Ý chí thép tuổi 20: Ước mơ của tổ 3 người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công việc hằng ngày của chốt biên phòng rạch Miếu Ngói Lớn là ngăn chặn người, phương tiện xuất nhập cảnh trái phép qua rạch và khu vực cánh đồng mốc 268 (2)... 
Bữa cơm chiều trên chốt rạch Miếu Ngói Lớn. ẢNH: ĐỘC LẬP
Bữa cơm chiều trên chốt rạch Miếu Ngói Lớn. ẢNH: ĐỘC LẬP
Kênh Vĩnh Tế nối từ sông Châu Đốc (An Giang) chạy dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, đổ nước vào dòng Gianh Thành và cùng xuôi ra biển Tây Nam ở chót mũi Hà Tiên (Kiên Giang). Nằm bên dòng chảy phía tây đó là những trạm chốt biên phòng - dân quân giăng hàng, với những tâm tình, ít người biết đến.
Ướt người, không ướt mùng
Đồn biên phòng Vĩnh Ngươn (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang) nằm ngay ngã ba kênh Vĩnh Tế và kênh Xáng Vĩnh Tế. Tiếng là đồn biên phòng gần TP nhất (cách trung tâm TP.Châu Đốc, An Giang khoảng 6 km) nhưng đứng ở đồn nhìn sang phía tây kênh Vĩnh Tế chưa đầy 1 km, thấy lô nhô nhà cửa sòng bạc ở xã Chey Chouk, H.Bourei Cholsar, Takeo (Campuchia).
Chốt phòng chống dịch Covid-19 số 7 của Đồn biên phòng Vĩnh Gia (Tri Tôn, An Giang) nằm gần mốc 285. Cuối năm 2012, Bộ đội biên phòng An Giang lập 1 tổ chốt bảo vệ cọc dấu 285 trên đường biên giới Việt Nam - Campuchia, sau đó tiếp tục làm nhiệm vụ đảm bảo xây dựng cột mốc 285, và từ giữa tháng 3 tới nay, chốt được kiêm thêm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.
Do nằm ở khu vực có nhiều cây cối, chim chóc tập trung làm tổ nhiều nên bộ đội thường xuyên rắc lúa gạo, cơm thừa cho chim ăn. Lâu thành quen, các loài chim chóc ở khu vực Tri Tôn rủ nhau về kiếm ăn và dần sinh sản ngày càng nhiều. Những hôm mưa to gió lớn, chim đậu trên cành bị quật xuống đất, bộ đội phải đội mưa ra đưa chim vào chỗ khô ráo, tránh ướt...
Lạch tạch ngồi vỏ lãi từ Đồn biên phòng Vĩnh Ngươn xuôi kênh Vĩnh Tế, ngoặt phải vào rạch Miếu Ngói Lớn chừng 30 phút, vỏ lãi dừng lại bởi con rạch bị chắn ngang bằng thân cây, lục bình kết lại thành bè lớn.
Thiếu tá Nguyễn Di Khải, Chính trị viên Đồn biên phòng Vĩnh Ngươn, bảo: “Đi mấy bước ngược kênh là đường biên. Lục bình này từ Campuchia trôi sang” và chỉ sang chiếc lều bạt xanh, phập phồng nằm bên trái con rạch: “Trước anh em đóng ở phía sau, để chống buôn lậu. Từ giữa tháng 3 có lệnh chống dịch, mới di chuyển lên sát biên, cạnh mốc 268 (2) để bao quát địa bàn”.
Chốt rạch Miếu Ngói Lớn có 3 người, do thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Linh làm chốt trưởng. Thiếu úy Linh năm nay 27 tuổi, quê H.Đông Sơn (Thanh Hóa), đã từng học đến năm thứ 2 chuyên ngành kỹ thuật công trình xây dựng của Đại học Thủy lợi Hà Nội, nhưng do gia đình khó khăn nên phải nghỉ học, đi nghĩa vụ quân sự tại Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa. Cuối năm 2014, Linh được cử đi học Trường trung cấp Biên phòng 2 (Bà Rịa-Vũng Tàu) và cuối 2016 tốt nghiệp, được phân công về Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang.
Sửa chữa lại chốt sau cơn giông đêm
Sửa chữa lại chốt sau cơn giông đêm
“Lính tuổi quân, dân tuổi đời”, 2 yếu tố này Linh đều đủ nên là anh cả của 2 “cấp dưới” mới 20 tuổi là binh nhất Liêu Thoại Hòa và dân quân Huỳnh Tấn Lực (Ban Chỉ huy quân sự xã Vĩnh Tế, TP.Châu Đốc).
Công việc hằng ngày của chốt biên phòng rạch Miếu Ngói Lớn là ngăn chặn người, phương tiện xuất nhập cảnh trái phép qua rạch và khu vực cánh đồng mốc 268 (2); nhưng với thiếu úy Linh thì còn trăm việc không tên, bởi cậu phải lo mọi chuyện, từ ăn ở, đi lại, ngủ nghỉ cho mọi người. Riêng chuyện ăn uống đảm bảo sức khỏe đã là cả vấn đề bởi chốt nằm giữa cánh đồng trống không dân, ra đến điểm mua bán phải chạy vỏ lãi gần 1 tiếng đồng hồ. Không thể nhai mì tôm, ăn lương khô suốt ngày, Linh đi mua nồi niêu xoong chảo, bếp gas mi ni, phân công mỗi ngày ít nhất phải nấu 2 bữa cơm.
