Chàng trai say mê nông nghiệp sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đam mê làm nông nghiệp sạch nên Nguyễn Hoàng Duy Lưu đầu quân về Khu nông nghiệp công nghệ cao ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP.HCM năm 2011.
Nguyễn Hoàng Duy Lưu bên khu vườn tại Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh: C.K.
Nguyễn Hoàng Duy Lưu bên khu vườn tại Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh: C.K.
Tôi không bi quan khi gặp thất bại. Khi ấy, tôi sẽ bàn bạc kỹ hơn với anh em cộng sự, lãnh đạo phòng. Cần thực hiện trước bước khảo nghiệm với các đối tượng dự định nghiên cứu; học hỏi thêm các kiến thức, tài liệu liên quan đến lĩnh vực và tìm phương pháp hỗ trợ, khắc phục sự cố.
Nguyễn Hoàng Duy Lưu
Anh vừa vinh dự được Thành đoàn TP.HCM vinh danh là gương "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" lần 5-2020.
Góp sức cùng nông nghiệp hiện đại
Mê mẩn với cây dưa lưới, Lưu đã làm chủ nhiệm công trình "Trồng dưa lưới trên giá thể trong nhà màng theo hướng công nghệ cao".
Quy trình này đảm bảo cho dưa phát triển mạnh, không bị sâu bệnh và tạo ra năng suất tốt. Khi thực hiện trên 1.000m2 trong một năm đạt gần 130 triệu đồng. Công trình từng được Trung ương Đoàn trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2013. "Công trình trên góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, cung cấp cho thị trường sản phẩm an toàn" - Lưu cho biết.
Vừa hoàn thành công trình, Lưu lại tham gia vào hai tiến bộ khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, đó là "Quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt" và "Quy trình kỹ thuật trồng ớt cay trên giá thể trong nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt".
Lưu chia sẻ: "Các sáng kiến áp dụng vào thực tiễn là sự đóng góp của tôi và các đồng nghiệp. Nếu như sáng kiến phục vụ để giải quyết khó khăn nhất định trong công tác chuyên môn thường thời gian nghiên cứu khoảng một năm, thì sáng kiến phục vụ cho việc xây dựng các quy trình kỹ thuật, công nghệ thường phải 2-3 năm, có thể đến 5 năm mới cho ra kết quả. Điều đó khiến chúng tôi quyết tâm đeo bám lâu".
Từ năm 2013, Lưu đã tham gia đội hình trí thức trẻ tình nguyện cấp thành. Anh phụ trách các chuyên đề tập huấn, giới thiệu cho thanh niên nông thôn và bà con nông dân về nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật trồng dưa lưới, rau ăn lá, rau mầm, cây cảnh...
Ở vai trò bí thư Đoàn, Lưu trực tiếp cùng các bạn tổ chức chương trình Trí thức khoa học trẻ tình nguyện, là đầu mối liên hệ, điều phối báo cáo viên (gồm các bạn trẻ công tác trong lĩnh vực cây trồng, vi sinh, thủy sản, chế biến...) để hỗ trợ các chuyên đề tập huấn của Thành đoàn cho những huyện ngoại thành, đặc biệt ở các xã xây dựng nông thôn mới.
Học lời hay, ý đẹp
Lưu kể khi học cấp II, bạn có sở thích sưu tầm và ghi chép các câu danh ngôn từ sách, từ các tờ lịch xé mỗi ngày. Khi đó, anh tâm đắc nhất câu nói của Bác được in trên một tờ lịch: "Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh; Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu".
Anh bảo câu nói ấy khi ứng với chuyện gia đình mình rất đúng, đạt được sự thành công rất gian nan nhưng giữ những thành quả đó càng khó khăn gấp bội.
Anh trai của Lưu từng thi đậu Đại học Bách khoa, là niềm tự hào của cả gia đình, vậy mà vì những cám dỗ bên ngoài khiến dở dang việc học. "Sau này mình vào làm trong cơ quan nhà nước, được học chính trị nhiều, lại càng thấm nhuần hơn. Bản thân cần phải cố gắng, quyết tâm hơn nữa, dù chưa lên đến đỉnh núi nhưng cũng đừng để trượt chân té nhào" - Lưu tự nhủ.
Để giúp học sinh có thêm chất liệu sinh động từ thực tế, Lưu làm đầu mối kết nối, đón tiếp các bạn từ chương trình "Chuyến xe tri thức" của Thành đoàn TP.HCM và tổ chức hoạt động cho hàng ngàn thanh thiếu nhi tham quan, trải nghiệm tại Khu nông nghiệp công nghệ cao. "Hi vọng sau mỗi chuyến trải nghiệm, các em sẽ hiểu hơn về nông nghiệp sạch, yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường" - Lưu nói.
Riêng năm qua anh có thêm ba sáng kiến: "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trong việc tư vấn, đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao", "Xây dựng quy trình trồng dưa lưới trên giá thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn, mặn tại Cần Giờ" và "Sử dụng dung dịch tảo và khoáng trong quy trình gieo ươm các giống cà tím, ớt, rau ăn lá, bầu, bí và khổ qua trong nhà màng".
Lưu cho biết mô hình dưa lưới tại Hợp tác xã Thuận Yến, xã An Thới Đông, Cần Giờ vẫn tiếp tục được thực hiện. Sáng kiến này được nhân rộng tại hộ dân khác ở xã Long Hòa, Cần Giờ trong năm 2020.
Anh Phạm Văn Linh, bí thư Đoàn khối Dân chính đảng TP.HCM, thông tin: "Không chỉ có nhiều sáng kiến trong chuyên môn, anh Duy Lưu còn tổ chức các hoạt động nhằm phát huy chuyên môn của đội ngũ nhà khoa học trẻ, đưa nông nghiệp công nghệ cao đến gần hơn với người dân, góp phần nâng cao hiệu quả nông nghiệp cho nông dân".
KIM ANH (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.