Chư Prông: Điểm sáng về phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Năm 2018, các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của huyện Chư Prông đều đạt và vượt kế hoạch. Đây chính là tiền đề, động lực để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trên địa bàn huyện nêu cao quyết tâm, nỗ lực phấn đấu đạt những thành công mới trong năm 2019. 
Những kết quả khả quan
Năm 2018, tình hình kinh tế trong nước có nhiều biến động. Theo đó, tỉnh ta nói chung, huyện Chư Prông nói riêng cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sáng tạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, sự điều hành năng động của UBND huyện, cùng sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, Chư Prông đã đạt được những kết quả to lớn. Phát huy thế mạnh sẵn có, huyện Chư Prông đã linh hoạt trong định hướng phát triển kinh tế, lấy việc phát huy tối đa sức mạnh nội lực của địa phương làm chiến lược then chốt để hướng đến những thành công, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu kinh tế-xã hội được giao. Theo đó, tổng giá trị sản xuất trong năm 2018 đạt trên 6.070 tỷ đồng (tăng 11,26% so với năm 2017), trong đó: nông-lâm-ngư nghiệp là 3.792,56 tỷ đồng; ngành công nghiệp-xây dựng là 995,37 tỷ đồng; ngành dịch vụ là 1.282,62 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện là 81,5 tỷ đồng, đạt 163% kế hoạch tỉnh giao (tăng 31,5 tỷ đồng), đạt 127,15% nghị quyết HĐND huyện giao (tăng 17,4 tỷ đồng) và bằng 142,79% so với năm 2017.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng lãnh đạo huyện Chư Prông đi kiểm tra tình hình ở cơ sở. Ảnh: V.H
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng lãnh đạo huyện Chư Prông đi kiểm tra tình hình ở cơ sở. Ảnh: V.H
Để đạt được kết quả trên, huyện Chư Prông đã đặc biệt quan tâm thu hút đầu tư. Việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư an tâm sản xuất kinh doanh đã tạo bước đột phá lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Hiện trên địa bàn huyện đã có 7 nhà máy thủy điện với tổng công suất 12,285 MW, 3 doanh nghiệp sản xuất phân vi sinh, 103 cơ sở xay xát, 3 doanh nghiệp khai thác đá. Ngoài ra, huyện cũng đã cấp mới 245 giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; cấp đổi, cấp lại 71 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cá thể. Hiện nay, trên địa bàn huyện hiện có 7 chợ dân sinh, 3 trung tâm mua sắm và siêu thị tổng hợp, hàng trăm đại lý, cửa hàng tạp hóa bán lẻ, 10 nhà hàng lớn, nhỏ ở các xã, thị trấn… Cùng với đó, các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí lành mạnh không ngừng phát triển, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị, đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật được huyện triển khai một cách tổng thể. Nhiều công trình trọng điểm có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện đã được quan tâm đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả cao. Theo đó, năm 2018, nguồn vốn đầu tư cho các công trình xây dựng cơ bản do huyện quản lý đầu tư là hơn 143,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách huyện 35,31 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh đầu tư 32,529 tỷ đồng; vốn Trung ương 42,569 tỷ đồng (vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 12,012 tỷ đồng; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới 10,557 tỷ đồng); vốn trái phiếu Chính phủ 33,15 tỷ đồng. Huyện đã phân bổ vốn đầu tư cho 78 dự án, công trình thuộc các ngành, lĩnh vực. Phong trào “Chư Prông cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đến nay, toàn huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (gồm Bàu Cạn, Ia Băng, Ia Drăng, Ia Phìn); xã Ia Boòng đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ để công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, 1 xã đạt 11 tiêu chí (Thăng Hưng), 4 xã đạt 8 tiêu chí (Ia Lâu, Ia Piơr, Ia Mơr, Bình Giáo), 1 xã đạt 7 tiêu chí (Ia Kly), 4 xã đạt 6 tiêu chí (Ia Me, Ia Tôr, Ia Ga, Ia O) và 4 xã đạt 5 tiêu chí (Ia Pia, Ia Bang, Ia Vê, Ia Púch).
Bên cạnh sự phát triển về kinh tế, hệ thống chính trị của huyện không ngừng được củng cố và kiện toàn; công tác quốc phòng-an ninh được đảm bảo; văn hóa, giáo dục, y tế có những chuyển biến tích cực; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được triển khai có hiệu quả. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,12% (giảm 3,04% so với năm 2017).
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Một góc thị trấn Chư Prông. Ảnh: V.H
Một góc thị trấn Chư Prông. Ảnh: V.H
Trong năm 2018, huyện Chư Prông đã chú trọng triển khai chương trình tái canh cà phê, cải tạo vườn tạp và trồng xen. Theo đó, huyện đã cấp hỗ trợ 481.270 cây cà phê thực sinh với kinh phí hơn 1,828 tỷ đồng; 13.846 cây bơ cải tạo vườn tạp và trồng xen với kinh phí 623,07 triệu đồng; 7.920 cây giống điều ghép với kinh phí 142,562 triệu đồng. Cùng với đó, huyện phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai cho người dân đăng ký giống cà phê tái canh thuộc chương trình trợ giá của Nestle với số lượng 253.210 cây cà phê thực sinh tương đương 253,21 ha.
Việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Chư Prông đang tiến triển mạnh theo hướng sản xuất lớn, hình thành các khu vực chuyên canh. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, trong đó mô hình tưới tiết kiệm được triển khai với một số loại cây chủ lực của huyện. Tính đến nay, diện tích cây trồng cạn được áp dụng phương thức tưới tiết kiệm nước toàn huyện là 840 ha (trong đó cây hồ tiêu 178 ha, cà phê 124 ha, cây ăn quả 488 ha, rau màu 50 ha). Song song với coi trọng ngành sản xuất giữ vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế, huyện đồng thời tích cực thực hiện nhiều giải pháp để đa dạng hóa cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Mở rộng mô hình trang trại, hợp tác xã nông nghiệp để thu hút người dân cùng tham gia phát triển kinh tế. Đến nay, toàn huyện đã có 5 hợp tác xã nông nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 79,374 tỷ đồng và 3 trang trại trồng trọt, chăn nuôi, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu năm 2019: 
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 7,12%, trong đó, giá trị sản xuất ngành nông-lâm-ngư nghiệp 3.896,33 tỷ đồng; giá trị sản xuất ngành công nghiệp-xây dựng 1.135,5 tỷ đồng; giá trị sản xuất ngành dịch vụ 1.470,95 tỷ đồng.
- Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người 40 triệu đồng.
- Toàn huyện phấn đấu có thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
- Tổng thu ngân sách của huyện 72,164 tỷ đồng.
- Giải quyết việc làm mới cho 2.600 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 43%.
BÙI VIẾT HỘI
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.