Chắp cánh ý tưởng khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Học sinh, sinh viên trường nghề có lợi thế về tay nghề, kỹ thuật, có đam mê. Nhưng để khởi nghiệp, cần có tầm nhìn chiến lược, phải nhìn thấy cái người khác không thể thấy"
Sinh viên Trường CĐ Quốc tế TP.HCM trong giờ học pha chế - Ảnh: V.T.
Sinh viên Trường CĐ Quốc tế TP.HCM trong giờ học pha chế - Ảnh: V.T.
Đó là khẳng định của bà Trần Minh Huyền, vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH).
Ngày 28-5, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chính thức phát động cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp" (Startup Kite 2020).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Minh Huyền cho biết: "Startup Kite 2020 nhằm cụ thể hóa đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025", khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ đó thúc đẩy học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp áp dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống".
* Khởi nghiệp từ khi còn là học sinh, sinh viên sẽ đem lại cho người trẻ điều gì? Những bạn trẻ trong các cơ sở đào tạo nghề có những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình khởi nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, thưa bà?
- Kinh nghiệm từ các quốc gia thành công hiện nay cho thấy khởi nghiệp phần lớn tập trung vào giới trẻ. Có thể khởi nghiệp ở độ tuổi học sinh, sinh viên không là con đường lựa chọn của số đông, tuy nhiên trường học, cơ sở giáo dục lại là môi trường tuyệt vời để bắt đầu khởi sự kinh doanh. 
Có ý tưởng, có chuyên môn, kỹ thuật, được thực hành với máy móc, công nghệ khá sớm, có tay nghề giỏi là những điều kiện thuận lợi mà học sinh, sinh viên trường nghề tự trang bị cho bản thân khi được đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên không phải học sinh, sinh viên nào cũng có cơ hội khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, đào tạo nghề được phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Trước sự chuyển dịch đó, học sinh, sinh viên trong các trường nghề ngày càng có lợi thế hơn về tay nghề cao, nhanh nhạy với công nghệ để biến đam mê, ý tưởng thành hiện thực.
Bà Trần Minh Huyền - vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên
Bà Trần Minh Huyền - vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên
Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp" năm 2020 không dừng lại ở tìm 
kiếm, tôn vinh những tác giả và các dự án khởi nghiệp xuất sắc mà sẽ chắp cánh cho các ý tưởng, dự án sớm đi vào hoàn thiện, đồng thời làm cầu nối cho các dự án đến với nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Bà Trần Minh Huyền
* Có một vấn đề là khi trẻ, non kinh nghiệm thì khởi nghiệp rất dễ thất bại. Thất bại có thể khiến nhiều bạn nản chí. Theo bà, những bạn trẻ cần chuẩn bị tinh thần như thế nào khi bắt tay vào khởi nghiệp?
- "Thất bại là mẹ thành công", tôi luôn tin như vậy. Thất bại cũng là bài học quý giá để chúng ta đứng lên sau những vấp ngã, thậm chí càng đau càng thấm thía. Tôi nghĩ có đam mê, nên mạnh dạn thử. Tất nhiên con số đã chỉ ra không phải ngẫu nhiên mà cứ 10 người trẻ khởi nghiệp thì có đến 9 người thất bại. Sự non trẻ, thiếu kinh nghiệm, thiếu hụt nguồn vốn.
Đam mê thôi chưa đủ, học sinh, sinh viên trường nghề có lợi thế về tay nghề, kỹ thuật nhưng cần có tầm nhìn chiến lược, phải "nhìn thấy cái người khác không thể thấy". Bên cạnh đó phải trang bị thêm các kỹ năng marketing, kiến thức rộng về đầu tư, kế toán. Không cần ý tưởng quá cao siêu, học sinh, sinh viên trường nghề có thể bắt đầu từ chính bài toán bức thiết xung quanh mình.
Học cách đứng trên vai "người khổng lồ"
Để khởi nghiệp đâu chỉ cần vốn, cần sản phẩm... mà còn cần rất nhiều nỗ lực vận hành một doanh nghiệp mà đa phần các bạn trẻ lại thiếu và yếu điều này. Do đó các bạn trẻ trước hết hãy tận dụng tốt những dự án, những cuộc thi khởi nghiệp để nhanh chóng bù đắp những thiếu sót, hãy "lợi dụng" những cố vấn như chúng tôi để làm giàu cho hành trang khởi nghiệp của các bạn; hay coi vòng thi gọi vốn như cột mốc sống còn với "đứa con tinh thần" của các bạn.
Sự chủ động học hỏi, kết nối; sự lao động nghiêm túc; quyết tâm thép của các bạn chính là "lực hấp dẫn" với nhà đầu tư. Khởi nghiệp cần một tinh thần thép, không sợ hãi, không ngại khó, ngại khổ, hãy học cách đứng trên vai những "người khổng lồ", lựa chọn mô hình tinh gọn và linh hoạt.
Ông Trương Gia Bình
(Chủ tịch Tập đoàn FPT, thành viên hội đồng cố vấn của Startup Kite)
Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp" gồm ba vòng: vòng sơ tuyển, bán kết và chung kết. Dự kiến, vòng sơ tuyển sẽ diễn ra từ ngày 28-5 đến hết ngày 15-8, địa điểm tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc. Tại vòng loại, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ lựa chọn ra ba hồ sơ (nhất, nhì, ba) để vào vòng bán kết trước ngày 20-8. Cuối cùng, 24 hồ sơ xuất sắc nhất sẽ cùng nhau tranh tài tại vòng chung kết dự kiến sẽ diễn ra hai ngày (14 và 15-11) ở TP.HCM.
NGỌC DIỆP thực hiện (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.