Chuyện quá vãng của những ngôi làng mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1983, tôi nhận quyết định về Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai-Kon Tum công tác. Bấy giờ, sinh viên còn được Nhà nước bao cấp cả ăn học lẫn công việc. Lên Tây Nguyên là việc chẳng đặng đừng nhưng cũng là một cái thú với tuổi trẻ vốn thích phiêu lưu, đặc biệt là dân viết lách. 

Tôi nhớ trước lúc lên đường còn được nghe một nhà văn nổi tiếng vừa đi Tây Nguyên về nói chuyện. Ông kể: Có một cán bộ đi vận động đồng bào xuống núi định canh, định cư đã bị kẻ xấu xẻo mất 1 tai. So với "Đất vỡ hoang" của Sholokhov, Tây Nguyên còn gay cấn hơn nhiều. Khéo viết, công cuộc định canh định cư, hợp tác hóa ở đấy còn hấp dẫn bằng mấy "Đất vỡ hoang"!

Vậy là, đang ở Huế mà đã thấy mình sắp thành “Sholokhov” rồi! Chuyến đi công tác thứ 2 hay 3 gì đó, tôi về xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy (bây giờ thuộc Kon Tum). Việc vận động đồng bào xuống núi đã xong, sự chống đối đã dịu hẳn nhưng bên trong hãy còn âm ỉ…
Bí thư Đảng ủy xã A Gin kể: Hôm mình vận động dân làng xuống núi định canh, định cư, ai cũng nhìn mình như thể ma quỷ hiện hình. Người Hà Lăng xưa nay chỉ ở lưng chừng núi, đấy mới là đất của người. Đưa xuống chỗ có đường là đất con ma, muốn dân làng chết hết hay sao?
Gay thế, lúc này, bọn FULRO lại tìm đến phá. Ông A Gin một mặt thì dựa vào mấy người từng đi cách mạng, một mặt thì dỗ dành: Người Hà Lăng ta xưa nay sống thì như con cáo, con chồn trong rừng mãi rồi, nay hòa bình chẳng lẽ công lao bà con ủng hộ cách mạng không có ích gì? Muốn sung sướng thì phải xuống thấp để xe Nhà nước còn chở hàng hóa đến, kéo cái điện đến cho bà con chứ. Nghe lọt tai, người ta miễn cưỡng nghe theo… 
Nhưng sau đó mới là khúc gay go nhất. Ở trong núi mở mắt ra là thấy rừng, nay xuống thấp nhìn ra bốn phía chỉ một màu cỏ úa! Đã thế xuống núi lại phải tách hộ. Người Hà Lăng vốn có tập quán ở nhà dài-có khi tới 20 hộ ở chung một nhà. Làng, tiếng thế đôi khi chỉ dăm bảy cái nhà, nhấp nhô như con sâu róm.
Bây giờ tách hộ, họ hàng, anh em không được ở chung. Lại cái điện để thắp, ti vi để coi thì nào thấy đâu! Ức vì Bí thư nói láo, người ôm mặt khóc, người đi tìm Bí thư để chửi, thậm chí có người dọa giết. Rồi vì giận quá hóa khùng, lúc huyện làm đường, có người ôm chiếu nằm lăn ra không cho xe ủi đất. Làng cứ loạn lên như có kẻ đến cướp người làm nô lệ thuở xưa…
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Chẳng riêng gì người Hà Lăng, những tộc người khác cũng đã xuống núi với tất cả sự vật vã đớn đau như vậy. Đầu năm 1977, tỉnh Gia Lai-Kon Tum chủ trương đưa 6.000 đồng bào dân tộc Giẻ Triêng, Xê Đăng xuống định canh định cư.
Người Xê Đăng cũng như các dân tộc khác ở Bắc Tây Nguyên bao giờ cũng làm rẫy và cư ngụ ở lưng chừng núi. Đỉnh núi là đất của trời, dưới thấp là đất của ma quỷ. Nghe lời cán bộ xuống thấp, cố trái lời ông bà cũng được nhưng còn cây lúa thì sao? Trồng lúa trên đất ma, ma đâu có để yên cho. Vả chăng cây lúa rẫy là ma khác, lúa nước là ma khác. Nấu chung nồi, ăn lẫn vào người, ma đánh nhau thì người cũng chết. Đất ma không trồng được lúa rẫy thì cũng chẳng thể trồng được bông.
Người Giẻ Triêng vốn có nghề dệt truyền thống. Dệt là một nhu cầu, một thước đo giá trị của người phụ nữ. Con gái Giẻ Triêng khi đi lấy chồng phải có món hồi môn bắt buộc gồm quần áo, chăn đắp đủ cho cả họ hàng nhà chồng do chính bàn tay mình dệt. Cây bông với họ do vậy cũng có ý nghĩa không kém gì cây lúa. Không trồng được bông, xem như ý nghĩa của cuộc sống mất đi một nửa. Tất cả mất mát ấy cứ âm ỉ dần.
Nhân kẻ xấu đặt điều nhìn thấy trứng gà ung trong rẫy (điềm kiêng cữ số một của người Giẻ Triêng về nơi ở) người ta bùng lên một cuộc bứt ngang sống mái… Buổi sáng hôm đó, đàn bà dắt bò, bế con đi trước, đàn ông đi sau, hàng trăm người rùng rùng kéo nhau về núi. Cán bộ ra cản. Thoạt đầu thì giải thích rồi quay sang năn nỉ, chẳng một ai nghe. Người lớn chửi rủa, trẻ con kêu khóc náo loạn. Bị kích động, có người tụt váy để… xua cán bộ (!). Giằng co mãi, cuối cùng 6 ngàn người dân vận động xuống núi chỉ còn lại được hơn ngàn. Có làng chỉ còn vài chục khẩu.
Các huyện phía Đông Gia Lai-Kon Tum, ở một số xã tình hình cũng nóng nhưng không bằng phía Bắc và chủ yếu là do FULRO xúi giục, phá hoại. Tuy nhiên, phải mất 2-3 năm mới ổn định được tình hình. Thậm chí có xã phải mất gần 5 năm…
Ngày nay, đi qua những xóm làng yên ả, dưới ánh điện sáng xanh, có lẽ chỉ còn rất ít người biết quá khứ đầy gay cấn này. Thật tiếc, những kẻ ảo mộng, vô tài như mình đã đành, các nhà văn đích thực cũng chưa thấy ai phản ánh!
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.