Thanh tra tỉnh phản hồi về nội dung giải trình của Chi cục Kiểm lâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 2-6, Báo Gia Lai điện tử đăng bài “Chi cục Kiểm lâm nói gì về kết luận của Thanh tra tỉnh?” trích đăng một số ý kiến giải trình của Chi cục Kiểm lâm tỉnh liên quan đến Kết luận số 05/KL-TTr ngày 11-5-2021 của Thanh tra tỉnh về thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng-chống tham nhũng, quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí tại Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị trực thuộc giai đoạn 2017-2020. Ngay sau khi báo đăng, Thanh tra tỉnh đã có Công văn số 215/TTr-PCTN phản hồi nội dung bài viết. Báo Gia Lai điện tử xin trích đăng nội dung công văn này.
Sau khi nghiên cứu nội dung bài báo và đối chiếu với kết quả thanh tra, Thanh tra tỉnh có ý kiến về 3 nội dung. Thứ nhất, liên quan đến việc thực hiện gói thầu mua sắm thiết bị phòng cháy chữa cháy rừng năm 2017, về thực hiện thủ tục đấu thầu, kết luận thanh tra đã nêu rõ thành viên Ban Quản lý (BQL) dự án đồng thời là thành viên Tổ thẩm định; trong khi BQL dự án thuê tư vấn lập hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu để BQL dự án trình phê duyệt. Vì vậy, BQL là người chịu trách nhiệm trong việc lập, trình hồ sơ. Ban Quản lý dự án gồm 4 người, trong đó có 1 Trưởng ban (là người ký trình phê duyệt hồ sơ), 3 người còn lại đồng thời là thành viên Tổ thẩm định; người ký trình phê duyệt hồ sơ (là Trưởng BQL dự án) ký với tư cách là người đại diện của BQL chứ không phải với tư cách cá nhân; các thành viên BQL dự án đều phải chịu trách nhiệm về việc lập, trình hồ sơ. Như vậy, việc chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ trên cơ sở kết quả thẩm định của Tổ thẩm định, trong khi người trình phê duyệt đồng thời là người thẩm định là không đảm bảo nguyên tắc độc lập. Mặt khác, tại thời điểm Thanh tra tỉnh kiểm tra hồ sơ thì không có bản cam kết cũng như chứng chỉ của thành viên Tổ thẩm định đính kèm theo quy định. Nếu đến nay Chi cục Kiểm lâm mới bổ sung thì là hợp thức hóa hồ sơ.
Về giá thẩm định, giá trúng thầu mua sắm thiết bị, kết luận thanh tra đã nêu rõ: Qua tham khảo, so sánh với giá thị trường được niêm yết rộng rãi trên mạng đối với các mặt hàng Chi cục mua để triển khai dự án thì có sự chênh lệch tương đối lớn giữa giá thẩm định, trúng thầu và giá được một số doanh nghiệp niêm yết trên mạng internet (giá thẩm định, trúng thầu hầu hết cao gần gấp đôi so với giá niêm yết trên mạng). Theo quy định tại Thông tư số 126/2015/TT-BTC ngày 20-8-2015 của Bộ Tài chính ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 08, 09 và 10 thì thông tin về giá trên mạng internet cũng là một trong những yếu tố được sử dụng khi khảo sát thực tế, thu thập thông tin về tài sản so sánh; Chứng thư thẩm định giá cũng có nội dung xác định tài sản mua sắm có thông tin giao dịch phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên, trong khi thông tin về giá các máy móc, thiết bị được mua được đăng tải công khai rất nhiều trên mạng nhưng chủ đầu tư cũng như đơn vị thẩm định giá đã không tham khảo mà chỉ dựa trên cơ sở báo giá của một số doanh nghiệp là bất hợp lý, dẫn đến gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Như vậy, thẩm định giá, mua với giá quá cao so với giá thị trường là có thật. Việc Chi cục Kiểm lâm cho rằng các trang-thiết bị do Chi cục mua đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và khác so với các trang-thiết bị, dụng cụ trên thị trường cũng như so sánh với giá mua của các đơn vị thuộc tỉnh khác là không có cơ sở.
Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng tài sản đã mua theo dự án trên tại Chi cục Kiểm lâm cũng còn nhiều sai phạm như: báo kho lưu trữ tài sản nhưng kiểm tra thực tế không có; một số tài sản đã được mua song không thể hiện báo tăng trong sổ sách…
Xét thấy những sai phạm nêu trên có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, Thanh tra tỉnh đã tổ chức họp với đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị gồm Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Pháp chế HĐND tỉnh. Tại cuộc họp, các đơn vị thống nhất chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh để xem xét, xử lý theo quy định. Trên cơ sở đó, Thanh tra tỉnh đã có kết luận, kiến nghị UBND tỉnh xém xét, chỉ đạo chuyển vụ việc sang Cơ quan Điều tra.
