Chiêu trò hiến đất làm đường để phân lô tràn lan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một số người hiến đất làm đường trong khi các cơ quan chức năng có dấu hiệu buông lỏng quản lý, nên xảy ra tình trạng phân lô tách thửa tràn lan ở TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Ngày 21.10, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cho biết đã có kết luận thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND TP.Bảo Lộc trong công tác quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn. Đồng thời Thanh tra tỉnh cũng đã chuyển hồ sơ đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý các sai phạm đối với các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm trong việc chỉ đạo, thực hiện các trình tự, thủ tục liên quan dẫn đến các sai phạm trong việc hiến đất, ghi nhận hiện trạng đường giao thông để giải quyết hồ sơ tách thửa trên địa bàn TP.Bảo Lộc theo quy định của pháp luật.

Nở rộng phong trào hiến đất

Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua việc các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư hạ tầng (mở đường, dựng trụ điện), “hiến đất” để đủ điều kiện phân lô, tách thửa trên địa bàn TP.Bảo Lộc diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trên mạng xã hội có nhiều thông tin, quảng cáo về các “dự án bất động sản”, nhưng thực chất là do một số đối tượng môi giới bất động sản tự đặt tên và đăng tin quảng cáo nhằm thu hút người mua. Trên thực tế, các “dự án” này không được cơ quan thẩm quyền cấp phép.

Theo đó, tổng số hồ sơ xin tách thửa từ năm 2018 đến 2020 tại TP.Bảo Lộc là 2.802 hồ sơ với tổng diện tích 8.592.368 m2; trong đó: năm 2018 có 738 hồ sơ/1.571.041 m2, năm 2019 có 902 hồ sơ/2.999.870 m2, năm 2020 là 1.162 hồ sơ/4.021.458 m2. Trong khi đó, tổng diện tích tự mở đường, hiến đất 3 năm qua là 69.551 m2; trong đó nhiều nhất là xã Đam B’ri với 40.478 m2, kế tiếp là P.Lộc Sơn 10.375 m2, P.Lộc Phát với 7.260 m2, các địa phương còn lại dao động từ 234 - 3.241 m2. Một số trường hợp hiến đất lớn, như: ông N.Đ.H: 20.041 m2, ông N.V.H: 1.148 m2, bà N.N.A.T: 18.865 m2 (xã Đam B’ri), ông T.V.C: 4.484 m2, ông V.V.T: 1.346 m2 (P.Lộc Phát).


 

Tình trạng phân lô tách thửa ở TP.Bảo Lộc diễn ra rầm rộ trong 2 năm 2019, 2020. Ảnh: G.B
Tình trạng phân lô tách thửa ở TP.Bảo Lộc diễn ra rầm rộ trong 2 năm 2019, 2020. Ảnh: G.B



Đáng chú ý, có 4 trường hợp tại P.Lộc Phát, gồm: V.V.T tách thành 62 thửa, C.N.H tách thành 49 thửa, T.V.C tách thành 49 thửa, N.V.C tách thành 34 thửa và 5 trường hợp khác tại xã Đam B’ri, gồm: N.V.H tách thành 31 thửa, N.T.H - N.T.K.O tách thành 44 thửa, N.Đ.H, N.N.A.T tách thành 11 thửa. Toàn bộ số diện tích tách thửa này đều có mục đích theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) là đất trồng cây lâu năm.

“Nhiều trường hợp, người sử dụng đất đã hiến đất, sau đó tiếp tục xây dựng công trình, cá biệt có một số điểm còn làm hàng rào, xây dựng nhà bảo vệ là hành vi lấn chiếm đất công (vì đã hiến quyền sử dụng đất cho nhà nước). Việc này cho thấy bản chất của việc hiến đất chủ yếu là nhằm mục đích phân lô, tách thửa, phục vụ lợi ích cá nhân chứ không phải là để phục vụ lợi ích công cộng”, kết luận thanh tra nêu.


Có dấu hiệu hợp thức hóa hồ sơ

Điều kỳ lạ, trường hợp đơn xin hiến đất làm đường của ông C.N.H không gửi UBND P.Lộc Phát, không có xác nhận của UBND phường này, chỉ gửi chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Bảo Lộc và Sở TN-MT, nhưng vẫn được chấp nhận hồ sơ, thực hiện các thủ tục tách thửa. Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, việc này là sai quy định, vì các cơ quan nhận đơn xin hiến đất là cơ quan thực hiện thủ tục hành chính, không phải cơ quan nhận chuyển quyền sử dụng đất. Việc làm này đã “loại trừ” công tác quản lý của chính quyền địa phương cấp xã.


