Mười Hương và những huyền thoại để lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Đến hôm nay, phía đối phương của ông Mười Hương vẫn còn hàng tá câu hỏi về những hoạt động của ông. Và ngay với chúng tôi, những đồng đội, đàn em thân thiết nhất vẫn khó lòng giải mã được con người ông'.
Gia đình ông Phạm Xuân Ẩn viếng ông Mười Hương - Ảnh: TỰ TRUNG
Gia đình ông Phạm Xuân Ẩn viếng ông Mười Hương - Ảnh: TỰ TRUNG
Ngày tang lễ thứ hai của bậc thầy tình báo Trần Quốc Hương, hàng trăm đoàn viếng tang với hàng ngàn đồng đội, có người thật thân thiết, lại cũng có người chỉ được nghe tên.
"Sắt đá tận cùng là người đó, tình cảm hết mức cũng người đó. Quyền biến là người đó mà căn cơ, nguyên tắc cũng là người đó..." - ông Mười Thắng (Nguyễn Minh Trí), cụm trưởng cụm điệp báo A10, tâm sự.
Giải mã Mười Hương
Ông Mười Thắng còn nhớ rất rõ những lần được gọi từ nội thành Sài Gòn về căn cứ, nơi làm việc của ông Mười Hương ở làng 18 Thanh An, Sông Bé (Bình Dương) mà ông gọi là Ngã ba bông giấy.
"Khu rừng hoang sơ bởi chất diệt cỏ đang độ hồi sinh. Khu vực ông Mười Hương và trung đội bảo vệ, văn phòng ở trên một gò cao, cạnh bên có suối chảy róc rách, lặng lẽ, bình yên, quyến rũ tôi như khu nghỉ dưỡng...".
Ông Mười Thắng kể những ấn tượng sâu đậm trong quan sát của một thanh niên trí thức Sài Gòn ngày ấy: Giữa rừng, chiếc máy nghe nhạc chạy pin của ông Mười phát lên những bản hòa tấu êm dịu của Mozart, Chopin, Beethoven, Tchaikovsky...
Trong nhà lại có cả thư viện với vài trăm đầu sách từ miền Bắc gửi vào, Sài Gòn đưa ra. Không chỉ có Bất khuất - Nguyễn Đức Thuận mà cả Cuốn theo chiều gió - Margaret Michell, cả Sống lại - Tolstoi lẫn Phía Tây không có gì lạ - Remarque, Điệp viên Do Thái - Eli Cohen... Các loại báo chí Sài Gòn cũng nhiều, cũng cập nhật không kém gì nội ô cách 50km đường chim bay.
Nằm trên võng nghiền mấy cuốn sách, nghe suối chảy, tưởng chiến tranh đã lùi xa, Mười Thắng mới càng thấm thía lời căn dặn của thầy Mười Hương: "Tất cả chúng ta đều phải học để hiểu xã hội Sài Gòn, cả văn hóa, cách làm việc, tâm lý, pháp luật, hành chính, người dân... thì mới thống nhất, mới tiếp quản được Sài Gòn. Không làm được vậy thì chỉ có toi".
Sau này, ông Mười Thắng còn biết đó cũng chính là chìa khóa mà ông Mười Hương đã trao cho điệp viên huyền thoại Phạm Xuân Ẩn: "Học thật giỏi nghiệp vụ, hiểu rõ nền văn hóa Mỹ, tư duy và làm việc như người Mỹ".
Ông nghiên cứu báo chí, chính trường Sài Gòn để tìm ra thêm những người tài có sức ảnh hưởng có lòng yêu nước để giác ngộ, đưa dần vào hoạt động nội tuyến, điệp báo, mà người tiêu biểu chính là họa sĩ Ớt của báo Điện Tín - nhà báo Huỳnh Bá Thành sau này, một trong những người đã có tác động đến quyết định đầu hàng, giữ Sài Gòn nguyên vẹn của tổng thống Dương Văn Minh ngày 30-4-1975.
