Hãy tiếp sức cho cậu học trò vượt khó!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Sinh ra là một bản thể, đừng chết như một bản sao”-với châm ngôn sống ấy, em Trần Duy Kha, lớp trưởng lớp 12C5A Trường THPT chuyên Hùng Vương luôn dặn lòng phải nỗ lực trong học tập. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Kha đạt thành tích ấn tượng với điểm xét tuyển 3 môn đại học là 29,2 điểm. Nhưng chưa trọn niềm vui, em lại phải đeo khăn tang tiễn cha về với đất. Gia cảnh không mấy khá giả, với em, cánh cửa vào Đại học Y Hà Nội như thu hẹp lại.
Trần Duy Kha lớn lên ở huyện nghèo Kông Chro. Ba em là ông Trần Văn Tâm làm việc tại Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Kông H’De, xã Kông Yang, huyện Kông Chro. Ông phát hiện mắc bệnh ung thư gan từ hơn 1 năm trước, khi Kha bước vào năm học cuối cấp. Mẹ em là cô Hồ Thị Hoa Phượng-giáo viên Trường Tiểu học và THCS Lê Hồng Phong (xã Ya Ma, huyện Kông Chro). Sau Kha còn em gái đang học lớp 7. 
Ngay từ nhỏ, cậu học trò Trần Duy Kha đã học rất khá. Năm lớp 9, Kha giành giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn Hóa học. Sau khi thi đậu vào lớp chuyên Hóa Trường THPT chuyên Hùng Vương, Kha lên ở với bà nội tại TP. Pleiku để theo đuổi việc học. 3 năm THPT nối dài thành tích học tập của Kha với 12 năm liên tục là học sinh giỏi. Năm lớp 10, em giành huy chương đồng môn Hóa học tại cuộc thi Olympic truyền thống 30-4. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Kha trở thành niềm tự hào của nhà trường khi đạt 9,75 điểm môn Hóa học, cao nhất tỉnh; các môn Toán và Sinh học lần lượt là 9,2 và 9,5. Với tổng điểm 3 môn xét tuyển đại học là 29,2 (cộng thêm điểm ưu tiên vùng 0,75 điểm), em có cơ hội được xét tuyển vào Đại học Y Hà Nội. 
Trò chuyện cùng chúng tôi, Kha xúc động kể: Hơn 1 tháng trước, khi đang tập trung ôn thi thì ba emdđược bệnh viện trả về. Dù rất buồn nhưng em vẫn cố gắng kìm nén cảm xúc để đạt kết quả tốt nhất, mong làm ba vui. Có những đêm Kha ngủ chỉ 3-4 tiếng đồng hồ rồi lại bật dậy ôn bài. “Ba em tâm niệm: Sống thêm bao nhiêu ngày nữa không quan trọng, hơn hết là mình có thấy hài lòng với cuộc sống hay không. Ngày em đi thi, dù đau bệnh nhưng ba vẫn gắng gượng đưa đón. Khi biết kết quả thi của em, ba vui đến quên đau. Em đạt thành tích trên cũng có chút may mắn, lại luôn được ba quan tâm từng chút một”-Kha chia sẻ.  
Ước mơ vào Đại học Y Hà Nội của em Trần Duy Kha rất cần sự ủng hộ, tiếp sức của những nhà hảo tâm. Ảnh: Phương Duyên
Ước mơ vào Đại học Y Hà Nội của em Trần Duy Kha rất cần sự ủng hộ, tiếp sức của những nhà hảo tâm. Ảnh: Phương Duyên
Khi ba em qua đời, gia đình mất đi trụ cột kinh tế và điểm tựa tinh thần vững chắc nên không tránh khỏi cảnh chông chênh. Bức thư ba để lại với những dòng đầy yêu thương viết giữa những cơn đau: “Kha, Ly, hai con yêu quý của ba! Khi các con đọc những dòng chữ này ba đã đi về một nơi rất xa. Ba rất tiếc, rất tiếc và xin lỗi hai con vì không thể chăm sóc, bảo bọc và che chở cho các con đến lúc trưởng thành (…). Sau này khi ba không còn trên cõi đời này nữa, các con sẽ khó khăn hơn trong cuộc sống. Nhưng ba tin rằng các con của ba sẽ đủ bản lĩnh, kiên cường vượt qua tất cả (…). Kha của ba hãy cố gắng lên. Dù còn nhiều khó khăn, gian nan phía trước, ba tin tưởng con trai của ba sẽ đạt được ước mơ của mình và thành công (…). Các con phải hứa với ba là phải đoàn kết, thương yêu, sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau để vượt lên trong cuộc sống, trở thành chỗ dựa vững chắc cho mẹ và trở thành người có ích cho xã hội… Hai con cũng không nên đau buồn, bi quan khi ba không còn nữa mà hãy xem đấy là thử thách để các con kiên cường, bản lĩnh hơn…”. 