 

 Đường nhựa, trụ điện được đầu tư ở các khu phân lô
Đường nhựa, trụ điện được đầu tư ở các khu phân lô


Một trường hợp khác “lạ” hơn, đơn xin hiến đất đứng tên bà P.T.N, ký ngày 23.11.2020 được UBND xã Đam B’ri xác nhận: “Hiện trạng có đường đã rải đá, cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ theo quy định. Kính chuyển các cấp xem xét giải quyết”. Như vậy, việc xây dựng chưa hoàn thành, nhưng vẫn được chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Bảo Lộc nhận hồ sơ, thực hiện thủ tục tách thửa.

Đồng thời để giải quyết hồ sơ này, ngày 16.12.2020, Sở TN-MT ban hành văn bản đề nghị UBND TP.Bảo Lộc cho ý kiến đối với việc chia tách lô đất và hiến đất làm đường. Tuy nhiên, cũng trong ngày 16.12.2020, Sở TN-MT đã ký cấp 5 GCNQSDĐ sau tách thửa cho bà P.T.N. Điều đáng nói, một số trường hợp Sở TN-MT có văn bản đề nghị UBND TP.Bảo Lộc cho ý kiến, tuy nhiên tại các văn bản trả lời của UBND TP.Bảo Lộc chưa thể hiện rõ các nội dung như đề nghị, nhưng vẫn được Sở TN-MT thực hiện thủ tục tách thửa.

Theo kết luận thanh tra, về hồ sơ, người sử dụng đất không lập “văn bản tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định” mà chỉ lập “Đơn xin hiến đất” và UBND xã ghi nội dung “kính chuyển” các cơ quan giải quyết, do vậy không xác định được bên nhận tặng cho là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hay cộng đồng dân cư nào. Việc cơ quan đăng ký đất đai xác định UBND các xã, phường là tổ chức nhận tặng, cho quyền sử dụng đất được hiến là chưa đủ cơ sở. Không chỉ vậy, người dân tự xây dựng công trình giao thông trên đất nông nghiệp là không đúng quy định, nhưng với việc chấp nhận hồ sơ, căn cứ vào đơn xin hiến đất để ghi nhận hiện trạng (đường giao thông) vào hồ sơ địa chính đã gián tiếp ghi nhận công trình vi phạm, tạo điều kiện cho người sử dụng đất được tách thửa vì lợi ích cá nhân.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Kỳ lạ hơn, để hạn chế tình trạng người dân đầu tư hạ tầng không đúng quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng, ngày 18.5.2019, UBND TP.Bảo Lộc ban hành Văn bản số 841 yêu cầu các đơn vị chức năng, xã, phường tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, xây dựng trên địa bàn. Thế nhưng, chưa đầy 6 tháng sau, ngày 11.11.2019, UBND TP.Bảo Lộc đã ban hành Văn bản số 2289 dừng thực hiện Văn bản 841 nói trên.

Như được “thả cửa”, một số đối tượng đã lợi dụng để xây dựng, hình thành đường giao thông mới nhằm mục đích phân lô tách thửa nhưng không có giấy phép xây dựng (hoặc không được thống nhất về hướng tuyến), không phù hợp quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, việc buông lỏng công tác quản lý đối với diện tích đất mà người sử dụng đất đã “hiến”, buông lỏng các trình tự về thủ tục xây dựng dẫn đến tình trạng tự xây dựng đường giao thông, phân lô, tách thửa tràn lan trên địa bàn TP.Bảo Lộc trong năm tăng đột ngột. Cụ thể, năm 2018 là 339 hồ sơ/53.339 m2, năm 2019 là 1.368 hồ sơ/287.003 m2 và năm 2020 tăng lên 1.545 hồ sơ/332.548 m2.

Cũng theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, toàn bộ diện tích đất được các cá nhân hiến làm đường (đã hình thành các con đường) chưa được chính quyền địa phương “nhận hiến”, đưa vào quỹ đất công để quản lý. Việc hình thành các con đường không theo quy hoạch, kế hoạch của địa phương nên gián tiếp ảnh hưởng đến các chỉ tiêu cơ cấu sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt và làm giảm hiệu quả sử dụng đất (đất nông nghiệp nhưng sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp). Bên cạnh đó, tiềm ẩn nguy cơ hình thành các điểm dân cư tự phát, phát sinh tranh chấp, kiện tụng, lừa đảo về sau.

 

Sau hơn 1 năm tạm dừng thực hiện Văn bản 841, ngày 30.12.2020, UBND TP.Bảo Lộc ban hành Văn bản số 2915 yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng trên địa bàn thì việc hiến đất mở đường tại địa phương này cơ bản được kiểm soát, không phát sinh các điểm người dân tự đầu tư mới trong năm 2021.


Theo GIA BÌNH (TNO)

Có thể bạn quan tâm