Chàng trai đam mê gìn giữ bản sắc người Rơ Ngao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sinh ra và lớn lên trong gia đình dân tộc Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Ba Na) có truyền thống lâu đời trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân gian ở làng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà), nên ngay từ nhỏ, anh A Thuê (sinh năm 1991) đã biết hát cũng như biểu diễn các loại nhạc cụ của dân tộc. Giờ đây, anh đang tiếp nối truyền thống của gia đình gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
Sau khi học xong trung cấp nghề và bổ túc chương trình văn hóa cấp 3 ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, anh A Thuê quyết định trở về quê, hỗ trợ ông của mình là nghệ nhân ưu tú A Thui truyền dạy âm nhạc truyền thống của dân tộc cho trẻ em trong làng. Anh quay và dựng các video về đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của bà con trong làng, sau đó tải lên mạng xã hội để lưu trữ, giới thiệu và quảng bá những nét đẹp văn hóa của dân tộc Rơ Ngao đến với mọi người.
Sau bữa cơm tối mỗi ngày, anh A Thuê lại cặm cụi ngồi trong căn phòng nhỏ khoảng 12m2 để soạn thêm những bài nhạc mới. Anh viết lời nhạc bằng tiếng Rơ Ngao và tiếng Việt, dựa trên bài nhạc gốc do nghệ nhân ưu tú A Thui sáng tác, nhằm giúp các em nhỏ trong làng có tài liệu khi theo học lớp âm nhạc truyền thống do chính nghệ nhân ưu tú A Thui truyền dạy.
Trước kia, khi truyền dạy âm nhạc truyền thống, nghệ nhân ưu tú A Thui chỉ dùng 2 cuốn sổ chép nhạc được viết bằng tay mà ông lưu trữ lâu nay để làm tài liệu cho các em nhỏ trong làng xem và học. Nhưng hiện nay, nhờ có các bài nhạc do anh A Thuê soạn thêm nên các em nhỏ trong làng đều có tài liệu học riêng cho mình.
 
Anh A Thuê đang soạn nhạc cùng ông của mình là nghệ nhân ưu tú A Thui. Ảnh: Đ.T
Anh A Thuê đang soạn nhạc cùng ông của mình là nghệ nhân ưu tú A Thui. Ảnh: Đ.T
Không chỉ soạn nhạc, A Thuê cùng nghệ nhân A Thui tích cực truyền dạy âm nhạc truyền thống cho các em nhỏ, đồng thời trợ giảng bằng cách hát và biểu diễn các nhạc cụ, như cồng chiêng, t’rưng, ting ning, k’lông pút, guitar, organ. A Thuê còn dùng điện thoại tự quay lại cảnh các buổi truyền dạy âm nhạc truyền thống của nghệ nhân ưu tú A Thui vừa để làm tư liệu, vừa để tuyên truyền, giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc lên mạng xã hội.
Kênh youtube tên “A Thue – Kon Trang Long Loi” được anh A Thuê lập từ tháng 3/2014. Đến nay, kênh có hơn 11.000 người đăng ký theo dõi, 120 video với gần 3,8 triệu lượt xem.
Nhắc đến cháu mình, nghệ nhân ưu tú A Thui chia sẻ, bản thân ông và các thành viên trong gia đình đều vui và tự hào về A Thuê. Vì A Thuê đã làm rất tốt việc gìn giữ, bảo tồn và quảng bá bản sắc văn hóa của dân tộc Rơ Ngao. “Từ khi còn nhỏ, A Thuê đã bộc lộ năng khiếu và tình yêu với âm nhạc truyền thống, văn hóa dân gian sau những lần xem tôi và các thành viên trong gia đình là nghệ nhân ưu tú Y Giáp, nghệ nhân ưu tú A Thiểu (đã mất) và đặc biệt là cha của cháu là A Gyuit- người hát rất hay và chơi các nhạc cụ rất giỏi biểu diễn”, ông nói.
 
Ngoài soạn nhạc, anh A Thuê còn quay và dựng video về văn hóa của người Rơ Ngao để đăng lên youtube. Ảnh: Đ.T
Ngoài soạn nhạc, anh A Thuê còn quay và dựng video về văn hóa của người Rơ Ngao để đăng lên youtube. Ảnh: Đ.T
“A Thuê từng khiến các thành viên trong gia đình và dân làng bất ngờ khi lần đầu tiên biểu diễn hát và chơi đàn organ lúc 14 tuổi. A Thuê trầm tính, rất ít khi chia sẻ hay tâm sự với mọi người. Nên khi thấy A Thuê hát và chơi đàn organ tốt, ai cũng vui và xúc động”, nghệ nhân ưu tú A Thui nói tiếp.
Nghệ nhân ưu tú A Thui nay đã lớn tuổi, nhưng ông vẫn cần mẫn truyền dạy âm nhạc truyền thống cho trẻ em trong làng. Đến nay, ông tham gia việc truyền dạy cho trẻ em trong làng Kon Trang Long Loi đã hơn 20 năm với 3 lớp học và tổng số lượng 42 em. Nhờ A Thuê nên việc truyền dạy cũng thuận lợi và hiệu quả hơn.
A Thuê chia sẻ, anh đang soạn lại các bài hát, bài chiêng cổ từ 2 cuốn sổ chép nhạc được nghệ nhân ưu tú A Thui viết để đóng thành 2 cuốn sách hoàn chỉnh, đồng thời, tiếp tục quay và dựng thêm nhiều video về âm nhạc, phong tục tập quán, lễ hội, sự kiện quan trọng của làng và các gia đình trong làng để phục vụ cho việc lưu trữ và in sao tài liệu truyền dạy cho thế hệ sau này.
 “Tôi sẽ mãi yêu nghề, yêu âm nhạc và tiếp nối, phát huy truyền thống của gia đình để góp phần gìn giữ và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Rơ Ngao”, anh  A Thuê nói.
ĐỨC THÀNH (baokontum.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.