"Tiên chỉ" phường xoan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ giường nằm di chuyển ra bàn nước chưa đầy chục bước chân mà ông Lê Xuân Ngũ phải chống gậy, vịn vào các thanh chắn run rẩy mất đến gần 20 phút. Xua tay từ chối sự giúp đỡ của vợ và khách đến chơi, ông trùm phường xoan Phù Đức (xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, Phú Thọ) cười vui: “Cứ để tôi vận động cho giãn gân cốt, từng vào nam ra bắc, sang cả nước ngoài, đến bây giờ đôi chân lại giở chứng hành mình thế này”. 83 năm tuổi đời, Nghệ nhân Nhân dân Lê Xuân Ngũ vẫn chưa từng hết nặng lòng với xoan. 
Câu xoan xoa dịu chiến trường
 
Vẫn giọng nói trầm ấm của giọng ca thiên phú, vẫn phong thái đĩnh đạc, quắc thước với ánh mắt đôn hậu, chòm râu bạc trắng như cước, trí nhớ đáng kinh ngạc cùng cách dẫn dắt câu chuyện hấp dẫn khiến người nghe không dứt ra được, nhưng mấy tháng nay sức khỏe ông trùm phường xoan Phù Đức có dấu hiệu đáng lo ngại. Vết thương cũ tái phát cộng với chứng xơ vữa động mạch khiến đôi chân cụ đau nhức, đi lại rất khó khăn. Thế nhưng nhắc tới hát xoan thì ông Ngũ như quên hết cả bệnh tật. Chuyện cụ Ngũ được “đi công tác cùng lãnh đạo tỉnh” bằng máy bay sang nước ngoài từ năm 2005 cả làng Kim Đức chẳng ai lạ. Lúc bấy giờ, ở xã cũng đã có người đi xuất khẩu lao động, nhưng “đi công tác” lại là chuyện mang tầm khác hẳn. Năm đó, cụ Ngũ được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa đi trình diễn tại hội thảo quốc tế ở Thái Lan. Ngày nhận hộ chiếu, cụ nghi ngại trình bày với anh cán bộ rằng tôi đi ô-tô cả tháng chẳng sao chứ ngồi máy bay… xóc lắm, tuổi già không chịu được đâu. Rồi cụ thật thà kể, cuối năm 1960, khi còn trong quân ngũ tôi cùng anh em trong đơn vị hành quân sang giúp nước bạn Lào, ngồi máy bay quân sự xóc muốn lộn óc, xây xẩm mặt mày. Người quê chất phác, nghĩ sao nói vậy, ai mà biết máy bay thương mại bây giờ lại êm, sướng đến thế, cảm giác chẳng khác gì nằm trên giường đệm. Sang đất bạn, sau bài phát biểu tham luận của lãnh đạo tỉnh trong hội thảo, các cụ lên biểu diễn hai tiết mục xoan cổ Giáo trống, Giáo pháo. Không rõ quan khách quốc tế có hiểu gì không nhưng thấy vỗ tay nhiệt tình, cụ Ngũ thở phào yên tâm là mình đã biểu diễn thành công. Xoan mà lại, đến Vua Hùng còn thích nữa là người phàm. Không hay sao được!
Không chỉ đi máy bay, đây cũng là lần thứ hai cụ Ngũ biểu diễn xoan ở nước ngoài. Nhập ngũ năm 1956, cụ có gần ba năm cầm súng chiến đấu tại khu vực cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng của nước bạn Lào. Xứ lạ quê người, sống giữa rừng thiêng nước độc, quân thù bủa vây, ranh giới giữa sự sống và cái chết mỏng manh như sợi tóc nhưng toàn lính trẻ nên chẳng mấy ai suy nghĩ, bận tâm, cứ rảnh rỗi phút nào lại túm tụm trò chuyện, vui văn nghệ. Đàn hay, hát giỏi, cậu lính trẻ đất Tổ Lê Xuân Ngũ luôn là hạt nhân trong các buổi văn nghệ ngẫu hứng, được đồng đội yêu mến đề nghị hát đủ các thể loại nhạc, trong đó, các làn điệu xoan cổ luôn được đón nhận nhiệt tình. Giữa chiến trường khốc liệt, câu hát cửa đình thờ Vua nơi Đất Tổ như làn gió mát xoa dịu tâm hồn, làm vợi đi nỗi nhớ nhà của các chiến sĩ mới mười tám, đôi mươi lần đầu rời xa lũy tre làng…
Ông Ngũ bảo những năm tháng ấy, ngày ông nhớ nhất là ngày ông được kết nạp Đảng năm 1961. Giữa chiến trường còn khét mùi khói súng, Lễ kết nạp đảng viên mới diễn ra đơn giản nhưng trang trọng với sự chứng kiến của anh em đồng đội trong đơn vị. Với lính trẻ, dẫu chiến tranh khốc liệt đến đâu thì ngày vui vẫn không thể thiếu lời ca tiếng hát. Theo lời đề nghị của đồng đội, đồng chí, tân đảng viên Lê Xuân Ngũ lại tay nhịp phách, miệng cất cao lời xoan cổ trong khi mắt ngân ngấn nước với niềm vui, tự hào. Trong thời khắc đặc biệt của đời người, tự đáy lòng, người chiến sĩ 23 tuổi càng ý thức sâu sắc trách nhiệm, tình cảm với Tổ quốc, với câu hát trao truyền của tổ tiên…
 
Nghệ nhân phường xoan Phù Đức trình diễn quả Tứ dân cách.
