Nhọc nhằn tiếng chổi tre

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi người có một lý do để chọn nghề, song tựu trung có lẽ đều gắn với 2 chữ mưu sinh. Với các công nhân vệ sinh môi trường thuộc Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai, để mưu sinh, hàng đêm họ phải đối diện với hàng núi rác thải đủ loại. Và họ chỉ trở về nhà khi phố phường đã tinh tươm, sạch đẹp.
Chuyện đời nữ lao công
Ở Đội Vệ sinh môi trường, chị Nguyễn Thị Vân được xem là một trong những nữ lao công có thâm niên với 23 năm gắn bó với chiếc chổi tre. Rời quê Nghệ An vào Gia Lai chỉ với 2 bàn tay trắng, không nghề nghiệp, không họ hàng thân thuộc, chị Vân xin vào làm phụ hồ ở các công trình xây dựng và rong ruổi khắp nơi để mưu sinh. Qua lời giới thiệu của bạn bè, chị quyết định xin vào làm công nhân vệ sinh môi trường với suy nghĩ “phụ hồ hay quét rác đều là lao động tay chân, nhưng nếu làm công nhân thì công việc ổn định hơn và có chế độ khi đau ốm, lúc về già”. Năm 30 tuổi, chị Vân mới lập gia đình và 2 năm sau mang thai đứa con đầu lòng. Những tưởng đứa con sẽ làm cho cuộc sống gia đình thêm rộn ràng, đầm ấm nhưng mới ở tháng thai kỳ thứ 3, anh chị thuận tình ly hôn vì có quá nhiều bất đồng. Quyết định làm mẹ đơn thân cũng đồng nghĩa với việc chị xác định sẽ phải đương đầu với khó khăn, vì công việc đòi hỏi luôn đi sớm, về muộn. “Thời gian trước, công việc được chia theo ca. Nếu làm ca sáng, 5 giờ mình đã ra khỏi nhà khi con còn đang ngủ nên đành phải nhờ hàng xóm trông giúp. Con thức dậy, những người hàng xóm tốt bụng lại cho ăn uống, rồi đưa đi nhà trẻ. May mà cháu ít đau ốm vặt nên 2 mẹ con cũng vượt qua giai đoạn khó khăn”-chị Vân tâm sự.
 Chị Trần Thị Hơn miệt mài với công việc thu gom rác.   Ảnh: H.T
Chị Trần Thị Hơn miệt mài với công việc thu gom rác. Ảnh: H.T
Riêng với gia đình chị Đặng Thị Diễm lại là trường hợp khá đặc biệt, bởi có tới 4/5 thành viên trong gia đình đều là lao công, riêng chồng chị-anh Nguyễn Văn Hùng là công nhân cây xanh. Chị Diễm trải lòng: “2 con trai sau khi học xong cấp III cũng xin vào làm công nhân. Con trai lớn và con dâu đã gắn bó với công việc này 6 năm, còn đứa sau thì 4 năm”. Vì cả nhà cùng làm lao công nên bữa cơm chiều với gia đình chị Diễm thường diễn ra sớm hơn và rất chóng vánh. “Mặc dù công việc này chưa được xã hội trân trọng như những ngành nghề khác, song tất cả các thành viên trong gia đình luôn nghĩ rằng đây là nghề chân chính, góp phần làm cho đường phố sạch đẹp nên tất cả đều vui vẻ. Thời gian rỗi, chúng tôi thường ngồi lại với nhau, chia sẻ những buồn vui trong công việc và góp ý để cùng hoàn thành công việc tốt hơn”-chị Diễm chia sẻ.
Tiếng chổi tre xào xạc đêm hè
19 giờ, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Thương mại Pleiku theo lời hẹn với chị Trần Thị Hơn. Khi tất cả các sạp hàng và ki ốt đã đóng cửa, nơi này chỉ còn lại rác và rác! Các loại rác vương vãi khắp nơi, nước lõng bõng dưới chân, kèm theo đó là mùi hôi nồng nặc. Chiếc áo phản quang đặc trưng của công nhân vệ sinh môi trường giúp chúng tôi không khó để nhìn thấy chị Hơn đang lúi húi thu gom rác ở khu vực hàng gà. Ngoài áo phản quang, chổi tre, xẻng, chị Hơn còn trang bị khá kỹ các đồ bảo hộ khác: ủng, bao tay, khăn bịt mặt, mũ và đèn đội đầu. Trong không gian nhập nhoạng của ánh đèn điện, đôi tay chị thoăn thoắt đưa từng nhát chổi, chốc chốc lại xúc từng mớ phế thải đổ vào chiếc xe rác bên cạnh.
Quan sát chị thu gom rác ở khu vực hàng gà và gần 1/2 khu vực hàng cá, chúng tôi bắt đầu cảm thấy đau đầu, trong dạ cứ cồn cào, nôn nao. Như hiểu được “nỗi khổ” của chúng tôi, chị Hơn tạm ngừng công việc, chọn một vị trí... nhẹ mùi nhất để có thể trò chuyện. Đứng cách chúng tôi khá xa, chị Hơn phân trần: “Riết thành quen, tụi chị ngại đứng gần mọi người vì sợ lỡ có dính nước rác sẽ khiến người đối diện khó chịu”. Sau khi khoảng cách được rút ngắn hơn, chị Hơn bộc bạch: “Dọn xong khu vực trong Trung tâm, tôi còn tham gia dọn rác trên đường Hoàng Văn Thụ. Dọn dẹp xong, đẩy các xe rác về khu vực tập kết để chờ xe đến hốt đi, về đến nhà sớm nhất cũng hơn 23 giờ. Hơn 20 năm gắn bó với công việc này nên giờ tôi không ngán ngại bất cứ loại rác thải nào!”.
