Chủ động phòng chống cháy rừng vùng trọng điểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 (GLO)- Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê chịu trách nhiệm quản lý 10.085,32 ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích đất có rừng là 6.112,06 ha và đất chưa có rừng là 3.942,16 ha. Từ thực tế diễn biến cháy rừng những năm trước, Ban đã xác định diện tích và khu vực rừng dễ xảy ra cháy, chủ động xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.  
Cán bộ và lực lượng bảo về rừng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê chủ động phát dọn thực bì trong mùa khô. Ảnh: N.M
Cán bộ và lực lượng bảo về rừng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê chủ động phát dọn thực bì trong mùa khô. Ảnh: N.M
Qua theo dõi, các tiểu khu 600, 606-607, 603 và 605a thuộc xã Hà Tam (huyện Đak Pơ) có diện tích trên 518,28 ha và tiểu khu 621 thuộc xã Song An (thị xã An Khê) với diện tích 15,53 ha là 5 khu vực rừng nằm trong diện có nguy cơ cháy rất cao. Vì những khu vực này là rừng le, rừng nửa lá rụng, rừng trồng thông, có thảm thực bì dày cỏ tranh lau lách xen kẽ, lại nằm giáp ranh với nương rẫy của người dân, sát quốc lộ 19... Trong khi mùa khô kéo từ tháng 12 đến tháng 6 năm sau, trong đó cao điểm là từ tháng 3 đến tháng 6. Thời điểm này, người dân vào mùa phát nương làm rẫy, đốt thực bì, lấy củi, lấy mật ong, rà đốt phế liệu, đốt than. Và quá trình thao tác người dân sử dụng lửa không đúng quy định, thiếu ý thức an toàn lửa rừng là những nguyên nhân dẫn đến cháy rừng.
Trước những nguy cơ đó, Ban chủ động xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) theo phương trâm 4 tại chỗ (chỉ huy, phương tiện, lực lượng và hậu cần tại chỗ). Theo đó, các trọng điểm cháy rừng, Ban sẽ bố trí lực lượng chữa cháy trực tiếp gồm 6 tổ với tổng số 81 người và gián tiếp có 2 tổ với 20 người cùng các phương tiện sẵn có như: máy phát cỏ, cưa lốc, bàn dập lửa, dao, cuốc, xẻng, can đựng nước...
Song song với việc xây dựng các phương án PCCCR, Ban luôn chú trọng phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm, các chính quyền địa phương, đồng thời xây dựng quy chế phối hợp, kế hoạch, phương án PCCCR; củng cố kiện toàn các Ban chỉ PCCCR và các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng ở các thôn, làng sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng sâu rộng đến cộng đồng thôn làng.
Ông Phan Thanh Hải-Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê cho biết:  Ngay từ những ngày đầu mùa khô chúng tôi đã tổ chức 1 hội nghị và 5 đợt tuyên truyền về PCCCR tại các làng, thôn thuộc xã Hà Tam, Yang Bắc và An Thành (huyện Đak Pơ) với trên 200 người tham dự, đồng thời tổ chức ký cam kết an toàn lửa rừng. Vào thời kỳ cao điểm hanh khô, ngoài việc thường xuyên tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ tại các trọng điểm cháy, chúng tôi còn hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật đốt nương rẫy theo quy định để không cháy lây lan vào rừng. Nhờ vậy, trong thời gian qua trên lâm phần Ban quản lý chưa xảy ra vụ cháy rừng lớn nào. Các điểm cháy nhỏ kịp thời được khống chế không gây thiệt hại tài nguyên rừng. 
“Tuy nhiên, do diện tích rừng phân bổ trải dài trên địa bàn 9 xã, 2 phường của thị xã An Khê, huyện Đak Pơ và Mang Yang, địa hình phức tạp, độ dốc cao, nhiều núi cao, suối sâu chia cắt gây khó khăn cho việc tuần tra, cũng như chữa cháy rừng”-ông Hải cho biết thêm.
Ngọc Minh 

Có thể bạn quan tâm