Buộc lại dây, dựng lại chốt
Buộc lại dây, dựng lại chốt
Bà con trong xã Vĩnh Tế đi làm đồng, thấy thức ăn chủ yếu ở chốt là cá khô, trứng luộc nên rất thương, thi thoảng tiện xách cho con cá, mớ rau cải thiện. “Sợ nhất là những lúc mưa gió. Lều bạt để lâu trong kho bị thủng, nước dột khắp nơi. Những lúc ấy cứ loanh quanh chạy tránh trú. Quần áo đồ dùng có thể bị ướt nhưng phải giữ chăn màn khô ráo, nếu không sẽ làm mồi cho muỗi đồng, cứ lao vào như đám trấu và cắn loét thịt da”, thiếu úy Linh thật thà kể vậy.
Anh em sinh đôi cùng gác
Đó là câu chuyện của 2 anh em sinh đôi Liêu Thoại Hòa và Liêu Thoại Thuận (quê ở P.Châu Phú A, TP.Châu Đốc). Hòa là anh, hiện đang là chiến sĩ Đồn biên phòng Vĩnh Ngươn, được cử lên chốt rạch Miếu Ngói Lớn từ cuối năm 2019. Thuận là em sinh sau Hòa mấy phút, hiện đang là dân quân P.Châu Phú A.
Căn nhà vách mái lá nhỏ xíu của gia đình Hòa - Thuận nằm cặp bên kênh Kĩnh Tế. 2 cậu sinh đôi sáng dạ học giỏi, tốt nghiệp PTTH thi đậu ngay vào Trường đại học FPT TP.HCM và cùng khăn gói lên TP theo học. 2 anh em học được 1 năm thì ông bố Liêu Thoại Liêm (năm nay 44 tuổi) chạy xe ôm bị tai nạn giao thông, phải tháo khớp mấy ngón tay phải, chuyển sang làm thợ hồ. Chị cả Liêu Thoại Hoa nghỉ học xin đi bán hàng trong Co.opMart Châu Đốc, lấy tiền phụ ba mẹ nuôi 2 em học, cũng không nổi vì mức học phí cao, sinh hoạt đắt đỏ. Đầu năm 2019, Hòa - Thuận xin nghỉ học về quê. Hòa làm đơn tình nguyện đi bộ đội, hết huấn luyện được điều về Đồn biên phòng Vĩnh Ngươn. Thuận vào dân quân, ngày đi làm thuê phụ giúp bố mẹ, tối ra trụ sở canh gác, tuần tra bảo vệ địa bàn biên giới cùng bộ đội, công an.
Tiếng là đóng quân gần nhà, chỉ cách 2 km, nhưng Liêu Thoại Hòa chấp hành nghiêm quy định, không lèo nhèo xin chỉ huy cho về thăm người thân như một số bạn khác, nên từ tháng 7.2019 đến nay, Hòa liên tục bám chốt, bám đồn.
Nhớ cháu quá, bà nội của Hòa phải nói người nhà chở xe máy vào thăm và động viên: “Gắng giữ gìn sức khỏe. Hết nghĩa vụ quân sự, đi làm kiếm tiền mà đi học lại đại học”. Nghe nội dặn, Hòa cười: “Con xin phục vụ lâu dài quân đội, cho được gần nội hơn”.
Ở chốt rạch Miếu Ngói Lớn, Liêu Thoại Hòa tuy ít tuổi nhưng việc nặng gì cũng giành về mình: từ gác đêm, vác cây sửa chòi, cuốc đất be bờ tháo nước những đêm mưa to gió lớn…, cho đến việc chạy vỏ lãi tuần tra kiểm soát, nắm tình hình địa bàn, báo cáo về đồn, mua bán thực phẩm, mỗi ngày có khi cả chục lần. Hỏi: “Không mệt à?”, Hòa cười tít mắt, lộ má lúm đồng tiền: “Trước cha ông mình chống giặc. Nay mình chống dịch. Gian khổ để sau này kể con cháu nghe”.
Chạy vỏ lãi từ biên giới ra ngã ba kênh Vĩnh Tế, đưa chúng tôi về Đồn biên phòng Vĩnh Ngươn, vừa chui qua cây cầu trên lộ bắc ngang kênh gần đồn, thấy lũ trẻ chơi trên cầu chạy ùa ra vẫy tay rối rít: “Anh Hòa nè! Anh Hòa ơi!”, khiến cậu binh nhất Liêu Thoại Hòa nhổm lên, cười lấp lánh: “Bọn trẻ cạnh nhà, cứ đi qua là gọi”. Hòa lại bập bõm kể giữa tiếng máy vỏ lãi nổ: “Giao thừa tết năm rồi ở chốt, 3 anh em kê ghế ngồi giữa cánh đồng nhìn về TP.Châu Đốc xem bắn pháo hoa. Xong chui vào lều, trằn trọc mãi mới ngủ được. Đời bộ đội cũng cực như sinh viên nghèo tụi em ngày xưa, nhưng tình cảm và gắn bó. Em thích điều ấy, bởi ở ngoài, ít người có được”…
Theo Mai Thanh Hải (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.