Chủ động phòng-chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sáng nay (15-11), tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh tổ chức phát động hưởng ứng Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018 với chủ đề: “Chủ động phòng-chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”. Đây là nỗ lực nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực, đẩy mạnh công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các vụ bạo lực, xâm hại.
Những vụ việc đau lòng
Vụ tra tấn tàn độc chị Y Nhiêu (trú tại huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum, sang Gia Lai làm thuê) xảy ra cách đây đã 4 tháng nhưng khi nhắc lại ai cũng phải rùng mình ghê sợ. Theo đơn tố cáo của chị Y Nhiêu, chị đã bị đối tượng Nguyễn Thị Hà (tạm trú tại tổ 3, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) tra tấn như thời trung cổ với bàn ủi hơ nóng, thanh sắt hơ lửa, dao lam, kìm cắt kẽm... tại nhiều vị trí trên cơ thể. Ngay chính mẹ ruột chị là bà Y Chúc cũng không nhận ra con mình sau quá trình bị hành hạ tàn độc.
Trước đó là vụ chồng giết vợ bằng 36 nhát dao xảy ra vào trung tuần tháng 9-2017 tại phường Yên Thế (TP. Pleiku). Đối tượng Nguyễn Tấn Thịnh (SN 1983), chồng chị Nguyễn Thị Diễm K. (SN 1994) do mê cờ bạc, cá độ bóng đá, ghen tuông vô cớ đã đoạt mạng vợ bằng những nhát dao chí mạng, rồi tự kết liễu đời mình bằng cách nhảy xuống giếng ở một rẫy cà phê gần đó.
 Tặng quà cho các cặp vợ chồng trước đây hay xảy ra bạo lực nay đã hạnh phúc tại lễ phát động năm 2017. Ảnh: Đ.Y
Tặng quà cho các cặp vợ chồng trước đây hay xảy ra bạo lực nay đã hạnh phúc tại lễ phát động năm 2017. Ảnh: Đ.Y
Tháng 6-2017, Tòa án nhân dân tỉnh đã đưa bị cáo Puih Soaih (làng Kom Ngó, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) ra xét xử với tội danh hiếp dâm con gái ruột chưa tròn 8 tuổi. Bản án 20 năm tù dành cho người cha đồi bại là bài học đích đáng, nhưng nỗi đau này sẽ còn theo đứa trẻ và cả gia đình rất lâu. 
Đó là những vụ bạo lực, xâm hại điển hình xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua mà nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 100 vụ bạo hành, xâm hại phụ nữ và 19 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Song đây chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”, bởi trên thực tế con số này có thể còn nhiều hơn nữa nhưng nạn nhân không dám đứng ra tố giác tội phạm bởi nhiều lý do khác nhau.
Lý giải về nguyên nhân các vụ bạo lực, xâm hại, bà Rcom Sa Duyên-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho rằng: Bạo lực xuất phát từ nhiều nguyên nhân song chủ yếu là do nhận thức. Thêm vào đó là sự cam chịu bạo lực, không dám công khai tố cáo hành vi vi phạm; chính quyền địa phương, cộng đồng xã hội thiếu thông tin, chứng cứ để can thiệp. Tình trạng xâm hại, nhất là nạn xâm hại tình dục trẻ em gái, cũng khiến xã hội bất an. Đặc biệt, có trường hợp “yêu râu xanh” ở ngay trong chính gia đình trẻ bị xâm hại. Bên cạnh đó, một bộ phận trẻ em chưa được gia đình, nhà trường trang bị kiến thức về giới tính và kỹ năng tự bảo vệ trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại. Hoàn cảnh, điều kiện kinh tế khó khăn, cha mẹ ly hôn, thiếu sự giám sát chặt chẽ... cũng là những nguyên nhân phải kể đến.
Nâng cao nhận thức về giới để phòng ngừa
Trong 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới (2008-2018), Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh và các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố đã thành lập được 163 mô hình, 125 cơ sở tư vấn, 215 nhóm phòng-chống bạo lực gia đình và 642 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Đây là những địa chỉ hỗ trợ chị em lánh nạn và tố giác những hành vi xâm hại, bạo lực.
 
Bà Rcom Sa Duyên-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: “Hưởng ứng Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018, các địa phương trong tỉnh cần chú trọng hoạt động truyền thông, đề cao vai trò trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của các cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức để phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới. Thực hiện bình đẳng giới không chỉ đem lại lợi ích riêng cho phụ nữ mà còn vì lợi ích chung và vì sự phát triển, tiến bộ cho thế hệ mai sau”.

Bà Phạm Thị Thoa-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) cho biết: Các chi hội phụ nữ ở thôn, làng đã thành lập được 20 địa chỉ lánh nạn, giúp nhiều chị em khi xảy ra chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” có nơi để chia sẻ, tố cáo hành vi bạo lực. Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ là chủ nhiệm các địa chỉ lánh nạn nên giúp chị em tự tin giãi bày những điều khó nói, hỗ trợ cách phòng-chống bạo lực gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em trên địa bàn khá hiệu quả.
Thời gian qua, nhiều cơ quan, địa phương trong tỉnh cũng đã thực hiện hiệu quả mô hình dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, địa chỉ lánh nạn cho phụ nữ bị bạo hành, trong đó có Văn phòng Tư vấn Trẻ em ở 2 huyện Mang Yang, Chư Sê và Phòng Dịch vụ Công tác xã hội (Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh), góp phần không nhỏ trong việc phòng ngừa tình trạng phụ nữ, trẻ em bị xâm hại tình dục và bạo lực.
Để giảm thiểu vấn nạn phụ nữ và trẻ em bị xâm hại, bạo lực, theo bà Rcom Sa Duyên, chị em phụ nữ và trẻ em khi bị bạo hành hãy lên tiếng ngay, không im lặng, cam chịu, giấu diếm. Chính quyền địa phương, nhà trường, gia đình và xã hội cần có giải pháp tích cực hơn nữa để giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em.
 
Chiều 14-11, UBND huyện Đak Pơ đã phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới với chủ đề “Chủ động phòng-chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”. Tham gia buổi lễ có đại diện cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và Ban Giám hiệu các trường học trên địa bàn huyện. 
P.L
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.