Cũng như nhiều đồng nghiệp, thời gian đầu, chị Hơn rất ngại khi ai đó hỏi về công việc. Tuy nhiên, khi hiểu được rằng tất cả nghề nghiệp trong xã hội đều hỗ trợ lẫn nhau, đều quan trọng, từ một người tự ti, mặc cảm về công việc, giờ đây chị Hơn luôn cảm thấy biết ơn vì nhờ công việc quét rác mà cuộc sống gia đình chị đã ổn định hơn.
Luôn bị bao vây bởi rác mỗi đêm, song chị Hơn luôn thấy vui vẻ vì tìm được công việc ổn định. Ảnh: H.T
Luôn bị bao vây bởi rác mỗi đêm, song chị Hơn luôn thấy vui vẻ vì tìm được công việc ổn định. Ảnh: H.T
Rời Trung tâm Thương mại Pleiku, chúng tôi đến khu vực phường Yên Đổ để lắng nghe câu chuyện nghề của chị Nguyễn Thị Luyện-người mẹ đơn thân của 3 cô con gái. Chị Luyện chia sẻ: “Những ngày nắng ráo còn đỡ, chứ vào ngày mưa, nước mưa ngấm vào người lạnh run. Rồi rác ngấm nước, vừa thêm bẩn, thêm nặng”. 18 năm gắn bó với công việc quét rác cũng đồng nghĩa với bấy nhiêu năm chị và đồng nghiệp đón giao thừa ngoài đường cùng rác. Và công việc cũng chẳng cho các chị điều kiện để kiêng kỵ ngày Tết, vì năm nào cũng chính các chị trong bộ đồ còn nguyên mùi rác về xông đất nhà mình! Cũng theo chị Luyện, thời gian trước, công việc thu gom rác được chia ra làm nhiều ca trong ngày, mỗi ca chừng vài giờ đồng hồ. Tuy nhiên từ tháng 6-2018 đến nay, thời gian được sắp xếp lại, chủ yếu làm ca tối (từ 19 giờ cho đến 23 giờ); qua đó giúp các chị có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, con cái và các mối quan hệ nội, ngoại. Riêng chị Luyện còn nuôi thêm 4 con heo nái và đàn gà để cải thiện thu nhập, tiếp tục nuôi 2 cô con gái ăn học (con gái đầu đã lập gia đình).
Nói thêm về những vất vả trong nghề, chị Luyện xòe bàn tay ra và nói: “Dù mang găng tay nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn bị những mảnh chai, mảnh nhọn đâm vào chảy máu. Chưa kể, công việc chủ yếu làm ban đêm ngoài đường nên nguy hiểm luôn rình rập. Đường hẻm, ngõ cụt thì sợ người say, kẻ hút chích; đường đông xe cộ thì chẳng biết sẽ gặp “hung thần xa lộ” khi nào... “Làm lâu đâm ra chúng tôi cũng có kinh nghiệm, với mấy đối tượng nghiện hút, nếu gặp thì cứ lơ đi, còn chẳng may gặp mấy kẻ say xỉn, xăm trổ xách dao, mã tấu thì tìm cách tránh ngay”-chị Luyện nói.
Mong lắm một cái nhìn thiện cảm
Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Vân chia sẻ, trước đây, dân cư thưa thớt nên có nhiều điểm để tập kết rác. Bây giờ, nhà cửa san sát, kiếm một điểm trống để tập kết rác cũng khó. Hơn thế, lượng rác ngày càng nhiều nên đòi hỏi cường độ lao động cao hơn, lại thêm áp lực thời gian, áp lực cả về dư luận xã hội, vì chỉ cần lơ là một chút hoặc dọn dẹp chưa sạch sẽ bị phản ánh ngay. Do vậy, mỗi người trong số họ luôn nêu cao tinh thần làm việc, hướng tới một thành phố sạch đẹp. Song có lẽ, vất vả trong công việc không khiến các chị buồn bằng những ánh nhìn kỳ thị và lời nói thiếu tôn trọng của những người xung quanh. Chị Vân kể: “Một số gia đình không đem rác ra phía trước để mà chờ xe rác đi qua rồi đứng trên gác ném xuống hoặc đứng từ xa quẳng vào khiến rác văng tung tóe. Khi mình góp ý, họ sẵn sàng quay sang nói: “Không có tao bỏ rác thì tụi bay lấy lương đâu mà sống”. Những lúc đó thấy tủi thân vô cùng”.  
“Đã khi nào các chị muốn từ bỏ công việc này?”-trả lời cho câu hỏi này của chúng tôi, chị Hơn cười hiền: “Đôi lúc mệt quá, rồi người nọ người kia xét nét, kỳ thị cũng thấy tủi thân, cũng nghĩ kiếm công việc khác để làm. Tuy nhiên, điều chúng tôi mong nhất là mọi người có cái nhìn thiện cảm hơn về công việc vất vả này và chia sẻ với những khó khăn của chúng tôi bằng cách để rác đúng nơi quy định, đúng giờ và không tạo những điểm tập kết rác mới”. 
PHƯƠNG DUNG-HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.