Cho thuê rồi biến đất công viên thành 'của riêng' tư nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cả 2 cá nhân thuê đất công viên được UBND H.Đắk Hà (Kon Tum) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu.

Công viên Đắk Hà (ảnh 1) và 24 Tháng 3 (ảnh 2) bị đem cho thuê rồi biến thành “của riêng” tư nhân khiến dư luận bức xúc. ẢNH: ĐỨC NHẬT
Công viên Đắk Hà (ảnh 1) và 24 Tháng 3 (ảnh 2) bị đem cho thuê rồi biến thành “của riêng” tư nhân khiến dư luận bức xúc. ẢNH: ĐỨC NHẬT
Vụ việc xảy ra từ năm 2016, đến năm 2019 cơ quan chức năng vào cuộc yêu cầu xử lý nhưng đến nay địa phương vẫn dùng dằng không làm dứt điểm.
Hơn 2 ha đất công viên thành “của riêng”
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, tháng 10.2016, ông Hoàng Nghĩa Trí, Phó chủ tịch UBND H.Đắk Hà (tỉnh Kon Tum) ký quyết định cho ông Đinh Xuân Ba thuê công viên 24 Tháng 3 với diện tích 10.539 m2 và cho ông Phan Thanh Trường (cùng ở TT.Đắk Hà) thuê công viên Đắk Hà với diện tích 11.200 m2. Thời hạn cho thuê 2 công viên là 30 năm, hình thức thuê đất là trả tiền hằng năm. Cả 2 cá nhân thuê đất đã được UBND H.Đắk Hà cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu, với mục đích là “đất khu vui chơi, giải trí” và hình thức “sử dụng riêng”.
Sau khi được Sở Xây dựng Kon Tum cấp phép, 2 cá nhân thuê đất đã xây dựng nhiều hạng mục công trình gồm khu ăn uống, vui chơi, phòng tập gym, quán cà phê và một số vị trí đẹp đã cho bên thứ 3 thuê lại để hưởng chênh lệch.
Từ khi 2 công viên biến thành “của riêng”, người dân bị mất nơi vui chơi, tập thể dục khiến dư luận địa phương rất bức xúc. Năm 2019, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Kon Tum vào cuộc và xác định Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Hà nhiệm kỳ 2015 - 2020 chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương xã hội hóa thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại công viên 24 Tháng 3 và công viên Đắk Hà. Việc này dẫn đến vi phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chủ trương, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và người dân. Từ đó, UBKT Tỉnh ủy Kon Tum yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Hà kiểm điểm, rút kinh nghiệm và sớm có biện pháp khắc phục, sửa chữa.
UBKT Tỉnh ủy Kon Tum cũng chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm và xem xét thi hành kỷ luật đối với những cá nhân liên quan trong việc tham mưu, đề xuất và thực hiện chủ trương xã hội hóa có những sai sót, khuyết điểm. Riêng ông Hoàng Nghĩa Trí, Phó chủ tịch UBND H.Đắk Hà (đã nghỉ hưu), phải chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu, triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa, thu hút đầu tư xây dựng 2 công viên. Ông Trí đã vi phạm, khuyết điểm khi ký các quyết định cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cá nhân không đúng thẩm quyền và không đúng quy định của pháp luật. Ông Trí đã bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo.
UBKT Tỉnh ủy Kon Tum cũng kết luận ông Đoàn Ngọc Thắng, Chủ tịch UBND H.Đắk Hà (cũng đã nghỉ hưu), phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Hà và trách nhiệm là người đứng đầu trong việc thiếu kiểm tra, thanh tra, chỉ đạo dẫn đến vi phạm, khuyết điểm. Vi phạm của ông Thắng là ít nghiêm trọng nhưng gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và người dân, làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức Đảng, cơ quan đơn vị nơi ông Thắng công tác.
Đề xuất điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa ?
Trong khi lãnh đạo huyện bị “điểm danh” trách nhiệm do có sai phạm đã nghỉ hưu, thì lãnh đạo đương nhiệm lại “loay hoay” xử lý. Để khắc phục vi phạm, H.Đắk Hà và tỉnh Kon Tum tuy đã có rất nhiều cuộc họp bàn, nhưng rốt cuộc đến nay cả 2 công viên vẫn đang là “của riêng”.
UBND H.Đắk Hà cũng đã trình UBND tỉnh Kon Tum phương án khắc phục. Trong đó, phương án 1 là phân định rõ các khu chức năng sử dụng vào mục đích công cộng không kinh doanh thì sẽ đầu tư, nâng cấp để phục vụ mục đích công cộng. Khu chức năng sử dụng vào mục đích công cộng có kinh doanh thì sẽ giao cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND huyện quản lý, sử dụng, lập đề án đấu giá cho thuê một phần quyền sử dụng đất có mục đích kinh doanh và bán, thanh lý tài sản gắn liền với đất (do nhà nước đầu tư).
Phương án 2 là điều chỉnh quy hoạch chung TT.Đắk Hà và quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích toàn bộ diện tích 2 công viên từ đất “công cộng” sang đất “thương mại - dịch vụ”. Giao đất cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND huyện quản lý, sử dụng và lập đề án đấu giá cho thuê toàn bộ quyền sử dụng đất và bán thanh lý tài sản gắn liền trên đất (phần nhà nước đầu tư). Tuy nhiên, phương án 2 gặp khó khăn vì sẽ không tạo được sự đồng thuận trong người dân do công viên Đắk Hà có nguồn gốc đất là do người dân hiến và công viên 24 Tháng 3 có nguồn gốc đất tôn giáo.
Với 2 phương án trên, UBND H.Đắk Hà đều viện dẫn “có khó khăn chung” là Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn về thanh lý tài sản thuộc quyền sở hữu của nhà nước theo luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017. Bên cạnh đó, nếu 2 doanh nghiệp đã được cho thuê đất “sử dụng riêng” không trúng đấu giá thuê quyền sử dụng đất, thì dễ phát sinh tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng tài sản do cá nhân đã đầu tư.
Trước phương án về xử lý các tồn tại ở 2 công viên của UBND H.Đắk Hà, UBND tỉnh Kon Tum cho rằng nội dung đề nghị chưa đủ cơ sở để UBND tỉnh xem xét. Do đó, UBND tỉnh đề nghị Sở Tài chính phối hợp cùng UBND H.Đắk Hà và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh có văn bản tham vấn ý kiến Bộ Tài chính.
Các sai phạm trong vụ biến cả 2 công viên thành “của riêng” đến nay vẫn chưa được khắc phục dứt điểm. Các cá nhân được ưu ái “sử dụng riêng” đất công viên vẫn đang thực hiện kinh doanh, trong khi đó người dân địa phương vẫn tiếp tục bức xúc vì mất chỗ vui chơi công cộng.
Theo Đức Nhật (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.