Giờ đây, gia đình Kha rơi vào cảnh khó ngặt do bao nhiêu tiền của tích góp đều đã đổ vào việc chữa trị cho ba. Đó cũng là lý do Kha quyết định đăng ký nguyện vọng 1 vào Đại học Y Hà Nội. Ngoài việc đây là ngôi trường hàng đầu cả nước đào tạo ngành Y, học phí tại đây cũng thấp hơn so với các trường ở TP. Hồ Chí Minh. Nói về ước mơ trở thành bác sĩ trong tương lai, Kha bộc bạch: “Em biết nghề Y rất vất vả. Có người cho rằng học Y thì sau này kiếm được nhiều tiền, nhưng đó không phải là mục tiêu của em. Em mong sau này sẽ là bác sĩ giỏi, giúp đỡ những người khó khăn như mình, đón nhận những tình cảm tốt đẹp và sự kính trọng của mọi người”. Song, lo lắng lớn nhất của Kha là mẹ không đủ khả năng nuôi em học đại học do còn phải lo cho em gái, chăm sóc bà nội đã 84 tuổi nay đau mai yếu. Môi trường học tập khắt khe của sinh viên trường Y khiến em cũng khó lòng sắp xếp thời gian làm thêm như những năm THPT để trang trải chi phí học tập.
Nghẹn lời khi nói về mong muốn hiện giờ, mẹ Kha cho hay: “Tôi chỉ mong có điều kiện nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng giờ cũng chưa biết ra sao”. Chân tình chia sẻ về hoàn cảnh học trò trước ngã rẽ lớn của cuộc đời, thầy Lê Văn Thành-giáo viên chủ nhiệm lớp 12C5A Trường THPT chuyên Hùng Vương-nói: “Kha là lớp trưởng rất năng nổ, trách nhiệm. Tinh thần, thái độ học tập của em cũng rất tốt, kết quả đạt được ở kỳ thi vừa qua thực sự ấn tượng. Nếu Kha được xét tuyển vào Đại học Y Hà Nội thì tôi rất mừng. Đây là ngôi trường mơ ước của nhiều sinh viên. Mong có thêm sự hỗ trợ để em tiếp tục theo đuổi con đường học tập”.  
Mọi sự giúp đỡ dành cho em Trần Duy Kha xin gửi về bà Hồ Thị Hoa Phượng (địa chỉ: 72 Trần Phú, thị trấn Kông Chro), số ĐT: 0342124245. Tài khoản: Hồ Thị Hoa Phượng, Agribank-Chi nhánh huyện Kông Chro, số tài khoản: 5013215010419.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chàng trai dân tộc Cao Lan với 'giấc mơ trà hoa vàng'

Chưa ai ở vùng núi Tuyên Quang từng nghĩ 'rước' chè hoa vàng tự nhiên từ rừng về nhân giống trong vườn nhà. Thế mà chàng trai dân tộc Cao Lan Lương Tiến Trung (thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại thành công hơn mong đợi từ ý nghĩ táo bạo này.
Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Cặp đôi gen Z làm kênh hoạt hình Việt

Hàng chục tập phim hoạt hình, mỗi tập thu hút hàng triệu lượt xem (views) chỉ sau hơn 1 năm thành lập kênh YouTube là thành quả đáng khích lệ với Phạm Thị Hoàng Hảo (sinh năm 1999) và Đặng Trọng Nhân (sinh năm 2000). 
Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.
Khấm khá nhờ... rắn độc

Khấm khá nhờ... rắn độc

Nghe tin anh Phan Thanh Bình - ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng - quyết định nuôi và kinh doanh rắn hổ mang, nhiều người quen biết đã can ngăn vì lo ngại loài này có nọc độc nguy hiểm nhưng anh vẫn thản nhiên.
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.