tham gia mô hình trồng thử nghiệm cây dâu, tôi đồng ý ngay. Hiện nay, 9 sào đất trồng dâu và 5 hộp tằm của gia đình tôi sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi hộp tằm cho thu khoảng 55 kg kén, bán với giá khoảng 120 ngàn đồng/kg, tính ra cũng được vài chục triệu đồng rồi”.
Trồng cây dược liệu ở huyện Chư Sê. Ảnh: N.T |
Mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện Chư Sê cũng đang hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Hồng Hà-Bí thư Huyện ủy Chư Sê-cho hay: “Ở huyện Chư Sê có khoảng 30 ha trồng cây dược liệu của 2 doanh nghiệp. Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy các loại cây này được trồng theo hướng công nghệ cao nên sinh trưởng tốt. Theo tính toán, mỗi héc ta trồng cây dược liệu cho thu nhập thấp nhất là 30 triệu đồng, cao là 600 triệu đồng/năm”.
Một loại cây trồng khác thời gian qua cũng được trồng nhiều ở huyện Chư Sê và cho hiệu quả khả quan là măng tây xanh. Ông Lê Sỹ Quý-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: “Năm ngoái, hộ anh Hoài ở xã Ia Blang trồng 2 ha măng tây xanh. Hiện nay, 2 ha măng tây xanh này sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu nhập ổn định. Giá bán 1 kg măng tây xanh tùy thời điểm từ 30 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng. Ủy ban nhân dân huyện đã phê duyệt kinh phí năm 2019 hơn 700 triệu đồng triển khai 3 mô hình trồng cây măng tây xanh ở xã Ia Hlốp và thị trấn Chư Sê với tổng diện tích khoảng 3 ha. Chúng tôi sẽ ứng dụng khoa học công nghệ vào mô hình này, đồng thời đã liên hệ với 1 doanh nghiệp ở tỉnh Bình Thuận để bán sản phẩm. Khi thu hoạch, họ sẽ thu mua măng tây xanh xô với giá 60 ngàn đồng/kg”.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, tính đến đầu tháng 6-2019, toàn huyện đã chuyển đổi hơn 600 ha hồ tiêu bị chết sang trồng cây khác. Cụ thể, chuyển hơn 200 ha sang trồng cây ăn quả như: bơ, mít, sầu riêng, chanh dây, cam; 30 ha trồng cây dược liệu; 10 ha trồng dừa, thanh long, rau, dâu, măng tây; 382 ha trồng cây cà phê…
Để khơi dậy tiềm năng nông nghiệp trên địa bàn, mới đây, Huyện ủy Chư Sê đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu hướng tới là sẽ quy hoạch vùng phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2025 có 20% diện tích đất canh tác nông nghiệp sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; cơ giới hóa chăn nuôi đến 80%; xây dựng 1-2 thương hiệu là sản phẩm cây trồng, vật nuôi của huyện. Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: “Chúng tôi đang liên hệ thuê đơn vị tư vấn viết đề án cho nghị quyết này. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành đề án. Song song với đó, chúng tôi đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp đóng góp kinh phí và tham gia sản xuất theo danh mục các nội dung đầu tư phát triển nông nghiệp trong Nghị quyết Đảng bộ huyện”.
HOÀNH SƠN