Ông Mười Hương thời còn trẻ - Ảnh: TỰ TRUNG chụp lại tư liệu
Ông Mười Hương thời còn trẻ - Ảnh: TỰ TRUNG chụp lại tư liệu
Những bài học lưu dấu
Giữa trưa, gia đình ông Phạm Xuân Ẩn đến viếng tang với niềm xúc động như mất mát một người thân trong gia đình. Kiệm lời như vốn dĩ, nhưng sự xuất hiện của anh Hoàng Ân với hình dong bản sao của ông Phạm Xuân Ẩn dạo nào khiến các bàn trà bên ngoài lại dấy lên những câu chuyện.
Ai đó nhắc câu ông Ẩn lúc sinh thời hay nói: "Không phải là Mười Hương thì không có Phạm Xuân Ẩn". Đó không chỉ là định hướng đúng đắn và nỗ lực đưa ông Ẩn sang Mỹ học để có thể "suy nghĩ và hành động như Mỹ nhưng vì tự do và thống nhất cho Việt Nam" mà còn là những giọt máu khốc liệt mà ông Mười Hương đã chịu đựng để giữ im lặng tuyệt đối, bảo vệ an toàn cho đồng đội.
"Phạm Xuân Ẩn là tình báo giỏi nhất" - ông Mười Hương tự hào nói vậy. Và để được tự hào về nhau như thế, phía sau là cả một cuộc đời son sắt, thủy chung.
"Ngày ấy tôi được ông Mười Hương huấn luyện tình báo cấp tốc trong vòng một tháng" - ông Mười Nho (đại tá Nguyễn Xuân Mạnh) cười móm mém.
Năm 1955, tình cờ gặp nhau ở cơ sở điệp báo Thừa Thiên khi ông Mười Nho trên đường ra Bắc và ông Mười Hương trên đường vào Nam, ông Mười Hương sốt ruột bảo: "Đợi cậu ra Bắc học về thì chúng tôi thống nhất xong rồi", và ông báo ra Tổng cục Tình báo rằng sẽ đào tạo Mười Nho ngay tại chỗ.
Lớp học một thầy một trò kéo dài suốt một tháng. "Ông dạy tôi nhiều thứ, dù trước đó đã có quá trình hoạt động nội đô. Nhớ nhất ông dạy: làm tình báo, trong môi trường mình và đối phương đôi khi chồng lấn, lẫn lộn, cần nhất phải giữ vững chính nghĩa, lý tưởng của mình.
Trong hoạt động, phải lấy chính trị làm chính chứ không phải thủ đoạn, tranh thủ cơ hội để phân hóa, thuyết phục. Sống thật nhất với con người mình mới chính là vỏ bọc dày nhất, kín đáo nhất. Và nữa: nếu bị bắt, nhất định phải giữ khí tiết, người cách mạng thì không khai báo".
Những bài học ấy theo suốt cuộc đời Mười Nho, để sau này khi ông Mười Hương bị bắt, chính Mười Nho là người đi bắt liên lạc lại với các đầu mối để các tuyến tình báo của Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ tiếp tục hoạt động.

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh thì nhắc lời ông căn dặn những năm sau này trong những buổi trò chuyện với báo chí: “Làm báo khó lắm, bây giờ hay bao giờ cũng vậy. Ráng nghe cho tường tận, ghi cho chính xác, viết cho kỹ càng. Đừng sợ sự dọa nạt của những người không tốt”.

Bà Thế Thanh viết lời tâm sự với ông Mười: “Nghe lời chú và những người lớn tử tế, con và các bạn đồng lứa, đồng nghề đã ráng sống và làm việc cho đàng hoàng trong nhiều năm qua, có vui có buồn, có nắng đẹp cũng có bão bùng, chú ạ”.

PHẠM VŨ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.