Đừng để 'nước đến chân mới nhảy'  

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cái chết của một học sinh do ngộ độc thực phẩm trong trường học là lời cảnh báo mạnh mẽ với tất cả những ai có trách nhiệm đến sự an toàn của học sinh, nhưng cũng để nhắc nhở điều này phải được theo dõi thường xuyên chứ không chỉ đến lúc có việc xảy ra mới tổng rà soát.

Bữa ăn trong trường học trước nay luôn là nỗi bức xúc của phụ huynh khi cho con học bán trú và báo chí cũng có vô số tin bài phản ánh về vấn đề này. Từ những bữa ăn lèo tèo, không đủ chất so với chi phí phụ huynh đóng đến những vụ việc như ngộ độc thực phẩm… vẫn thường xuyên diễn ra. Nếu nói về chất lượng bữa ăn thì nhiều phụ huynh thậm chí mặc định “hy sinh” bữa trưa của con ở trường bằng cách bù vào bữa sáng hoặc buổi tối ở nhà vì những phản ánh của phụ huynh liên quan điều này ít khi được cải thiện triệt để.

Khoan bàn về chất lượng, chỉ nói về an toàn thực phẩm cũng là một câu chuyện dài. Khi được hỏi thì những người có trách nhiệm trong các trường đều chứng minh đã thực hiện đúng quy định như lựa chọn công ty cung cấp suất ăn công nghiệp uy tín (nếu thực hiện bán trú theo suất ăn công nghiệp), có đầy đủ giấy phép, lưu mẫu đồ ăn theo đúng quy trình, đại diện phụ huynh kiểm tra, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thậm chí có nơi hiệu trưởng và nhân viên y tế trong trường là người ăn thử đồ ăn trước… Nhưng những sự cố liên quan đến bữa ăn bán trú của học sinh vẫn diễn ra.

Điều này tương tự với những trường hợp học sinh gặp tai nạn, thậm chí tử vong trên xe đưa đón của trường thời gian qua. Hoặc những sự cố đau lòng gây ra cái chết thương tâm của học sinh như cây ngã, sập cổng trường…

Thường khi sự cố xảy ra, tất cả các ban ngành liên quan chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu rà soát, tổng kiểm tra, tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo tốt nhất các điều kiện để không tái diễn tình trạng tương tự. Mọi thứ ào ạt đến rồi cũng dần lắng lại, đâu rồi cũng vào đấy. Điều quan trọng không phải là những đợt kiểm tra đột xuất mà những điều này phải được thực hiện thường xuyên, một cách khoa học và với tinh thần trách nhiệm cao độ, với cái tâm của một nhà giáo dục tất cả vì học sinh.

Nếu thực hiện theo quy định nhưng làm một cách hời hợt, để cho đủ quy trình thì khó lòng mang đến kết quả thực chất.

Chẳng hạn với bữa ăn bán trú, nếu khâu tiếp phẩm chỉ kiểm tra trên giấy thì không có gì bảo đảm nguồn thực phẩm đó đúng tiêu chuẩn. Mời phụ huynh đến kiểm tra bữa ăn của học sinh, nhưng không phải phụ huynh nào cũng đủ “hiểu biết” để đánh giá chính xác độ an toàn thực phẩm. Tương tự, định kỳ kiểm tra cây xanh, cơ sở vật chất trong nhà trường… cũng nên thuê các đơn vị có chuyên môn thực hiện để có thể đánh giá chính xác độ an toàn.

Chính vì vậy, để kiểm tra, giám sát những khâu liên quan đến sự an toàn của học sinh trong nhà trường cần phải được thực hiện bởi người có chuyên môn và công cụ hỗ trợ chứ không nói chung chung bằng đánh giá của hiệu trưởng hoặc giáo viên, thậm chí là phụ huynh.

Nhà trường gánh trên vai trách nhiệm nặng nề khi không chỉ là nơi trao truyền tri thức, dạy học sinh làm người mà còn phải tạo ra không gian an toàn cho người học từ bữa ăn, chỗ ngồi, sân chơi, thậm chí ngay từ cổng trường để mỗi ngày đến trường thật sự là niềm vui, hạnh phúc.

Theo Nhiên An (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).