Phát huy công trình thủy lợi vào sản xuất vụ mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ông Đào Văn Thắng-Trưởng ban Quản lý các dự án Đầu tư Xây dựng cơ bản huyện Krông Pa cho biết: Nghị quyết 11 của Chính phủ có ảnh hưởng đến việc triển khai xây dựng một số công trình trên địa bàn.

Như để khai thác hồ thủy lợi Ia Mláh, hợp phần do huyện làm chủ đầu tư là xây dựng 53 tuyến kênh với tổng chiều dài 26,32 km với nguồn vốn 19 tỷ đồng và khai hoang xây dựng đồng ruộng với nguồn vốn 50 tỷ đồng (cộng cả 2 khoản là 69 tỷ đồng) nhưng đến nay vốn mới chỉ cấp 8,6 tỷ đồng, vì vậy gây nhiều khó khăn cho việc xây dựng các tuyến kênh cấp dưới của hồ chứa, trong khi các tuyến kênh cấp trên do Trung ương thực hiện đã hoàn thành.

 

Kênh chính dẫn nước thủy lợi Ia Mláh.  Ảnh: T.S
Kênh chính dẫn nước thủy lợi Ia Mláh. Ảnh: T.S

Bên cạnh khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà cụ thể ở đây là các tuyến kênh dẫn nước tưới thủy lợi Ia Mláh trong vụ mùa này, Krông Pa còn chịu ảnh hưởng của giá một số loại nông sản như mì, thuốc lá bị giảm mạnh; một số cây trồng bị sâu bệnh hại, một số diện tích bị hạn cục bộ ảnh hưởng đáng kể đến năng suất, sản lượng cây trồng.

Để triển khai vụ mùa thắng lợi, khuyến khích hỗ trợ nông dân sản xuất, huyện cũng chỉ đạo các đơn vị triển khai đăng ký miễn giảm thủy lợi phí năm 2012 cho toàn huyện với 2.945 ha ở 11 công trình thủy lợi. Trạm Quản lý Thủy nông huyện và Xí nghiệp Thủy nông Ia Mláh tổ chức quản lý, khai thác công trình để chủ động nước tưới diện tích lúa và cây công nghiệp. Bước đầu công trình thủy lợi hồ Ia Mláh đã tưới được 98,9 ha lúa nước và 1.158 ha cây công nghiệp dài ngày tại 2 xã Ia Mláh và Đất Bằng.

Đi đôi với việc khai thác công trình thủy lợi để mở rộng diện tích lúa nước 2 vụ, huyện cũng chú trọng đầy đủ công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất mới, chuyển đổi giống, CTVN, đẩy mạnh các hoạt động thú y, bảo vệ thực vật, dịch vụ kỹ thuật vào sản xuất. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư lồng ghép từ các chương trình và huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là thủy lợi, giao thông nông thôn, nội vùng sản xuất, chế biến nông sản…

Theo tinh thần đó, các ban ngành liên quan cử cán bộ xuống các xã chỉ đạo gieo trồng kịp thời vụ, phân công các thành viên phụ trách từng lĩnh vực chỉ đạo sản xuất địa phương, khu vực, cánh đồng, nhất là nơi có các công trình hồ đập chủ động nước tưới.

Phối hợp với các xã khác trong vùng, địa bàn để triển khai kế hoạch, nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý và báo cáo các vấn đề nảy sinh, đề xuất biện pháp tháo gỡ vướng mắc. Kiểm tra khả năng cung cấp nước tưới của từng công trình để chủ động nước tưới theo lịch; khuyến cáo nông dân chỉ nên gieo trồng trên diện tích đủ nước tưới.

Năm nay do mưa đến sớm, đất đủ ẩm nên huyện chỉ đạo người dân đẩy nhanh tiến độ gieo trồng, đi đôi với thu hoạch nhanh gọn diện tích vụ đông Xuân; chuẩn bị đất, sức kéo, giống các loại để gieo trồng cây trồng vụ 1 như: Mì, dưa lấy hạt, đậu đỗ các loại, mè, lúa, bắp lai… Với sự chỉ đạo quyết liệt và những giải pháp căn bản, đến nay toàn huyện Krông Pa đã gieo trồng được trên 22.600 ha cây trồng các loại đạt 71% kế hoạch.

Một số cây trồng có diện tích lớn như đậu các loại 1.850 ha, dưa lấy hạt 2.640 ha, mè 2.545 ha, mì 8.630 ha. Các xã đã tích cực hướng dẫn nông dân đẩy nhanh tiến độ gieo trồng, chăm sóc kiểm tra sâu bệnh và bảo vệ, thu hoạch nhanh gọn cây trồng vụ 1 để tiếp tục gieo trồng vụ 2, không để mưa lũ làm thiệt hại sản lượng và giảm thất thoát sau thu hoạch.

Lúc này thời tiết thuận lợi để nông dân các xã-thị trấn tập trung sản xuất. Dự kiến sẽ có khoảng 20.000 ha cây trồng vụ mùa sẽ được xuống giống, phấn đấu hoàn thành kế hoạch gieo trồng vụ mùa với 32.000 ha cây trồng các loại, trong đó lúa nước là 1.450 ha, lúa cạn 1.800 ha, bắp lai 6.000 ha, 2.000 ha đậu các loại, 2.800 ha mè, 2.500 ha dưa lấy hạt, 8.370 ha mì,…

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.