Chủ động giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế” là quyết tâm của Chính phủ được khẳng định khi báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 về các giải pháp trọng tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2022, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn nhiều khó khăn; giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, nhất là xăng dầu và một số hàng hóa quan trọng biến động mạnh; chuyển đổi năng lượng còn chậm.

Báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết: Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I-2022 đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021; sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm tăng 7,5%; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, sản lượng lúa ước đạt 10,8 triệu tấn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,5%. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định; đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; lạm phát được kiểm soát với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,1%; các ngành kinh tế đều phục hồi và có tăng trưởng khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; xuất khẩu tăng trưởng 2 con số và tiếp tục xuất siêu…

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6% đến 6,5% trong năm nay là thách thức rất lớn. Nhất là khi thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến bất lợi, tác động mạnh đến nguồn nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế. Do đó, nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là phải tập trung kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi nhanh, phát triển kinh tế-xã hội bền vững; chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Theo đó, Chính phủ sẽ tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững; theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả; điều hành bình ổn giá; thúc đẩy thương mại, xuất-nhập khẩu; duy trì ổn định các chuỗi cung ứng.

Ngày 22-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện số 452/CĐ-TTg yêu cầu ưu tiên tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa nhanh, có khả năng giải ngân sớm và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn phục hồi. Bộ, ngành, địa phương nào chậm giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Chính phủ sẽ kiên quyết điều chuyển cho các đơn vị, dự án khác có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả hơn.

Chính phủ cũng cam kết tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện mạnh mẽ việc phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao trình độ cán bộ, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phòng-chống tham nhũng, tiêu cực.

Những giải pháp ấy, quyết tâm ấy không chỉ là để hoàn thành trách nhiệm trước Quốc hội mà còn là để không phụ sự tin tưởng, đánh giá cao của cử tri cả nước khi ghi nhận sự chủ động điều hành nền kinh tế một cách đồng bộ, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ thời gian qua. Nhất là khi giá cả nhiều loại hàng hóa đầu vào, đặc biệt là giá xăng, dầu tăng cao gây áp lực lớn tới công tác điều hành, bảo đảm cung-cầu cũng như hài hòa lợi ích của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Không phải ngẫu nhiên, trong các nhóm giải pháp trọng tâm, cùng với tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ lại đặc biệt nhấn mạnh công tác “Chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát”. Trong nhóm giải pháp ấy thì việc “theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả; điều hành, bình ổn giá… và có giải pháp hiệu quả duy trì ổn định chuỗi cung ứng” cũng được Chính phủ tập trung, chú trọng.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ nhấn mạnh vai trò của việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các mặt hàng nhiên liệu hóa thạch, nhanh chóng chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Bởi, một khi nhiên liệu-mặt hàng đầu vào quan trọng của nền kinh tế phải nhập khẩu với tỷ lệ lớn, lại biến động mạnh về giá theo chiều hướng tăng, nguồn cung không ổn định sẽ tác động trực tiếp tới sức cạnh tranh của hàng hóa, không chỉ gia tăng áp lực kiểm soát lạm phát mà còn khiến nền kinh tế có nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài.

 

 ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).