Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Lợi ích bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua 10 năm triển khai thực hiện, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho hàng ngàn hộ dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa thông qua việc nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Trách nhiệm, nhận thức về bảo vệ, phát triển rừng của cộng đồng dân cư được nâng lên đã tác động tích cực, toàn diện đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Những con số “biết nói”
Suốt 10 năm qua, trên 1.200 ha rừng mà cộng đồng làng Bek (xã Ia Bă, huyện Ia Grai) nhận khoán từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai luôn được bảo vệ xanh tốt. Ông Kpuih Nhen-Bí thư Chi bộ, đại diện cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng của làng-cho hay: Hệ thống chính trị làng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ rừng. Nhờ đó, 173 hộ dân làng Bek đã xem việc giữ rừng như một phần không thể tách rời trong đời sống sinh hoạt và lao động, nếu người nào trong làng cố tình vi phạm sẽ bị xử theo lệ làng. Ngoài việc bị trừ tiền DVMTR, những hộ này buộc phải trồng lại rừng trên diện tích đã phát dọn, lấn chiếm.
“Thông qua hoạt động nhận khoán, ý thức bảo vệ tài nguyên rừng của dân làng được nâng lên, từng bước xóa bỏ tình trạng du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy. Người dân trong làng thường xuyên động viên gia đình, hàng xóm không được đốt, phá rừng. Bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn nước, bầu không khí và cuộc sống của con em dân làng mình. Nhờ đó, từ năm 2012 đến nay, diện tích rừng mà làng Bek nhận khoán luôn ổn định, ít bị tác động và chỉ xảy ra 2 trường hợp cơi nới, phá rừng mở rộng diện tích nương rẫy khoảng hơn 1 ha”-ông Nhen thông tin.
Lực lượng tổ liên ngành xã Kon Pne tổ chức tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Nguyễn
Lực lượng tổ liên ngành xã Kon Pne tổ chức tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Nguyễn
Từ khi có nguồn tiền chi trả DVMTR, diện tích khoán bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai không ngừng được nâng lên, từ 1.523 ha (năm 2012) tăng lên gần 6.000 ha; số hộ nhận khoán từ 57 hộ tăng lên 777 hộ. Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp cũng giảm dần theo từng năm. Theo ông Nguyễn Trường Hải-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai, năm 2013, diện tích rừng của đơn vị là 12.312 ha thì đến năm 2021 tăng lên 13.758 ha; số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp năm 2013 là 84 vụ nhưng kể từ năm 2015 đến nay chỉ 2-3 vụ/năm. “Sau 10 năm đi vào cuộc sống, chính sách chi trả DVMTR đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Người dân ý thức hơn trong công tác bảo vệ rừng; các cộng đồng nhận khoán nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc tự giác cắt cử từng nhóm hộ đi tuần tra, kiểm soát khu vực rừng được giao khoán bảo vệ”-ông Hải khẳng định.
Cũng trong 10 năm qua, 163 hộ dân làng Đê Tar (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) có thu nhập ổn định trên 10 triệu đồng/hộ/năm từ việc tham gia quản lý, bảo vệ gần 2.100 ha rừng. Được hưởng lợi từ tiền chi trả DVMTR nên dân làng ai cũng nhận thức được trách nhiệm để cùng nhau tham gia bảo vệ, không để xảy ra cháy và kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng. Ông Đinh Sưr-Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng làng Đê Tar-cho hay: “Các hộ dân chia thành nhiều nhóm thay phiên nhau tuần tra, kiểm soát diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ; tình trạng lấn chiếm đất rừng làm rẫy, khai thác gỗ trái phép đã dần được hạn chế”.
Khẳng định điều này, ông Võ Đình Huy-Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng-cho biết: Toàn xã có 1.446 hộ với 6.622 khẩu, trong đó, đồng bào Bahnar chiếm trên 90%. Đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm 21,23%; thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức 14 triệu đồng/năm. “Đây là chính sách thiết thực nhằm giải quyết việc làm, giúp người dân sống gần rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tăng thu nhập. Do vậy, xã đã lập kế hoạch mở rộng diện tích rừng giao khoán hơn 1.636 ha cho 113 hộ dân của các cộng đồng làng: Đak Ó, Deng, Klah, Ktu và làng Thương để cải thiện đời sống người dân”-Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng nhấn mạnh.
Tương tự, đời sống của 374 hộ dân thuộc 12 cộng đồng làng và 13 nhóm hộ của xã Hà Ra (huyện Mang Yang) được cải thiện đáng kể nhờ tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ hơn 6.421 ha rừng. Nguồn chi trả DVMTR mỗi năm khoảng 2,4 tỷ đồng không những giúp các hộ, nhóm hộ và cộng đồng tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng cải thiện thu nhập mà còn góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.  
Chia sẻ gánh nặng ngân sách
Ông Nguyễn Tất Thành-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ-cho hay: Tiền DVMTR đã góp phần tạo thu nhập ổn định cho người dân, khuyến khích họ tích cực, chủ động tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài ra, nguồn thu này còn tác động tích cực đến việc giảm áp lực của ngân sách nhà nước bố trí cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ nguồn thu tiền DVMTR giai đoạn 2011-2021 hơn 19,5 tỷ đồng, đơn vị đã chi cho 133 hộ nhận khoán 3.437 ha rừng với số tiền trên 10,5 tỷ đồng. 
Còn với Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai, kinh phí DVMTR đã giúp nguồn lực tài chính của đơn vị được bổ sung từ 300 triệu đồng (năm 2012) tăng lên 6 tỷ đồng (năm 2015) và duy trì ở mức trung bình 2,5 tỷ đồng/năm; qua đó giải quyết nhu cầu mua sắm trang-thiết bị phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện các hạng mục lâm sinh khác như: nuôi dưỡng rừng trồng, làm đường ranh cản lửa, trồng rừng, đốt có điều khiển… “Chính sách chi trả DVMTR cũng đã góp phần thay đổi tư duy cũng như đời sống của người dân, tạo sinh kế giúp bà con tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống”-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai nhấn mạnh.
Nhờ chính sách chi trả DVMTR, cộng đồng làng, hộ gia đình và nhóm hộ tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng có thêm nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Minh Nguyễn
Nhờ chính sách chi trả DVMTR, cộng đồng làng, hộ gia đình và nhóm hộ tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng có thêm nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Minh Nguyễn
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng thu tiền DVMTR đạt trên 85,6 tỷ đồng, đạt 77,89% kế hoạch, tăng 5,02% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội tỉnh hơn 16,5 tỷ đồng, đạt 52,6% kế hoạch; thu điều phối từ Quỹ Trung ương trên 69 tỷ đồng, đạt hơn 88% kế hoạch. Tổng chi tiền DVMTR là 91,4 tỷ đồng (thanh toán tiền DVMTR còn lại của năm 2021 là 55,1 tỷ đồng; chi tạm ứng lần 1 cho các chủ rừng, UBND cấp xã năm 2022 hơn 36,3 tỷ đồng). 
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hồng Linh-Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh-nhận định: Đến nay, chính sách này đã từng bước đi vào đời sống, nguồn thu từ DVMTR giúp các chủ rừng có thêm nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ rừng, cải tạo chất lượng rừng, đặc biệt là người dân sinh sống gần rừng có điều kiện cải thiện sinh kế, từng bước thoát nghèo. Chính sách chi trả DVMTR đã và đang tạo động lực để các cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân gắn bó với rừng. Mức chi trả bình quân 6 triệu đồng/hộ/năm đã góp phần bổ sung thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho 9.689 hộ dân tham gia bảo vệ rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sống gần rừng.
“Số tiền chi trả hàng năm đã góp phần bảo vệ 465.035 ha rừng trong lưu vực cung ứng DVMTR (chiếm khoảng 89,52% tổng diện tích có rừng trên địa bàn tỉnh). Nguồn thu từ tiền DVMTR từ năm 2012 đến nay được hơn 922,4 tỷ đồng đã góp phần tăng thêm nguồn lực tài chính cho các chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã triển khai các hoạt động phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, đồng thời có điều kiện mở rộng diện tích khoán cho người dân hưởng lợi. Nếu chính sách chi trả DVMTR được triển khai đồng bộ, rộng khắp sẽ thúc đẩy ngành lâm nghiệp tăng trưởng nhanh, bền vững, góp phần cải thiện chất lượng, môi trường rừng, diện tích rừng; đồng thời tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư”-Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh khẳng định.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu

Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu

(GLO)- Thời gian đã nhuộm màu mái tóc, song ký ức của một thời xếp bút nghiên lên đường chiến đấu vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính già. Sau 49 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, họ vẫn nhắc nhớ về những tháng ngày gian khổ mà rất đỗi tự hào.

Pleiku xây dựng làng nông thôn mới thông minh

Pleiku xây dựng làng nông thôn mới thông minh

(GLO)- Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, bộ mặt thôn làng ở TP. Pleiku đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Bình yên làng Lơ Pơ

Bình yên làng Lơ Pơ

(GLO)- Nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn, làng Lơ Pơ (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn còn giữ vẻ bình yên đến lạ. Để vào được làng, du khách phải men theo nhiều đoạn đường đất uốn lượn rồi vượt qua những con đường mòn vắt vẻo giữa đồi núi quanh co.

Hội chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ya Hội: Cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm

Hội chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ya Hội: Cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm

(GLO)-

Ngày 25 và 26-4, tại sân vận động xã Ya Hội (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) diễn ra hội chợ-giao lưu văn hóa, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là cơ hội để người dân giới thiệu, quảng bá văn hóa và sản phẩm của địa phương.

Ngành Y tế Gia Lai đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Ngành Y tế Gia Lai đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

(GLO)- Ngày 26-4, Sở Y tế Gia Lai tổ chức hội nghị đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh đối với các hoạt động thuộc lĩnh vực Y tế-Dân số năm 2023 và kế hoạch triển khai thực hiện năm 2024; triển khai kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030.
Kông Chro tiếp nhận 489 đơn vị máu an toàn

Kông Chro tiếp nhận 489 đơn vị máu an toàn

(GLO)-

Ngày 26-4, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Kông Chro phối hợp với Khoa Huyết học-Truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 1 năm 2024.

Rác thải điện tử về đâu?

Rác thải điện tử về đâu?

(GLO)- Trong khi cả thế giới đang loay hoay với cuộc chiến chống rác thải nhựa, rác thải thời trang thì một mối nguy khác đang ập tới, đó là rác thải điện tử.
Chư Prông: Hơn 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

Chư Prông: Hơn 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

(GLO)- Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Chư Prông chú trọng, phát động thường xuyên. Đến nay, huyện có trên 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2024.