Chỉ số DDCI: “Trao quyền” cho doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện đánh giá Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, cùng nhau hướng tới một đích đến là khát vọng phát triển.

Đề cập về tính chủ động “trao quyền” đánh giá chất lượng điều hành cho cộng đồng doanh nghiệp đối với bộ máy chính quyền cấp cơ sở, ông Đặng Đình Huy-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại-dịch vụ Tiến Đạt (huyện Chư Prông) nhận định: “Việc triển khai thực hiện Bộ chỉ số DDCI cho thấy tỉnh rất coi trọng vai trò, tiếng nói và những đóng góp của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế-xã hội. Qua kênh này, chúng tôi có thể góp ý một cách toàn diện, thẳng thắn về thực trạng điều hành kinh tế của các cơ quan quản lý nhà nước. Hàng năm, các địa phương vẫn tổ chức gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp để chúng tôi có thể phản ánh, kiến nghị những vấn đề còn tồn tại liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian có hạn nên chúng tôi chỉ có thể nêu được một vài vấn đề liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp”.

Còn ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thì cho biết: “Việc khảo sát DDCI được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) triển khai minh bạch và bảo mật, không đơn vị nào có thể can thiệp vào kết quả khảo sát. Vì vậy, bảng đánh giá, xếp hạng DDCI được coi là công cụ “đo lường” giúp các sở, ngành và địa phương “điểm danh” những tồn tại, hạn chế khiến người dân và doanh nghiệp chưa hài lòng, từ đó đề ra phương hướng khắc phục kịp thời”.

Gia Lai tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy

Để xây dựng phiếu khảo sát, nhóm nghiên cứu VCCI Đà Nẵng đã phát triển các câu hỏi, tiêu chí đánh giá nội hàm của từng chỉ số thành phần sau khi thống nhất sử dụng trong Bộ chỉ số DDCI Gia Lai 2021. Tiếp đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh gửi phiếu khảo sát qua đường bưu điện đến các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong danh sách chọn mẫu ngẫu nhiên từ VCCI Đà Nẵng. Sau khi thu hồi các phiếu khảo sát, VCCI Đà Nẵng kiểm tra và tổng hợp phiếu. Các phiếu khảo sát được gửi về VCCI Đà Nẵng còn nguyên phong bì, đảm bảo việc bảo mật nội dung trả lời cũng như thông tin các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Năm 2021, với gần 1.000 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh được khảo sát, doanh nghiệp là đối tượng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 79%, tiếp theo là hợp tác xã với 15% và cuối cùng hộ kinh doanh chiếm 6%. Thống kê cho thấy, đa phần người tham gia khảo sát đang đảm nhiệm vai trò quản lý với trên 64% người có chức vụ tại các đơn vị tham gia trả lời khảo sát (trưởng phòng, thành viên ban giám đốc, chủ hộ kinh doanh…). Điều này cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh đến cuộc khảo sát, giúp nâng cao độ tin cậy của dữ liệu. Về lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ-thương mại đa số doanh nghiệp tham gia khảo sát với tỷ lệ 55%; xây dựng, bất động sản có tỷ trọng lớn tiếp theo với 18%; nông-lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến, chế tạo là 2 lĩnh vực có tỷ trọng doanh nghiệp tham gia khảo sát tương đương nhau với tỷ lệ 12%.

Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) được nhiều nhà đầu tư lựa chọn là địa điểm triển khai các dự án. Ảnh: Hà Duy

Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) được nhiều nhà đầu tư lựa chọn là địa điểm triển khai các dự án. Ảnh: Hà Duy

Theo Quyết định số 673/QĐ-UBND ngày 7-10-2021 của UBND tỉnh, Bộ chỉ số DDCI 2021 bao gồm 42 tiêu chí khảo sát, đánh giá cơ quan quản lý nhà nước về tính minh bạch, tính năng động, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và vai trò người đứng đầu. Theo VCCI Đà Nẵng, UBND tỉnh phê duyệt bộ tiêu chí đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp để “chấm điểm” cơ quan quản lý nhà nước rất sát với thực tế, thẳng thắn, đặc biệt là không né tránh những vấn đề nhạy cảm khi phiếu khảo sát có đề cập đến các vấn đề như: doanh nghiệp “Cần có mối quan hệ để có thể tiếp cận được tài liệu của sở, ban, ngành, địa phương”; “Có hiện tượng trì hoãn, chậm trễ của sở, ban, ngành khi thực hiện các quyết định/chủ trương của cấp trên”; “Hiện tượng nhũng nhiễu là phổ biến khi giải quyết thủ tục hành chính hoặc các công việc liên quan tại các sở, ban, ngành, địa phương”; “Tồn tại các doanh nghiệp sân sau và doanh nghiệp thân hữu tại các sở, ban, ngành và cấp huyện”; “Có sự ưu ái trong việc tiếp cận các nguồn lực nhà nước (bao gồm: đất đai, tài chính và đấu thầu) cho doanh nghiệp sân sau và doanh nghiệp thân hữu”…

Toàn tỉnh hiện có trên 8.500 doanh nghiệp, 388 hợp tác xã và hơn 40.000 hộ kinh doanh được cấp đăng ký kinh doanh. Cùng với việc thực hiện tốt công tác đầu tư, phát triển hạ tầng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, Gia Lai triển khai Bộ chỉ số DDCI với khoảng gần 1.000 phiếu khảo sát trong năm 2022 tiếp tục góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khơi lên niềm tin, khát vọng cống hiến cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh cùng chung tay xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.