Vào rừng tìm "ốc thuốc"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO) Khi cơn mưa rừng vừa dứt, ánh nắng bắt đầu xiên qua kẽ lá cũng là lúc những con ốc núi ẩn nấp dưới đất, bọng cây, đám lá mục bò ra phơi ấm, nhấm nháp thức ăn và sinh sản. Không biết có phải vì có thông tin cho rằng, loại ốc này có thể chữa được bệnh xương khớp, trị nhức mỏi, giúp bồi bổ sức khỏe mà món đặc sản ốc núi chỉ có ở vùng rừng Đak Smar (huyện Kbang) dần trở thành món ăn được nhiều người kiếm tìm, thưởng thức.
Theo anh Đinh Sâm (làng Cam, xã Đak Smar), loài ốc núi ưa sống ở môi trường ẩm ướt, hôm nào mưa to thì bò ra để tìm thức ăn, lúc này tha hồ nhặt đầy túi. Ảnh: Minh Nguyễn
Theo anh Đinh Sâm (làng Cam, xã Đak Smar), loài ốc núi ưa sống ở môi trường ẩm ướt, hôm nào mưa to thì bò ra để tìm thức ăn, lúc này tha hồ nhặt đầy túi. Ảnh: Minh Nguyễn
“Lộc trời” nơi rừng già
Nghe theo lời “dẫn dụ” đầy hấp dẫn về loại đặc sản vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng này, chúng tôi tìm đến xã Đak Smar, nơi được xem là “thánh địa” ốc núi. Trái với những hăm hở, háo hức ban đầu, câu nói của ông Nguyễn Quý Thao-Chủ tịch UBND xã Đak Smar-khiến chúng tôi hụt hẫng khi cuộc trải nghiệm còn chưa bắt đầu: “Các anh đến không đúng lúc rồi, mấy hôm nay trên địa bàn không có mưa”. Thấy chúng tôi ngơ ngác, ông Thao vội giải thích: “Đặc điểm của loài ốc này chỉ xuất hiện sau những cơn mưa, khi trời nắng lên chúng mới bò ra kiếm ăn, lúc này mới thấy và bắt được. Bình thường, ốc ẩn mình sâu dưới đất hoặc nấp dưới đám lá mục, hốc cây nên rất khó tìm”.
Theo lời ông Thao, ốc núi chỉ mới được người dân biết đến cách đây vài năm. Lúc đầu, một số người dân trong làng nhặt ốc về cải thiện bữa ăn gia đình, cách chế biến giản đơn khiến món ốc này cũng bình thường như những loại ốc khác. Tuy nhiên, qua tay người sành ăn, món ốc bỗng nâng tầm lên trở thành đặc sản. “Tuy nhiên, hiện tại, trong làng không nhà ai còn trữ loại ốc này. Anh bạn tôi ở TP. Pleiku nhờ mua mấy hôm nay, nhưng sáng giờ điện thoại hỏi nhiều nơi mà chưa được. Nhưng thôi, tôi có cách này giúp các anh”-ông Thao nói. Vừa dứt lời, ông vội rút điện thoại. Sau cuộc điện thoại “nhờ vả” không bao lâu, một thanh niên mới nhìn qua đã thấy được sự khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tháo vát xuất hiện. Theo lời ông Thao, đây là anh Đinh Sâm (22 tuổi, trú tại làng Cam)-một tay săn ốc lão luyện sẽ dẫn chúng tôi đi tìm ốc.
Trên đường dẫn chúng tôi đến “đại bản doanh” của loài ốc núi, anh Sâm cho biết: Nghề săn ốc núi không quá vất vả, chỉ cần có sức khỏe để lội rừng, vượt suối và đặc biệt là phải có đôi mắt thật tinh tường. Bởi vỏ ngoài của ốc có màu nâu tiệp với màu đất nên phải có đôi mắt “nhà nghề” mới tóm được chúng trong các hốc cây, kẽ đá. Theo anh Sâm, loài ốc núi còn có tên gọi khác là ốc lá hay ốc thuốc, chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm. Khi mùa mưa ở đây bắt đầu cũng chính là thời điểm có nhiều ốc núi nhất. “Loài ốc này ưa sống ở môi trường ẩm ướt, hôm nào mưa to thì bò ra để tìm thức ăn, lúc này tha hồ nhặt đầy túi. Thức ăn khoái khẩu của ốc là các loại lá cây dược liệu mọc nhiều trong cánh rừng này. Người dân trong làng vẫn thường tranh thủ những ngày mưa không lên rẫy, rủ nhau đi tìm ốc về ăn, hôm nào bắt được nhiều thì đem bán”-anh Sâm chia sẻ.
Theo chân anh Sâm, chúng tôi hết luồn lách dưới đám cây rừng rậm rạp, lại nối chân nhau men theo con suối leo đến lưng chừng dốc, nơi ánh nắng đang len lỏi qua tán lá chiếu loang lổ xuống đám lá mục. Đang đi, anh Sâm chợt dừng lại, làm dấu báo hiệu nơi này có ốc và nhắc chúng tôi tỏa ra các hướng để bắt đầu cuộc kiếm tìm. Với anh Sâm, bắt ốc là việc đơn giản, dễ dàng. Tuy nhiên, với người lần đầu như chúng tôi thì lại loay hoay và mất nhiều thời gian. Đặc biệt, lời cảnh báo “không có mưa” của Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quý Thao khiến việc tìm kiếm vận may trở nên khó khăn hơn. Khi tôi cố công “vạch lá bắt ốc” thì nghe tiếng anh Sâm gọi: “Ốc nè, lại đây”. Theo hướng tay anh Sâm chỉ, tôi thấy 2 chú ốc to hơn đầu ngón tay cái đang vươn mình ra khỏi chiếc vỏ, nhẩn nha thưởng thức chiếc lá còn non xanh. Vỏ ốc hơi tròn và có màu nâu đen tiệp với màu đất, viền miệng có màu trắng đục.