Nghệ nhân phường xoan Phù Đức trình diễn quả Tứ dân cách.
Ước mơ thành hiện thực của phường xoan
Hơn chục năm nay, sức khỏe ngày càng giảm sút nhưng cụ Ngũ lại luôn lạc quan, phấn chấn với niềm vui, tự hào khi chứng kiến mơ ước đau đáu cả đời người đã trở thành hiện thực. Sinh ra trong gia đình có truyền thống hát xoan, ông cụ thân sinh, bác họ, chú họ đều là các Trùm phường xoan Phù Đức thời trước Cách mạng Tháng Tám, trong họ có nhiều kép, đào nổi tiếng thanh sắc, ngay từ nhỏ, cậu bé Lê Xuân Ngũ đã sớm được làm quen, nuôi dưỡng bằng các làn điệu xoan cổ. Năng khiếu bẩm sinh được thừa hưởng từ dòng họ, cộng hưởng cùng sự chỉ bảo tận tình của người thân trong môi trường sống sôi động các hoạt động thực hành diễn xướng câu hát thờ Vua, đã giúp cậu nhanh chóng nắm bắt toàn bộ các quả cách xoan, kỹ năng hát, múa, đánh trống, gõ phách, đặc biệt là kỹ năng hát dẫn cách. Càng hiểu, thành thục các kỹ năng thực hành, cậu càng thấy đam mê, gắn bó với câu hát của tổ tiên như hơi thở cuộc sống. 
Con nhà nòi, cứng tay phách, tròn giọng ca là cậu thiếu niên Lê Xuân Ngũ đã là thành viên cứng của phường xoan Phù Đức, thường xuyên tham gia các buổi biểu diễn trong các lễ hội đình làng và nhận lời giao lưu, kết nghĩa với các phường xoan trong vùng, thậm chí có những chuyến đi kéo dài cả tháng trời về tận Bắc Ninh, Hà Tây (trước kia) biểu diễn. Cách mạng Tháng Tám thành công, niềm vui độc lập tự do chưa được bao lâu, cùng với cả nước, người dân Kim Đức bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược. Sống trong vòng kìm kẹp của chính quyền tay sai, những đêm trăng sáng, dẫu đình làng không còn, phường xoan Phù Đức vẫn duy trì các đêm diễn động viên, khích lệ tinh thần chiến sĩ, đồng bào bền gan vững chí, vững tin kháng chiến nhất định thắng lợi.
Ngày ông Ngũ rời quân ngũ trở về quê hương, đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến, cũng như nhiều làng quê khác, cuộc sống của người dân Kim Đức gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đau xót hơn, đình làng, miếu cổ nơi diễn ra các lễ hội-không gian văn hóa thực hành diễn xướng hát xoan đã bị phá hoại, xuống cấp, đổ nát. Các thành viên phường xoan người còn, người mất. Câu hát thờ Vua bỗng chốc tưởng như đã thành ký ức vời xa. Năm 1979, cụ thân sinh tuổi cao sức yếu qua đời, ông Ngũ được tín nhiệm bầu làm Trùm phường xoan Phù Đức. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, miếng cơm manh áo vẫn là gánh nặng được ưu tiên đặt lên vị trí hàng đầu, ông Ngũ vẫn không quên gõ cửa những người có trách nhiệm để tìm cách bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa của hát xoan. Ông đã cùng với các cụ cao niên xin rước bài vị thờ Vua Hùng gửi ra đình Hùng Lô trong thời chiến tranh loạn lạc, tu bổ không gian văn hóa hát xoan. Cần mẫn từng chút một, phường xoan Phù Đức được củng cố, ôn luyện thường xuyên và bắt đầu biểu diễn phục vụ nhân dân trong các dịp lễ hội. Với vai trò Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát xoan xã Kim Đức, từ năm 1998, cùng với các kỹ năng hát dẫn cách, hát đế, múa, trình diễn, đánh trống và cả sử dụng phách, ông Ngũ đã tận tâm truyền dạy cho gần 200 người đủ các lứa tuổi những hiểu biết về nguồn gốc lịch sử, giá trị văn hóa của hát xoan. Nhiều học trò của ông đã trở thành các đào, kép nổi danh trong các phường xoan, có người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân hát xoan Phú Thọ.
Năm 2017, di sản hát xoan Phú Thọ làm nên kỳ tích chưa từng có tiền lệ: Thoát ra khỏi diện cần được bảo vệ khẩn cấp, được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là thành quả được tạo ra bởi những đóng góp không ngừng nghỉ của nhiều nghệ nhân như ông Ngũ. 
Là Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân Nhân dân cùng hàng loạt giấy khen, bằng khen, được địa phương đặc biệt quan tâm, nhiều lần được đề nghị giúp đỡ xây nhà mới, nhưng ông tiên chỉ phường xoan và vợ vẫn quyết định sống trong hai gian nhà tranh vách đất đã gắn bó cả đời người. Ngôi nhà đã chứng kiến hàng trăm đào, kép được cụ truyền dạy thành tài hằng ngày vẫn tấp nập khách thăm hỏi, xin cụ chỉ bảo các kỹ năng thực hành các làn điệu xoan cổ. Quy luật thời gian vốn khắc nghiệt, tuổi già sức yếu do bệnh tật nhưng được chứng kiến câu hát thờ Vua được giữ gìn, lan tỏa sâu rộng, được nhân loại vinh danh, cụ Ngũ nói giờ đã thấy mãn nguyện lắm rồi. 
Theo Bài & ảnh: Cẩm Ninh (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.