Hành trình quảng bá du lịch của ẩm thực Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhờ các món ăn truyền thống đặc sắc, khách du lịch, các tạp chí, trang mạng uy tín và các cơ quan truyền thông quốc tế đã ghi nhận, tôn vinh Việt Nam là “Ngôi sao ẩm thực mới của châu Á”.

 Năm 2012, phở khô là một trong 10 món ăn Việt Nam xác lập kỷ lục châu Á.
Năm 2012, phở khô là một trong 10 món ăn Việt Nam xác lập kỷ lục châu Á.

Không chỉ nổi tiếng nhờ phong cảnh, hang động, bãi biển, Việt Nam ngày càng được thế giới biết đến nhiều hơn nhờ ẩm thực qua sự tôn vinh của nhiều tổ chức, tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới, và bình chọn, nhận xét của khách trên các diễn đàn du lịch.

Những món ăn nổi tiếng thế giới như phở, bánh mì, nem… không ít lần được vinh danh và nằm trong danh sách “phải nếm” của nhiều du khách khi đến Việt Nam.

Nhận thức được sức mạnh ý nghĩa và giá trị của ẩm thực với xúc tiến, quảng bá du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước, bắt đầu từ năm 2011, tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã chính thức triển khai Hành trình quảng bá những giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam nhằm góp phần tìm kiếm, tổng hợp chọn lọc và cung cấp đến du khách trong và ngoài nước những nét đẹp của Việt Nam thông qua các giá trị văn hóa ẩm thực.

Đến năm 2012, Hành trình tìm kiếm, quảng bá đặc sản ẩm thực Việt Nam đã công bố 15 Top món ăn, ẩm thực đặc sản nổi tiếng Việt Nam là các món ăn, trái cây, hải sản, nước chấm và gia vị...

Với sự  đề cử của Tổ chức kỷ lục Việt Nam, tháng 9 năm 2012, lần đầu tiên 12 món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Châu Á (Asia Book Record) công nhận đạt giá trị ẩm thực Châu Á gồm: Phở (Hà Nội), bún chả (Hà Nội), bún thang (Hà Nội), cơm tấm (TP. Hồ Chí Minh), gỏi cuốn (TP. Hồ Chí Minh), bánh đa cua (Hải Phòng), cơm cháy (Ninh Bình), miến lươn (Nghệ An), bún bò Huế (Thừa Thiên-Huế), mỳ Quảng (Quảng Nam), phở khô Gia Lai, bánh khọt (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Năm 2013, Tổ chức kỷ lục Việt Nam công bố 10 món ăn đặc sản có sự độc đáo riêng biệt của các vùng miền, được so sánh với món ăn đặc sản của các quốc gia châu Á gồm: Chả cá Lã Vọng (Hà Nội), bún cá rô đồng (Hải Dương), chả cá mực Hạ Long (Quảng Ninh), cao lầu Hội An (Quảng Nam), bánh canh chả cá Quy Nhơn (Bình Định), gỏi lá (Kon Tum), bánh bèo bì (Bình Dương), bún suông (Trà Vinh), hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang) và bún cá Châu Đốc (An Giang).

Cũng trong năm 2013, Việt Nam còn xác lập được 8 đặc sản Quà tặng châu Á lần 1, gồm: bánh đậu xanh Hải Dương, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (Tây Ninh), bánh phồng sữa dừa (Bến Tre), và phê Buôn Ma Thuột (Đak Lak), chè Thái Nguyên, quế Trà Bồng (Quảng Ngãi), sâm Ngọc Linh (Kon Tum), Tiêu Phú Quốc (Kiên Giang), được Tổ chức Kỷ lục châu Á quảng bá trên các phương tiện truyền thông của nhiều quốc gia và trao bằng kỷ lục vào tháng 2/2014, tại Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 27 và Hội thảo "Hành trình quảng bá ẩm thực và đặc sản Việt Nam ra thế giới".

Năm 2015, tác giả Laura Silver đã tổng hợp trên Trang mạng Buzzfeed của Anh 20 món ăn đang được du khách nước ngoài truyền tai nhau phải thưởng thức ngay khi tới Việt Nam: Bánh cuốn, bánh mỳ, gỏi cuốn, bánh xèo, bánh khọt, cơm tấm, bún bò Huế, bún riêu, hủ tiếu, bánh canh bột lọc, canh chua, cháo, cơm chiên, cá kho tộ, bánh cam, bánh tét, bánh kẹp lá dứa, chè, phở bò.

Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, Hành trình quảng bá những giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam tiếp tục triển khai và giới thiệu đến mọi người dân và du khách những món ăn mới mẻ và đặc sắc do các đầu bếp gia đình Việt Nam thực hiện, món ăn đặc sản của 100 nhà hàng quán ăn nổi tiếng Việt Nam.

Đây chính là những nỗ lực rất đáng ghi nhận để nâng tầm ẩm thực Việt trong mắt bạn bè thế giới và tôn vinh giá trị tinh thần, giá trị dinh dưỡng, gia vị của món ăn truyền thống để người Việt hiểu hơn, yêu hơn và trân trọng những sản vật của quê hương mình.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm

Chư Păh đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Chư Păh đa dạng hóa sản phẩm du lịch

(GLO)- Có bề dày văn hóa truyền thống với các lễ hội, làng nghề đặc trưng của người Jrai, Bahnar và tiềm năng du lịch thiên nhiên ưu đãi, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) từng bước đa dạng hóa sản phẩm du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm…
Trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của suối Đak Hyam

Trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của suối Đak Hyam

(GLO)- Từ trụ sở UBND xã Hà Tam (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) du khách theo con đường bê tông di chuyển khoảng 6 km về phía Đông Nam sẽ đến suối Đak Hyam. Tiếng nước lao xao đổ vào phiến đá mang theo hơi gió mát lành giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ níu chân lữ khách.
Gia Lai đón 88.290 lượt khách trong 5 ngày nghỉ lễ

Gia Lai đón 88.290 lượt khách trong 5 ngày nghỉ lễ

(GLO)- Theo báo cáo của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 (từ 27-4 đến 1-5), tỉnh đón khoảng 88.290 lượt khách. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 20,6 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023.
Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5: Tìm về thiên nhiên để “trốn nóng”

Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5: Tìm về thiên nhiên để “trốn nóng”

(GLO)- Dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay rơi vào cao điểm của mùa nắng nóng. Mặc dù kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày nhưng nhiều người vẫn ưu tiên chọn những điểm du lịch trong tỉnh để vui chơi, thư giãn thay vì đi xa. Lượng khách ngoài tỉnh đến Gia Lai cũng thấp hơn mọi năm, chủ yếu là các nhóm nhỏ hoặc gia đình.

Du lịch 'trốn nóng' lên ngôi

Du lịch 'trốn nóng' lên ngôi

Kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 chứng kiến nắng nóng gay gắt như đổ lửa trải dài từ Bắc vào Nam, nên những bãi biển mát lạnh hay vùng núi cao ngập cây xanh trở thành ưu tiên của nhiều gia đình đi chơi dịp này với quan điểm: Du lịch là phụ, trốn nóng là chính.