Mọi người cùng đi 'BMW'. Tại sao không?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hoàn thành dự án metro đúng tiến độ không chỉ góp phần giải tỏa vấn nạn bao năm về giao thông, mà còn đặt những viên gạch mới để hình thành văn hóa giao thông công cộng: đó là mọi người cùng đi 'BMW'.
 

Trong những lần đi châu Âu, Tokyo và Singapore, người viết thường chọn "BMW" để đi lại vì nó vô cùng tiện lợi và rẻ. "BMW" không phải là thương hiệu xe hơi của Đức, mà là cách chơi chữ tiếng Anh của những người yêu thích đi phương tiện công cộng. Theo đó, B là Bus - xe buýt, M là Metro - tàu điện ngầm và W là Walking - đi bộ.

Bạn chỉ cần lên Google Maps xác định điểm xuất phát và điểm đến, bản đồ sẽ gợi ý những trạm metro và hệ thống xe buýt kết nối tiện lợi nhất.

Ở Đông Nam Á, nhiều quốc gia đã vận hành hệ thống đường sắt đô thị để giải quyết vấn nạn kẹt xe, quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường. Philippines là quốc gia đầu tiên trong khu vực vận hành hệ thống đường sắt nhẹ trên cao LRT năm 1984 và đang triển khai dự án đường sắt cao tốc ở Manila.

Singapore có hệ thống tàu điện MRT đầu tiên vào năm 1987. Thái Lan sử dụng MRT năm 2004. Gần đây nhất, Malaysia vận hành LRT năm 2016 và Indonesia khai trương MRT năm 2019. Những hệ thống đường sắt đô thị này đã thay đổi diện mạo đô thị ở nhiều quốc gia và giảm nạn kẹt xe rất hiệu quả.

Vì thế, cũng đau đáu sớm được thoát cảnh kẹt xe, người dân TP.HCM hào hứng xem hình ảnh đoàn tàu điện ngầm (metro) đầu tiên của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cập cảng Sài Gòn vào sáng 8-10, sau khi xuất phát từ cảng Osaka, Nhật Bản.

Nhưng metro không chỉ giải quyết kẹt xe và ô nhiễm, nó còn góp phần thay đổi văn hóa giao thông. Câu chuyện ở Jakarta cho thấy rõ điều này. Tháng 3-2019, thủ đô Jakarta của Indonesia đã khai trương hệ thống tàu điện ngầm MRT đầu tiên.

Sau 8 tháng vận hành, báo Straits Times của Singapore ghi nhận về tác động của metro đối với đô thị 30 triệu dân của Indonesia. Theo đó, tuyến metro đầu tiên đã thiết lập "tiêu chuẩn vàng" trong giao thông công cộng: không người ăn xin, không hàng rong, không ai đứng ngồi tùy tiện...

Tất cả hành khách xếp hàng mua vé trong trật tự, nhường nhau lên xuống tàu, không ăn uống, hút thuốc trên tàu và nhà ga. Sau bao năm chịu đựng kẹt xe, tiếng ồn và ô nhiễm, những thay đổi mới được người dân Jakarta chào đón nồng nhiệt.

Tổng thống Widodo, người quyết biến giấc mơ metro của Indonesia thành hiện thực, mãn nguyện nói: "Khi còn là thống đốc Jakarta, tôi được các quan chức giải thích tại sao dự án bị đình hoãn trong 26 năm. Họ chỉ nói về lợi nhuận và tổn thất. Nếu chúng tôi không quyết tâm sẽ không có ngày hôm nay bởi họ chỉ lo cân đong đo đếm thiệt hại. Không có tổn hại nào bằng việc chúng tôi mất khoảng 4,6 tỉ USD/năm do kẹt xe".

Tương tự, mỗi năm TP.HCM, Hà Nội cũng thiệt hại hơn 1 tỉ USD do kẹt xe. Indonesia mất 34 năm để hoàn thành giấc mơ metro ở Jakarta. Việt Nam đi sau và mất khoảng 15 năm, kể từ lúc khởi động dự án năm 2006, dự kiến vận hành thương mại cuối năm 2021.

Đích năm 2021 đang đến rất gần. Sau tuyến metro số 1, chính quyền thành phố cũng đã huy động đủ vốn để xây tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, dự kiến thi công năm 2022 và về đích năm 2026.

Như vậy, giấc mơ lần đầu tiên đi "BMW" của người dân TP.HCM cũng như người dân cả nước sắp thành hiện thực. Hoàn thành dự án metro đúng tiến độ không chỉ góp phần giải tỏa vấn nạn lưu cữu bao năm về giao thông, mà còn đặt những viên gạch mới để hình thành văn hóa giao thông công cộng: đó là mọi người cùng đi "BMW".

Theo QUỲNH TRUNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).