Trong khi anh Sâm liên tục bắt được ốc thì chúng tôi đưa mắt tìm kiếm, thậm chí cào cả đám lá mục lên nhưng chỉ bắt được vài con. Con thì bò sát dưới đất, con nấp vào bọng cây, con đu bám vào lá cây, rất khó tìm. Sau gần 4 giờ đồng hồ mò mẫm, mồ hôi ướt đẫm áo, nhóm chúng tôi rủ nhau xuống núi, kết thúc chuyến đi với một túi ốc đầy chóc, áng chừng gần 3 kg. “Hôm nay, bắt được vậy là nhiều rồi. Nếu tối qua trời mưa thì hôm nay có khi chúng ta bắt được đến hơn chục ký đấy”-anh Sâm cười.
Săn lùng đặc sản
Trên đường rời xã Đak Smar về lại thị trấn Kbang theo lời hẹn của anh bạn, chúng tôi quyết định ghé vào quán tạp hóa trên địa bàn xã để tìm hiểu về loài ốc núi và dự định nếu có sẽ mua thêm vài ký. Chị Trần Thị Hảo-đầu mối thu mua ốc núi duy nhất trong vùng-cho biết: Ban đầu, người dân đi tìm ốc về ăn. Vợ chồng chị cũng mua về chế biến ăn thử và thấy rất ngon. Theo chị Hảo, phần thịt ốc dai, giòn, ngọt, thơm mùi dược liệu. Vì vậy, cũng như đa số bà con ở đây, vợ chồng chị tin rằng, ốc núi có khả năng chữa được bệnh, nhất là các bệnh về khớp, có tác dụng bồi bổ sức khỏe. Ngoài ra, một số người còn cho rằng, thịt ốc núi còn có khả năng tăng cường sinh lực, kiểu “ông ăn, bà khen”.
Loài ốc này chỉ xuất hiện sau những cơn mưa, khi trời nắng lên chúng mới bò ra kiếm ăn; bình thường chúng sẽ chui sâu xuống đất hoặc nấp dưới đám lá mục, hốc cây rất khó tìm. Ảnh: Minh Nguyễn
Loài ốc này chỉ xuất hiện sau những cơn mưa, khi trời nắng lên chúng mới bò ra kiếm ăn; bình thường chúng sẽ chui sâu xuống đất hoặc nấp dưới đám lá mục, hốc cây rất khó tìm. Ảnh: Minh Nguyễn
Từ lời đồn thổi, ốc núi ngày càng được nhiều người săn lùng tìm mua. Thậm chí, có người đặt mua cả tháng mà loại ốc đặc sản này vẫn chưa đến tay, dù lúc cao điểm người dân Đak Smar bán cho thương lái thu mua tại chỗ đến gần 100 kg/ngày. Đợt nào mưa nhiều, ốc bán ra chỉ 40.000-50.000 đồng/kg, nhưng có thể lên đến 100.000 đồng/kg những lúc trời ít mưa. Đối với những ai đã trót thưởng thức loại ốc này sẽ bị “nghiện” bởi thịt thơm ngon mà không loại ốc nào sánh được. “Lúc đầu, tôi chỉ dám thu mua mỗi tháng khoảng 50 kg rồi bán dần, nhưng giờ thì có bao nhiêu khách lấy hết bấy nhiêu. Khách hàng gọi điện liên tục đặt mua ốc nhưng không có để bán. Hàng gửi đi TP. Pleiku, có lúc tận TP. Hồ Chí Minh, chủ yếu đặt hàng qua điện thoại rồi gửi xe theo địa chỉ, thu được bao nhiêu là hết ngay bấy nhiêu”-chị Hảo cho biết.
Theo chị Hảo, thức ăn chính của ốc núi là cây cỏ mọc hoang trên núi, trong đó có cả những cây thuốc quý. Vì vậy, khi sơ chế ốc núi, người ta thường không ngâm kỹ như những loại ốc khác vì sợ chúng thải hết vị thuốc lưu giữ ở phần đuôi ốc. Ốc núi có thể chế biến thành nhiều món: hấp gừng, xào sả ớt, trộn gỏi... Mỗi mùa săn ốc kéo dài đến vài tháng, người dân chăm chỉ vào rừng nhặt ốc cũng kiếm được vài triệu đồng.
Số ốc núi mang về được anh bạn “nghiện ốc” nhanh chóng sơ chế làm món hấp sả ớt. Nhấp ly rượu nồng, thưởng thức món ốc núi dai giòn, thơm mùi thảo dược là một trải nghiệm đáng nhớ. Men rượu say vẫn không khiến anh bạn tôi bớt trăn trở. Bởi tuy là đặc sản nơi đất khó, nhưng người dân chỉ bán được ở mức 35.000-40.000 đồng/kg. Nếu có thể kết hợp tiếp thị, phát triển du lịch, biết đâu loại đặc sản này sẽ trở thành một sản phẩm “đắt hàng”. Khi đó, giá trị của nó sẽ được nâng lên, người dân nơi đây cũng có thêm thu nhập.
Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.