(GLO)- Gần chục năm trở lại đây, xã Ia Lâu và xã Ia Piơr (huyện Chư Prông) trở thành “miền đất hứa” của người trồng dưa các tỉnh Bình Định, Phú Yên. Năm nay, dưa hấu được giá nhưng năng suất giảm nên niềm vui của người trồng dưa không trọn vẹn.
Nông dân Chư Prông chăm sóc ruộng dưa hấu vụ tết. Ảnh: L.H |
Vụ dưa năm nay, thời tiết mưa nhiều, đan xen nắng to kèm gió hanh khô khiến dưa hấu nhiễm bệnh thối dây do úng nước, trái nhỏ, năng suất kém. Bà Hoàng Thị Thủy (thôn Phố Hiến, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) cho biết: “Nhà tôi xuống giống từ giữa tháng 8 Âm lịch. Sau hơn 2 tháng chăm sóc, 5 sào dưa cho thu hoạch chưa đầy 15 tấn trái. Với giá bán 7.000 đồng/kg dưa loại I, sau khi trừ chi phí, nhà tôi thu lời khoảng 20 triệu đồng”.
Cũng tại xã Ia Lâu, vợ chồng ông Lê Văn Trang (Tây Sơn, Bình Định) thuê 1 ha đất với giá 10 triệu đồng để trồng dưa. Không như các hộ khác, đến tận tháng 9 Âm lịch, ông Trang mới xuống giống dưa. “Tôi thấy các năm trước, dân mình kéo nhau trồng một lúc khiến “dội hàng” lúc thu hoạch, bị tư thương ép giá. Năm nay, tôi trồng lùi lại một chút cho lệch mùa, đồng thời tránh thời kỳ cao điểm mùa mưa Tây Nguyên cho dưa bớt sâu bệnh hại, mong có lãi cao hơn”-ông Trang lý giải.
Sau 2 tháng xuống giống, ruộng dưa hấu của ông Trang đang trong giai đoạn dưỡng quả, chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ cho thu hoạch. Vì xuống giống không rơi vào thời điểm mưa nhiều nên dưa ít bị bệnh thối úng, trái đều hơn. Tuy vậy, đến thời điểm này, riêng chi phí đầu tư 1 ha dưa hấu đã ngốn mất của gia đình ông Trang trên 150 triệu đồng. “Nếu trời thuận cho tới lúc thu hoạch thì 1 ha dưa này đạt tầm 35-40 tấn. Lượng dưa đã giảm nhiều về cuối vụ nên hy vọng mức giá 7.000 đồng đến 10.000 đồng/kg sẽ được giữ đến khi nhà tôi cắt dưa. Được vậy, coi như cũng có chút tiền tiêu Tết”-ông Trang nói. Tuy vậy, theo ông Trang, so với các vụ dưa hấu trước thì năng suất 35-40 tấn/ha chỉ là mức khá. Những năm thời tiết thuận lợi, mỗi ha dưa hấu cho thu hoạch tầm 45-50 tấn là bình thường.
Theo ông Lê Thành Công-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu, năm nay, xã có 59 ha dưa hấu, giảm nhiều so với các năm trước. Do thời tiết không thuận lợi nên năng suất dưa ước chỉ đạt 28-30 tấn/ha. Bù lại, giá thu mua cao và liên tục tăng, từ 4.000 đồng đến 5.000 đồng/kg thời kỳ đầu vụ sau đó nhích dần lên 7.000 đồng-10.000 đồng/kg. Thời kỳ cao điểm nhất, dưa hấu loại I được tiểu thương thu gom 11.000 đồng/kg. Cùng thời điểm này năm trước, giá dưa chỉ ở mức 2.000 đồng-3.000 đồng/kg khiến nhiều người trồng dưa lao đao. Đây cũng là nguyên nhân khiến năm nay nhiều hộ đã chuyển hướng đầu tư qua các loại cây trồng khác thay cho cây dưa hấu, khiến diện tích dưa trên địa bàn giảm mạnh. “Dưa hấu chỉ ưa chân ruộng mới nên sau gần chục năm phát triển thì quỹ đất mới trồng dưa hấu đã dần thu hẹp. Việc trồng lại trên đất cũ không đảm bảo năng suất, lại hay nhiễm sâu bệnh hại, cộng với giá dưa hấu giảm, thị trường tiêu thụ bấp bênh nên nông dân không còn mặn mà với loại cây trồng này”-ông Công chia sẻ thêm.
Tương tự, tại xã Ia Piơr, diện tích và năng suất dưa hấu vụ này cũng giảm mạnh. Theo thống kê, vụ dưa hấu này xã có khoảng 60 ha, được trồng quanh khu vực giáp sông suối, chủ động nước tưới như thôn Thanh Bình và các triền đất dọc ven suối Côn. Ông Bùi Văn Phụng-Chủ tịch UBND xã Ia Piơr cho biết: Phần lớn người trồng dưa hấu là nông dân đến từ hai tỉnh Bình Định và Phú Yên lên đây mượn hoặc thuê đất để trồng, chỉ một ít hộ tại chỗ nắm bắt được kỹ thuật mới đầu tư vào loại cây trồng này. Vì trồng dưa hấu rất phức tạp, phải nắm chắc kỹ thuật, có vốn kinh nghiệm canh tác dày dặn. Năng suất dưa hấu trên địa bàn xã vụ này cũng chỉ đạt xấp xỉ 30 tấn/ha.
Lê Hòa