"Củi hứa hôn" của người Giẻ Triêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Các dân tộc bản địa Tây Nguyên vốn gắn bó với núi rừng. Nếu con gái Giẻ Triêng lo củi để lấy chồng thì các chàng trai lo đốt than để rèn dụng cụ sản xuất.
Người Giẻ Triêng lấy củi làm thước đo đánh giá sự đảm đang, chăm chỉ của các cô gái. Gia đình có con gái chưa gả chồng thì nơi để củi có thể giúp người mẹ chồng nhận diện con dâu tương lai. Khi đến tuổi biết yêu đương, các cô gái Giẻ Triêng thường lên rừng đốn củi mang về nhà xếp thành bó để sau này “hồi môn” chàng trai mà mình sẽ lấy làm chồng. Củi xấu hay đẹp, cong hay thẳng, nhiều hay ít thể hiện sự chăm chỉ, khéo léo, sự trưởng thành và khả năng làm chủ gia đình của người phụ nữ. Đây là củi bắt chồng hay củi cho chồng.
Trong ngày ăn hỏi, cô gái xin ý kiến già làng và gia đình rồi chuyển đống củi sang nhà trai. Chuyển củi, xếp củi là nghi lễ quan trọng nhất, bởi theo luật tục, củi là vật hứa hôn của cô gái với chàng trai mà họ yêu thương. Người cõng củi ngoài cô dâu còn có một số phụ nữ có chồng trong làng cùng giúp. Việc chuyển củi sang nhà trai, dù ít hay nhiều cũng phải chuyển xong trong 1 ngày. Khi lượng củi chuyển sang nhà trai được khoảng hai phần ba thì một số đàn ông nhà gái tới chặt cây, đào lỗ chôn cột, chuẩn bị xếp củi vào ngày hôm sau. Khi bó củi cưới đã tháo ra, cô dâu phải lấy thanh củi đầu tiên đưa cho chồng, rồi người chồng mới chuyển cho bố mẹ của mình để họ tự tay xếp củi lên giàn đã chuẩn bị sẵn. Sau nghi lễ này, những người phụ giúp mới tiếp tục xếp củi thành khối vuông vức. Cuối ngày xếp củi, hai bên gia đình phải trồng cây nêu trước nhà làng để thông báo với mọi người trong làng và khách mời gần xa biết việc tổ chức tiệc chiêu đãi và các hoạt động vui chơi, múa hát dân gian trong dịp cưới.
Thanh niên Giẻ Triêng gùi than về làng chuẩn bị cho lễ hội. Ảnh: Tấn Vịnh
Thanh niên Giẻ Triêng gùi than về làng chuẩn bị cho lễ hội. Ảnh: Tấn Vịnh
Trong khi các cô gái Giẻ Triêng lo củi hứa hôn thì các chàng trai lo đốt than để rèn nông cụ. Theo dân gian, chỉ có than làm từ loại cây kchiah mới ăn no lửa, trở thành công cụ sản xuất tốt nhất. Hàng năm, đồng bào Giẻ Triêng thường tổ chức ngày hội lấy than trong rừng, gọi là Cha kchiah. Đầu tiên, già làng họp xét chọn khoảng 7 thành viên trong làng để lên rừng đốt than. Người được chọn đi “ăn than” phải là người trong một vài năm vừa qua gia đình luôn gặp nhiều may mắn, lao động sản xuất luôn đạt kết quả tốt, không có thành viên nào của gia đình bị ốm đau. Thanh niên được chọn là những người khỏe mạnh, không vi phạm luật tục. Trong lúc thanh niên lên rừng đốt than thì người ở làng làm cây nêu, dựng ngôi nhà rèn trước nhà rông.
Vào sáng sớm, những thành viên được dân làng cử đi lên rừng đốt than. Đến rừng là lúc trưa, họ bắt đầu tiến hành nghi thức hạ cây kchiah dùng để đốt than. Khi những cây kchiah đã đốt thành than, đủ số lượng cần dùng, mọi người tiếp tục chặt cây lồ ô, chẻ thành nan dùng để đan gùi đựng than mang về nhà. Mỗi thành viên tham gia đốt than cùng nhau cõng gùi than về nhà. Ở sân nhà làng, cây nêu, ngôi nhà rèn đã dựng sẵn, dân làng đã tập trung đông đủ chào đón các thành viên đi đốt than trở về. Lúc này, già làng cất tiếng thông báo: “Hỡi dân làng, các thành viên đi lấy than đã về tới làng, hãy đánh trống, đánh cồng chiêng lên”. Khi tiếng trống, tiếng cồng chiêng nổi lên, những người lấy than đang chờ ở rìa làng tiếp tục cõng trên lưng những gùi than linh thiêng đi vào làng đến vị trí phía sau ngôi nhà rèn.
Trong âm vang tiếng trống, tiếng cồng chiêng, những người lấy than tiếp tục đi xung quanh ngôi nhà rèn 4 vòng và sau đó đặt những gùi đựng than vào trong nhà. Sau khi nghi thức đưa than vào trong nhà rèn kết thúc, hội đồng già làng tiếp tục thực hiện nghi thức rèn các công cụ lao động sản xuất.
Củi và than là những yếu tố làm nên di sản văn hóa đặc sắc của người Giẻ Triêng mà tiêu biểu là lễ cưới với tục “bó củi hứa hôn” và lễ hội ăn than. Qua các nghi lễ khẳng định vai trò của các chàng trai, cô gái trong cuộc sống cộng đồng và xây đắp hạnh phúc gia đình.
TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm

Chuyện người Jrai xã Gào bảo tồn cồng chiêng

Chuyện người Jrai xã Gào bảo tồn cồng chiêng

(GLO)- Nhiều năm qua, nhiều hộ gia đình người Jrai ở xã Gào, TP. Pleiku đã tích cực gìn giữ các bộ cồng chiêng truyền thống của dân tộc mình. Từ việc làm này, đã góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tại địa phương.
Một thời sưu tầm văn nghệ dân gian

Một thời sưu tầm văn nghệ dân gian

(GLO)- Tôi sinh hoạt cùng anh chị em văn nghệ sĩ ở Gia Lai-Kon Tum từ những năm cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Khi ấy, phong trào nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian (Folklore) đang rộ lên. Tôi tự cảm thấy đây là lĩnh vực cũng cần tìm hiểu và có trách nhiệm với nơi mình đang sống.
Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

(GLO)- Lễ cúng rụng rốn (Et tuh klok) là nghi lễ đầu tiên trong vòng đời của mỗi người Bahnar. Không chỉ là cúng tạ ơn, mong muốn các thần linh che chở, bảo vệ đứa trẻ khỏe mạnh, mà lễ cúng còn là sự xác nhận đứa bé chính thức trở thành thành viên trong gia đình, dòng tộc và cộng đồng.
Ché quý của người Jrai

Ché quý của người Jrai

(GLO)- Người Jrai ở Krông Pa (tỉnh Gia Lai) còn lưu giữ nhiều loại ché (ghè) rất giá trị. Bước vào một ngôi nhà dài, quan sát vị trí, số lượng các loại ché, chúng ta có thể đánh giá mức độ giàu có của chủ nhân.
Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

(GLO)- Bằng tình yêu và niềm tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông Ak (80 tuổi, làng Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, đan lát và chế tác nhạc cụ dân tộc với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau.
Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

(GLO)- Với người Jrai, hát dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt. Vì vậy, những người biết hát dân ca luôn quan tâm tới việc bảo tồn, lưu giữ và khơi gợi niềm đam mê cho thế hệ trẻ để góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.