Chuyện thời bao cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuộc họp bình xét thi đua 6 tháng đầu năm ngỡ sẽ kết thúc sớm để còn liên hoan, nào ngờ đã kéo dài qua 12 giờ trưa mà vẫn chưa xong. Sự rắc rối chung quy cũng là ở ông Trưởng phòng V. và Phó Trưởng phòng D: Ông V. thì bị cho là “ý thức tư hữu nặng nề, chiếm đoạt tài sản công làm của riêng”. Còn ông D. thì can tội “tiếp tay cho con buôn, làm lũng đoạn thị trường”. Thế nhưng, 2 ông đều không chịu, ra sức biện bạch, lời lẽ có lúc gay gắt, thế mới khiến cuộc họp căng thẳng.
Nguồn cơn là thế này: Nguyên trong khuôn viên cơ quan có một cành cây lớn bị gió đánh gãy. Cành nhỏ ai đó đã róc làm củi từ lâu, chỉ còn trơ thân lớn lăn lóc trong đám cỏ dại. Một hôm, ông V. tình cờ đi ngang qua nhìn thấy. “Không ai làm gì thì ta mang về nấu bánh. Để nó mục thì phí đi ”. Tự nhủ vậy rồi ông V. mượn cưa cắt ra từng khúc nhỏ, chất lên xe đạp chở về. Cành cây xưa nay vốn chẳng ai nhìn ngó đã đành, lúc thấy ông hì hụi cắt, nhiều người nhìn thấy, có người còn trêu: “Của quý đấy, bác cố gắng mang về cho hết, biết đâu để lâu nó hóa trầm cũng nên”. Vậy mà bây giờ…
Còn đây là “tội” của ông D: Cái nắng cuối mùa hắt lên từ mặt đường như hong lửa. Đang gò lưng trên chiếc xe đạp cố rút ngắn khoảng cách về nhà, ông D. bỗng thấy tay lái loạng choạng. Vậy là xe lại xẹp lốp rồi! Chiếc xe đạp của ông bộ xương đã thảm hại, “nội tạng” của nó lại càng thảm hại hơn. Chẳng nhớ đã bao lần hết vá lại “măng xông” nhưng ông vẫn bấm bụng chờ đến lượt được phân phối. Thời buổi gạo châu củi quế, cái gì cũng mua chợ đen thì lấy tiền đâu!
Thở dài ngán ngẩm, dắt xe đi một đoạn thì ông gặp 1 quán sửa xe đạp bên đường. Đã tưởng gặp may lại hóa xui khi sờ khắp các túi không có lấy một hào. Quãng đường về nhà ông ít ra cũng còn 3 km, dắt bộ dưới nắng trưa thế này quả là một cực hình…
Đang lúc tưởng bó tay, ông chợt nhớ: Lúc ra về, có cậu em cùng phòng cho 1 gói thuốc Mai. Vì vội nên ông chưa kịp bóc ra hút, vẫn còn nguyên trong cặp. “Ta bán gói thuốc lá này để lấy tiền vá xe”. Đầu óc sáng bừng, ông ghé vào quán tạp hóa. Chủ quán trả ông 1 đồng. Cứ tưởng may lắm là đủ tiền vá xe, hóa ra ông còn dư được 4 hào. Cũng lạ, chuyện cứ tưởng là không ai biết, không ai thấy, nhưng rốt cục thì chẳng gì lọt được mắt cơ quan!
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Đã có 4-5 người phát biểu mổ xẻ “tội” của ông Trưởng phòng V. nhưng xem ra ý kiến của bà H. vẫn có sức nặng hơn cả. Bà nói: “Anh V. biện bạch rằng, khúc cây gãy không ai buồn ngó, để đó rồi nó cũng mục, phí đi nên anh mới mang về làm củi. Nói như vậy là ngụy biện. Cây nằm trong khuôn viên cơ quan dù nó có là gì thì cũng là tài sản chung. Ai muốn sử dụng nó phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan. Là trưởng phòng, anh quá rõ điều này, thế mà chưa được thủ trưởng đồng ý đã tự động cưa cây mang về nhà. Tôi cho rằng, việc làm của anh là hành động xâm phạm tài sản công, nó thể hiện ý thức tư hữu nặng nề, thiếu tinh thần làm chủ tập thể”.
Còn đối với ông D, vì lý do nghe có vẻ chính đáng nên bị ý kiến ít hơn. Tuy vậy không có nghĩa là không bị “lên án” gay gắt. Ông L. phát biểu: “Trong lúc Nhà nước đang thiết lập trật tự trên lĩnh vực phân phối lưu thông thì anh D. lại tiếp tay cho con buôn để chúng lũng đoạn thị trường. Đúng là một gói thuốc lá thì chưa có gì lớn nhưng nếu ai cũng nghĩ như vậy rồi mỗi người một gói, ngàn người ngàn gói tuồn ra cho con buôn thì còn gì là trật tự phân phối lưu thông xã hội chủ nghĩa? Cho nên anh có ngụy biện kiểu nào thì vẫn chứng tỏ ý thức anh kém”.
...Đã hơn 1/3 thế kỷ, tôi vẫn nhớ như in cuộc họp có một không hai trong đời ấy. Là “lính mới”, tôi không dám lên tiếng đã đành, nhiều người thấy 2 đồng nghiệp bị quy chụp, suy diễn tội trạng nhưng cũng chỉ tỏ thái độ khó chịu chứ không một ai ra lời bênh vực. Và cuối cùng, 2 ông V. và D. bị hạ một bậc thi đua thì họ cũng biểu quyết giơ tay!
Bây giờ kể lại chuyện này, nghe thật khó tin nhưng thời bao cấp thì những chuyện kiểu như thế lại khá phổ biến: Nhặt miếng tôn gỉ bị gió đánh bay của cơ quan về làm chuồng gà-kiểm điểm. Lấy chiếc bàn gãy vứt đi về làm bàn học cho con-kỷ luật! Ấy là chưa nói đến chuyện quan hệ tình cảm thì vô vàn…
Thực ra, chẳng sách vở nào, chủ trương nào dạy thế nhưng người ta cứ suy diễn rồi gán ghép. Cái nghiệt ngã ở đây là sự suy diễn, gán ghép ấy lại nghe có vẻ rất đúng lập trường, quan điểm khiến người mắc lỗi khó mà chối cãi.
Giải thích thế nào về lối suy nghĩ ấu trĩ một thời? Có nhiều nguyên do nhưng suy cho cùng thì như câu tục ngữ ông cha đã nói “gia bần, trí đoản” (nhà nghèo thì ngắn trí). Phải chăng sự khốn khó về vật chất của thời bao cấp đã khiến suy nghĩ của con người cùn mằn đi; không chấp nhận ai hơn mình hay sống khác mình. Bên cạnh đó là lối giáo dục một chiều, không chấp nhận sự phản biện xã hội khiến những kẻ cơ hội có thời cơ lợi dụng áp đặt lối suy nghĩ giáo điều, tệ hơn là quy chụp cho người khác.
Thật may là cái thời ấy đã một đi và có lẽ không bao giờ còn trở lại!
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.