Chốt thời hạn thu phí không dừng, VEC vẫn 'nợ' các trạm cao tốc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Theo quyết định của Thủ tướng, các trạm thu phí trên cả nước cơ bản sẽ vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng trước thời hạn 31.12.2020, tuy nhiên, 4/5 tuyến cao tốc thuộc VEC sẽ được điều chỉnh tiến độ.
 
Quyết định 19 vừa được Thủ tướng ban hành đã tháo gỡ nhiều mắc mứu cho dự án ETC. ẢNH: NGỌC THẮNG
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 19/2020 về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC), thay thế Quyết định 07/2017. Quyết định với nhiều điểm mới này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc của dự án ETC trong thời gian qua.
 Theo đó, mục tiêu đến 31.12.2020 cơ bản các trạm thu phí trên toàn quốc sẽ vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng. Đối với 4/5 dự án cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, Thủ tướng giao Bộ GTVT và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện nguồn vốn của dự án.
Với dự án BOO1, cơ bản tất cả các trạm đã lắp đặt, vận hành hệ thống ETC, chỉ trừ 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý, do vướng mắc về nguồn vốn đầu tư, vì các hiệp định vay vốn đã hết thời hạn. Bộ GTVT và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã yêu cầu VEC nghiên cứu các phương án đầu tư hệ thống ETC trong tháng 6 để báo cáo Chính phủ.
Để xử lý mắc mứu vốn cho VEC, sẽ mất rất nhiều thời gian, khó có thể hoàn thành kịp trong năm 2020. Dự án ETC có nguy cơ đổ bể tiến độ tổng thể vì các dự án cao tốc của VEC không kịp về đích. Vì vậy, việc tách riêng 4 dự án cao tốc của VEC về tiến độ, được xem là giải pháp tạm thời để tháo gỡ nút thắt lớn nhất về tiến độ cho dự án BOO1. 
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ GTVT, để gỡ tiến độ tổng thể dự án ETC, phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ dự án BOO2. Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lựa chọn Tập đoàn Công nghệ Viettel và một số doanh nghiệp là nhà đầu tư dự án. Song do vướng mắc về chủ trương tái cơ cấu Viettel, khiến tiến độ thành lập doanh nghiệp dự án quá chậm so với yêu cầu.
Cuối tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cho phép Viettel được tham gia thành lập doanh nghiệp, song đến thời điểm này doanh nghiệp dự án vẫn chưa ra đời. 
Dừng thu phí nếu không lắp đặt ETC
Quyết định 19 của Thủ tướng cũng bắt buộc các dự án xây mới chỉ được triển khai thu phí khi thực hiện lắp đặt hệ thống ETC. Nhà nước sẽ căn cứ điều kiện cụ thể của từng trạm để quyết định việc duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp (thu cả hình thức ETC và một dừng) trên mỗi chiều lưu thông; hoặc thời điểm chuyển toàn bộ các làn thu phí sang hình thức ETC, cũng như việc thực hiện lắp đặt hệ thống ETC đối với các dự án có thời gian thu phí dưới 3 năm.
Đặc biệt, các trạm không thực hiện việc lắp đặt hệ thống ETC sẽ bị dừng thu phí nếu do lỗi của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, để xử lý những mâu thuẫn trước đó giữa nhà đầu tư ETC và doanh nghiệp BOT về trích lập doanh thu thu phí, quyết định của Thủ tướng cũng quy định rõ các chi phí liên quan đến thực hiện, quản lý, giám sát công tác thu phí tự động không dừng.
Trên thực tế, các hợp đồng BOT đều ký trước khi có chủ trương áp dụng thu phí tự động không dừng, vì thế trong phương án tài chính các dự án BOT chưa có các chi phí liên quan đến hạng mục ETC. Đây là lý do nảy sinh tranh cãi và trì hoãn trong việc ký các phụ lục hợp đồng và phân chia doanh thu giữa nhà đầu tư ETC và BOT.
Trước đó, trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, bản chất dự án ETC là một bộ phận của BOT, gắn liền với dự án BOT cả về doanh thu. Vì vậy, nếu doanh thu dự án BOT đảm bảo thì không vấn đề gì, nhưng nếu doanh thu thu phí hụt thì phải có cơ chế chia sẻ cho nhà đầu tư BOT cũng như đảm bảo quyền lợi cho đơn vị cung cấp ETC. “Chúng tôi đã tính toán phương án khả thi nhất nếu nguồn thu bị hụt có thể kéo giãn thời gian thu phí thêm vài tháng”, ông Thọ cho hay
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng khẳng định, mục tiêu Bộ GTVT đặt ra vẫn là hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng là cuối năm 2020 lắp đặt làn ETC trên các trạm thu phí cả nước. Tuy nhiên, trường hợp một số trạm đã lắp đặt nhưng đang vận hành thử hoặc chưa kịp vận hành có thể kéo dài thêm sang đầu 2021.
Mai Hà (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Hoàng Anh Gia Lai hiện ra sao?

Hoàng Anh Gia Lai hiện ra sao?

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm nay đạt 851 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai cho rằng đã có chuyển biến tích cực và phần nào khắc phục được nguyên nhân chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo.

Hiệu quả từ những sáng kiến “made in Thủy điện Ialy”

Hiệu quả từ những sáng kiến “made in Thủy điện Ialy”

(GLO)- Bên cạnh hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, thời gian qua, cán bộ, nhân viên Công ty Thủy điện Ialy còn đề xuất hàng chục giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Những sáng kiến “made in Thủy điện Ialy” đã góp phần đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.