Chạy tiền vào biên chế ở Đắk Lắk: Nghi vấn về đường dây "chạy" việc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một giấy viết tay của ông Huỳnh Bê với nội dung “mượn tiền” từ giáo viên. Ông Huỳnh Bê (ảnh nhỏ) khai đã chi tiền cho lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện Krông Pắk để lo việc cho các giáo viên.Ảnh: PV
Một giấy viết tay của ông Huỳnh Bê với nội dung “mượn tiền” từ giáo viên. Ông Huỳnh Bê (ảnh nhỏ) khai đã chi tiền cho lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện Krông Pắk để lo việc cho các giáo viên.Ảnh: PV
Nhiều người nhẹ dạ trót giao hàng tỉ đồng cho ông Huỳnh Bê - nguyên Hiệu trưởng trường Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) để chạy vào biên chế nhà nước. Đến khi Cơ quan Cảnh sát điều tra bắt tạm giam ông Huỳnh Bê, từ đây đường dây “chạy việc” bắt đầu lộ diện.
Có tiền là có biên chế?
Công an huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) vừa chuyển hồ sơ vụ án đối tượng Huỳnh Bê - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây có hành vi lừa đảo, nhận trên 1 tỉ đồng tiền chạy việc, cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.
Trước đó, việc UBND huyện Krông Pắk thông báo chấm dứt hợp đồng đối với hàng trăm giáo viên trên địa bàn, theo đó nhiều người đồng loạt làm đơn trình báo cơ quan công an việc ông Huỳnh Bê nhận tiền “chạy” vào biên chế nhưng không giữ lời. Trong các đơn tố cáo, các giáo viên cho biết, thủ đoạn mà ông Huỳnh Bê sử dụng là nhận tiền, ký giấy “vay nợ” rồi bảo người xin việc chờ ngày vào biên chế chính thức.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc tại sao nhiều người tin tưởng giao số tiền lớn cho một vị hiệu trưởng trường THCS, một giáo viên tại xã Vụ Bổn tiết lộ: Bản thân ông Bê là người có uy tín trên địa bàn, có quan hệ rộng với lãnh đạo địa phương. Còn nữa, trước đó ông Bê cũng đã xin việc trót lọt cho nhiều người (?).
Với vỏ bọc này, con số người bị hại cứ nhiều lên theo cấp số nhân. Như trường hợp của anh Nguyễn Văn H (trú huyện Cư M’gar), đầu năm 2013, được sự giới thiệu của người quen, anh gặp và đặt vấn đề chạy việc với ông Huỳnh Bê để được giảng dạy tại Trường THCS Ngô Mây với giá 160 triệu đồng. Thời gian này, gia đình anh H lần lượt giao số tiền 100 triệu đồng và 30 triệu đồng qua hai đợt và đều được ông Huỳnh Bê viết giấy “mượn tiền”.
Không thể chỉ mỗi ông Huỳnh Bê
Đó là khẳng định của anh S - giáo viên bị chấm dứt hợp đồng tại huyện Krông Pắk với phóng viên trước nghi vấn về một đường dây xin việc quy mô sau khi đối tượng Huỳnh Bê bị bắt. Theo anh S, bản thân đối tượng Huỳnh Bê là hiệu trưởng một trường THCS thì không thể ra được một quyết định xin việc cho giáo viên mà phía sau hẳn còn có một đường dây từ dưới lên trên.
“Đây là điều mà cơ quan công an cần điều tra, làm rõ các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm” - anh S nói. Về phần ông Bê, ông này khai tại cơ quan công an rằng, sau khi nhận tiền của các giáo viên đã chung chi cho nhiều cán bộ địa phương để “chạy việc”, “chạy biên chế”.
Đối tượng Huỳnh Bê khai đưa cho ông V.V.N - Phòng Tổ chức, Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk - số tiền 250 triệu đồng để nhờ ông này xin việc cho con của bà C.T.L; đưa cho ông T.H.T - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Krông Pắk - số tiền 100 triệu đồng để xin vào biên chế cho anh L.V.K và chị Đ.T.H.L; đưa cho ông T.Đ.L - nguyên trưởng Phòng Nội vụ huyện Krông Pắk - số tiền 100 triệu đồng để chạy vào biên chế cho giáo viên trên địa bàn. Hiện những lời khai của đối tượng Huỳnh Bê đang được cơ quan công an điều tra, xác minh.
Ông Huỳnh Bê
Ông Huỳnh Bê
Trao đổi với báo Lao Động về lời khai tại cơ quan công an của ông Huỳnh Bê có liên quan đến ngành nội vụ huyện Krông Pắk, ông Miêng Klơng - Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk - thông tin: Thời gian qua, Sở không nhận được đơn thư tố cáo liên quan đến nội dung chi tiền chạy việc tại huyện Krông Pắk.
“Dư luận cho rằng, trong đường dây chạy việc có người của Phòng Nội vụ huyện Krông Pắk liên đới, nhưng dù đúng hay sai thì cơ quan có thẩm quyền sẽ điều tra, xác minh” - ông Miêng Klơng nói.
Một diễn biến khác, trước lời khai của ông Huỳnh Bê, ông T.H.T - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Krông Pắk - nói: “Việc này tôi đã báo cáo với tổ chức và báo cáo với cơ quan công an, anh liên hệ đó mà nắm”. Còn ông T.Đ.L cho rằng, lời khai của ông Huỳnh Bê là vu khống. “Tôi không lấy của ông Bê một đồng nào. Ông Bê khai đưa tiền cho tôi vào tháng 7.2015 nhưng thời điểm đó tôi đã lên làm Phó Chủ tịch huyện, không liên quan đến chuyện hợp đồng”.
Hữu Long (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.