Chủ động phòng tránh thiên tai vì an toàn cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lửa đã tắt. Những cánh rừng miền Trung hy vọng sẽ hồi sinh phần nào vì trời đã có mưa. Tuy nhiên, nguy cơ đối mặt với lũ quét, sạt lở đất trong những ngày tới lại cận kề, nhất là khi rừng không còn. Biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng rõ rệt đến cuộc sống con người. Dự báo năm nay, thời tiết sẽ diễn biến bất thường và khốc liệt hơn. Vì vậy, việc chủ động phòng tránh thiên tai vì sự an toàn cuộc sống người dân là yêu cầu hết sức bức thiết.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng-chống thiên tai cho thấy, tuy xảy ra ít hơn các năm trước, nhưng năm 2018, thiệt hại do thiên tai gây ra cho nước ta cũng hết sức nặng nề: 224 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế 20.000 tỷ đồng (thấp hơn năm 2017 với 386 người thiệt mạng, số tiền thiệt hại lên tới 60.000 tỷ đồng). Thiên tai đã khiến hàng trăm gia đình phải mất người thân, cuộc sống của hàng vạn gia đình trong cả nước bị đảo lộn. Còn hàng chục ngàn tỷ đồng thiệt hại chính là nhà cửa, ruộng vườn, tài sản của hàng trăm ngàn người dân bị hư hại; nhiều công trình đường sá, cầu cống, trường học, công sở... bị sụp đổ, bị lũ lụt cuốn trôi.
Diễn tập chữa cháy rừng. Ảnh: Ngọc Sang
Diễn tập chữa cháy rừng. Ảnh: Ngọc Sang
Tuy chưa phải vào mùa cao điểm nhưng từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 12 loại hình thiên tai, làm 23 người chết, thiệt hại kinh tế lên đến gần 400 tỷ đồng. Hiếm khi ngay từ đầu năm đã xuất hiện bão. Thế mà, cơn bão đầu tiên xuất hiện trong tháng 1 từ Cà Mau đến Kiên Giang đã gây thiệt hại nặng cho khu vực này. Hay như đợt nắng nóng đỉnh điểm mấy ngày qua đã làm lửa bùng phát mạnh, gây cháy hàng ngàn héc ta rừng ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Chỉ cần một mồi lửa nhỏ của người dân đốt rác trong vườn nhà, lửa đã lây lan ra những cánh rừng trồng, cộng với nắng nóng và gió phơn Tây Nam thổi mạnh, biến Hà Tĩnh trở thành chảo lửa, thiêu rụi những cánh rừng mà người dân đã mất công bao năm chăm bẵm.
Trong thiên tai, còn có cả nhân tai!
Những cơn mưa do áp thấp nhiệt đới mang lại trong những ngày này được xem là mưa vàng, mưa bạc, không những chấm dứt nắng nóng để người dân dễ thở hơn mà còn là niềm hy vọng sẽ giúp hồi sinh những cánh rừng vừa bị cháy. Thế nhưng, một mối nguy cơ khác lại hiển hiện khi người dân, nhất là người dân các tỉnh miền núi, phải chuẩn bị đối mặt với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất đe dọa. 
Một mùa mưa lũ khắc nghiệt nữa lại bắt đầu. Theo dự báo, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên thời tiết năm nay có những biến đổi khó lường và khắc nghiệt hơn. Bão có thể sẽ ít hơn nhưng cường độ sẽ mạnh hơn, diễn biến cũng bất thường hơn. Số trận mưa lớn gây lũ ống, lũ quét cũng sẽ khốc liệt hơn năm 2018.
Để phòng ngừa rủi ro, ứng phó với thiên tai hữu hiệu, không chỉ thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” mà rất cần sự chủ động, kịp thời, chính xác của công tác cảnh báo dự báo thiên tai. Trên thực tế, công tác này ở nước ta đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu, nhất là công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở miền núi. Chủ động phòng tránh cũng không phải chỉ là những phương án đối phó ngay sát mỗi cơn mưa, mà cần có kế hoạch dài hơi hơn, quy hoạch bài bản hơn khi xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế dân sinh để đảm bảo an toàn trước thiên tai. Cũng bởi, sự tác động của con người làm cho sức tàn phá của thiên nhiên khốc liệt hơn. Việc xây dựng những công trình hạ tầng lấn chiếm, làm co hẹp dòng chảy các dòng sông; những dự án kinh tế, thủy điện chặt phá nhiều diện tích rừng mà không được trồng lại kịp thời đã phá tan hệ sinh thái tự nhiên; hầm mỏ khai khoáng đã làm biến đổi địa chất, tạo thành những túi nước khổng lồ trong lòng đất hoặc trên núi cao, chỉ chực chờ bục ra cuốn phăng tất cả ở vùng hạ du.
Phòng tránh và giảm thiểu rủi ro là vấn đề căn bản trong ứng phó với thiên tai. Vì vậy, để giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai, sự chủ động, kịp thời, hiệu quả của các bộ ngành, địa phương là hết sức cần thiết. Đó cũng là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị triển khai công tác phòng-chống thiên tai trước mùa mưa bão năm nay nhằm đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân.
Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).