Chư Pah: Nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, thời gian qua, huyện Chư Pah đã có nhiều cố gắng trong việc phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, Mặt trận; kịp thời nắm bắt và xử lý thông tin từ cơ sở thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, tiếp công dân định kỳ; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy vai trò của người đứng đầu...

Huyện Chư Pah có 13 xã và 2 thị trấn, trong đó có 4 xã đặc biệt khó khăn. Trên địa bàn huyện có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 53,51%. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 4 tôn giáo chính, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành Việt Nam (miền Nam) và Cao đài với 26.956 tín đồ, chiếm 37,39% dân số toàn huyện; có 96 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 14 cơ sở thờ tự. Với đặc điểm tình hình như thế, để phát huy dân chủ rộng rãi trong nhân dân, ông Trần Minh Sơn-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chư Pah, cho biết:  “Những năm qua, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội đã chủ động cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân chủ cơ sở hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp thông qua đại diện.

 

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Chư Pah. Ảnh: L.V.N
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Chư Pah. Ảnh: L.V.N

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC huyện, ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo”. Cũng  theo ông Trần Minh Sơn, hàng năm, Huyện ủy còn giao cho Ban Dân vận Huyện ủy chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện QCDC ở 2-3 xã, thị trấn, cơ quan hành chính sự nghiệp; phân công các thành viên Ban Chỉ đạo huyện theo dõi, phụ trách các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn để nâng cao tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân, tích cực phối hợp với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp tăng cường chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở.

Trong các hoạt động liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân thì HĐND, UBND các cấp phối hợp với  MTTQ cấp xã chỉ đạo, hướng dẫn các thôn, làng, tổ dân phố tổ chức họp dân; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị ở địa phương; trong xây dựng nông thôn mới, nhất là thực hiện xã hội hóa liên quan đến các khoản đóng góp của nhân dân về xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng... đều phải thực hiện đúng nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để “dân được thụ hưởng”.

Chia sẻ về việc thực hiện QCDC  ở cơ sở, ông Lê Văn Thành-Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa, cho hay, ngay cả việc bình xét hộ nghèo, bầu trưởng thôn, lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt, xây dựng bổ sung hương ước, quy ước... địa phương đều để nhân dân bàn và quyết định. Đối với việc tham gia vào dự thảo báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết HĐND, các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, dự thảo quy hoạch khu dân cư và kế hoạch sử dụng, đền bù đất... thì thông qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp HĐND. Đồng thời, cũng thông qua tiếp xúc cử tri 2 cấp, huyện Chư Pah rà soát lại những vấn đề bức xúc liên quan đến quyền lợi thiết thực của nhân dân; lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Trên cơ sở đó, cùng với cấp ủy, chính quyền xử lý nghiêm túc, dứt điểm các vụ việc; minh bạch kết quả giải quyết đơn, thư khiếu nại của công dân, công khai kết quả làm việc, mới đây nhất là vụ việc xây dựng các công trình trái phép đoạn đường Hồ Chí Minh tuyến tránh đô thị Pleiku qua địa bàn huyện Chư Pah, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.

 

Thực hiện QCDC ở cơ sở, từ đầu năm đến nay, huyện Chư Pah đã tổ chức 2 đợt tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, huyện tại các xã, thị trấn có trên 1.320 cử tri tham gia với 188 ý kiến, kiến nghị; đã hòa giải được 35 vụ việc liên quan đến mâu thuẫn hàng ngày ở khu dân cư; công nhận 12.234 gia đình văn hóa, 76 thôn, làng, tổ dân phố văn hóa...

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở,  theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chư Pah Trần Minh Sơn, huyện tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch các thủ tục hành chính trong các cơ quan hành chính nhà nước theo quy định; nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp công dân; đối thoại với nhân dân, giải quyết kịp thời các bức xúc, nguyện vọng chính đáng liên quan trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân; thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc; tổ chức, sắp xếp bộ máy các cơ quan theo hướng tinh gọn; gắn việc thực hiện nhiệm vụ với phát huy trách nhiệm người đứng đầu, vai trò của mỗi cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công sở; xây dựng chuẩn mực cán bộ theo phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”...

Cùng với đó, huyện Chư Pah tăng cường giám sát, kiểm tra và bồi dưỡng kiến thức về thực hiện QCDC. Hội đồng nhân dân, MTTQ và đoàn thể các cấp tăng cường các hoạt động giám sát theo quy định của Nhà nước, nhất là giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể theo Quyết định số 217, cũng như  tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218 của Bộ Chính trị nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V đề ra.

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm

Thí sinh Nhữ Thị Nhạn đạt giải nhất kỳ thi thứ 7 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thí sinh Nhữ Thị Nhạn đạt giải nhất kỳ thi thứ 7 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(GLO)- Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” với chủ đề “Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh-Ý chí, trí tuệ Việt Nam” vừa có thông báo kết quả thí sinh đạt giải tại kỳ thi thứ 7.