Thứ hai, liên quan đến việc kiến nghị thu hồi kinh phí chi đào tạo lớp trung cấp lý luận chính trị, ngày 12-5-2016, UBND tỉnh có Quyết định số 319/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch và phân bổ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh năm 2016. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm được phân bổ 196 triệu đồng để tổ chức lớp trung cấp lý luận chính trị cho 40 học viên, thời gian trong năm 2016 là 4 tháng. Ngày 10-4-2017, UBND tỉnh có Quyết định số 273/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch và phân bổ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh năm 2016, trong đó, Chi cục Kiểm lâm được phân bổ 145,41 triệu đồng để thực hiện chuyển tiếp lớp trung cấp lý luận chính trị cho 40 học viên, thời gian còn lại trong năm 2017 là 2 tháng.
Ngày 11-7-2016, Chi cục Kiểm lâm ký hợp đồng với Trường Chính trị tỉnh về việc mở lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị-hành chính cho công chức, số lượng 40 học viên với tổng kinh phí khóa học là 341,406 triệu đồng; thanh toán thành 2 đợt: đợt 1 trong năm 2016 với số tiền 196 triệu đồng và đợt 2 sau khi nghiệm thu, thanh lý với số tiền 145,406 triệu đồng. Chi cục và Trường Chính trị tỉnh đã lập Biên bản nghiệm thu và thanh lý hợp đồng, thanh toán toàn bộ tiền vào ngày 6-9-2017.
Như vậy, các quyết định cấp kinh phí và hợp đồng đều thể hiện kinh phí được cấp để Chi cục Kiểm lâm tổ chức đào tạo cho 40 công chức. Song theo quyết định mở lớp của Trường Chính trị tỉnh thì chỉ có 21 công chức ngành Kiểm lâm, còn lại 19 công chức thuộc các cơ quan, đơn vị khác. Trường Chính trị tỉnh đã xin ý kiến và được Ban Tổ chức Tỉnh ủy đồng ý cho bổ sung học viên từ các đơn vị khác để đủ số lượng mở lớp. Tuy nhiên, Chi cục Kiểm lâm không báo cáo đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh kinh phí được cấp và chưa được sự đồng ý của UBND tỉnh mà sử dụng kinh phí cấp cho đơn vị mình để thanh toán chi phí đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị khác là trái nguyên tắc tài chính. Vì vậy, Thanh tra tỉnh kiến nghị thu hồi khoản kinh phí chi đào tạo cho các cán bộ, công chức, viên chức không thuộc phạm vi quản lý của Chi cục Kiểm lâm là phù hợp.
Thứ ba, liên quan đến việc kiến nghị thu hồi kinh phí sửa xe, theo kết luận thanh tra, trong 2 năm 2017, 2019, Chi cục đã chi sửa xe từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 941,5 triệu đồng. Trong đó có một số trường hợp đang sửa chữa nhưng xe vẫn lưu hành đi tuần tra, kiểm soát lâm sản và thanh toán nhiên liệu một cách bất hợp lý với tổng số tiền sửa xe là hơn 301,3 triệu đồng. Thanh tra tỉnh đã kiến nghị thu hồi số tiền này. Các trường hợp sửa xe bất hợp lý mà Thanh tra tỉnh kiến nghị thu hồi đều là sửa chữa lớn và thời gian hợp đồng sửa chữa gần như trùng toàn bộ với thời gian xe vẫn lưu hành đi công tác, thanh toán nhiên liệu; đồng thời một số trường hợp vừa trùng thời gian, vừa sai sót, bất hợp lý về thủ tục chỉ định thầu; số tiền sửa chữa xe mỗi đợt thấp nhất là gần 20 triệu đồng, cao nhất là gần 90 triệu đồng. Những trường hợp sửa chữa xe tuy có trùng với thời gian xe lưu hành đi công tác nhưng không trùng hoàn toàn hoặc trùng nhưng là sửa chữa nhỏ, Thanh tra tỉnh không kiến nghị thu hồi tiền sửa xe. Ý kiến của Chi cục Kiểm lâm đối với nội dung này là không phù hợp với nội dung kết luận thanh tra. Mặt khác, đối với các sai phạm về sử dụng ngân sách, Chi cục Kiểm lâm đều giải trình rằng trên thực tế mình có chi kinh phí nhưng sai về trình tự, thủ tục, chứng từ là không có cơ sở vì việc chi ngân sách có đúng hay không trước hết thể hiện thông qua chứng từ chi theo quy định của pháp luật.  
GIA LAI ĐIỆN TỬ

Có thể bạn quan tâm

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.