Bài học cho sự sinh tồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Y tế thông tin trong ngày 28-7 cả nước có 6.559 ca mắc Covid-19 và 4.511 ca khỏi bệnh.

Cũng thời điểm này, một người bạn của tôi viết dòng cảm thán trên Facebook: "Người sát căn hộ vừa qua đời. Tôi ôm con bật khóc và tự nhủ đây là một phần của cuộc chiến với Covid-19. Không để một sơ sẩy nào đến với gia đình này".

 



Cuộc chiến với Covid-19 ngày càng khốc liệt trên cả địa cầu. Cái chết là điều không thể tránh khỏi và nhân loại càng vững vàng để học được nhiều bài học sinh tồn hơn qua thảm họa này. Ở Việt Nam, chúng ta cũng có trải nghiệm tương tự nhưng may mắn hơn là sự bùng phát của dịch bệnh chậm hơn nên có thêm thời gian ứng phó, nguồn vắc-xin đã nhiều và tăng thêm hy vọng tự sản xuất vắc-xin để đối đầu dịch bệnh.

Ứng phó với đại dịch, ngoài những chương trình tổng thể, còn các chương trình chi tiết sẽ do từng địa phương đề ra và thực hiện theo diễn tiến của tình hình thực tế: Quyết liệt giãn cách, ngăn ngừa triệt để tình trạng tùy tiện ra đường khi không thật sự cần thiết... Không có nhà quản lý nào muốn gây bất tiện cho người dân. Quyết liệt những công tác này với mục tiêu giảm tối đa sự tiếp xúc để hạn chế thấp nhất sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Điều đó cũng đồng nghĩa giảm thiểu các ca bệnh trong cộng đồng, ngăn ngừa tốt nhất trong nguồn lực có thể để giảm tử vong, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, kinh tế tiếp tục vận hành, công ăn việc làm được duy trì, mỗi gia đình giữ được thu nhập để có điều kiện lo cho con cái...

Mục đích rất cấp thiết và mang lại hiệu quả thực tế trong những ngày qua nhưng vẫn còn nhiều người nghi ngờ, bài xích và cố tình chống đối. Chạy xe đi vài cây số, tiếp xúc hàng chục người chỉ để mua một nải chuối. Thèm ăn một tô bún nên cố ship hàng từ những cơ sở nấu ăn lén lút, qua tay nhiều người để đến được bàn ăn nhà mình trong khu cách ly. Sẵn sàng gây gổ với lực lượng chức năng, chửi đổng trên mạng xã hội vì cảm thấy mình bị ngăn cản...

Những việc như vậy có cấp thiết không? Ai cũng có lý do cho rằng công việc của mình cấp thiết, nhưng trên đời này có gì cấp thiết hơn khi phải đối diện trước cái chết? Với hàng ngàn ca mắc mới mỗi ngày, ai ra đường tiếp xúc với người khác cũng có thể nhiễm bệnh, lây cho gia đình. So sánh với việc này thì sự cấp thiết của bạn không là gì cả. Cũng không thể vì một vài sự cố, một vài người không đúng mà xổ toẹt cả một chiến lược chống dịch để mọi người phải mạo hiểm cả mạng sống. Chiều chuộng bản thân là đặc tính cố hữu của số đông nhưng thiếu ý thức trong bối cảnh hiện nay sẽ dễ dàng đối mặt với những cái giá không thể trả nổi.

Bộ Y tế công bố ca mắc mới mỗi ngày và cả số người chết liên quan đến dịch bệnh (bên cạnh số ca chữa khỏi, xuất viện). Những con số này nhằm để mọi người hiểu rõ hơn về tình hình thực tế, mức độ nguy hiểm và kêu gọi ý thức của cộng đồng nghiêm khắc trong từng hành động để phòng dịch.

Từng người hãy chấp nhận nhìn vào hậu quả để tự răn mình phải bảo vệ cộng đồng, cũng chính là bảo vệ gia đình mình. Đừng chờ ai làm thay cho mình việc đó!

Theo PHẠM HỒ (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).