Câu chuyện giáo dục: Những người thầy ở Kon Pling

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Hiếu, H.Kon Plong, Kon Tum có một điểm trường chính và một điểm trường phụ ở làng Kon Pling.

 

Thầy Nhất trong một buổi lên lớp tại điểm trường Kon Pling -ẢNH: ĐỨC NHẬT
Thầy Nhất trong một buổi lên lớp tại điểm trường Kon Pling -ẢNH: ĐỨC NHẬT




Hai điểm trường này cách nhau trên 20 cây số đường rừng và điểm trường Kon Pling là một trong những nơi xa xôi nhất của tỉnh Kon Tum.

Ở điểm trường Kon Pling có 5 thầy cô giáo từ dưới xuôi lên dạy học từ nhiều năm qua. Điểm trường này có 5 lớp với 61 học sinh. Cứ chiều thứ sáu, các thầy cô giáo mới cưỡi xe máy vượt hơn trăm cây số đường rừng về thăm nhà, chiều chủ nhật lại cặm cụi trở lại trường.

Không cần kể dài dòng cũng biết những thầy cô giáo đã gian nan, vất vả thế nào khi bám làng gieo chữ trong hành trình xa xôi, bất trắc như vậy. Tuy cuộc sống kham khổ, thường xuyên xa nhà nhưng các thầy cô giáo ấy vẫn yêu nghề, yêu trẻ. Trong đó, thầy Hà Anh Nhất là người có thâm niên nhất ở điểm trường Kon Pling. Từ năm 2004, thầy đã về đây “gõ đầu trẻ” và gắn bó đến nay. Quãng đường từ nhà đến trường của thầy Nhất là… 130 cây số đường rừng, chủ yếu là đèo, dốc rất nguy hiểm, mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì lầy lội. Thầy Nhất có 2 con nhỏ, vì thầy thường xuyên xa nhà nên vợ đành ở nhà làm nông để tiện chăm sóc các con.

Theo cô Đỗ Thị Kim Tuyến, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Hiếu, thầy Nhất là giáo viên năng nổ, nhiệt huyết và có tâm với nghề. Thấy thầy bám điểm trường Kon Pling quá lâu, nhà trường đã bố trí thầy về giảng dạy ở điểm trường chính tại xã Hiếu cho rút ngắn quãng đường, gần nhà hơn nhưng thầy và 2 thầy giáo khác vẫn xung phong ở lại Kon Pling, nhường suất giảng dạy tại điểm trường chính cho các cô giáo.

Lý do của các thầy thật đơn giản: Phần vì thương học trò, phần vì nếu các thầy về điểm trường chính, các cô giáo khác sẽ phải vào thay thế. Mà với quãng đường rừng mấy chục cây số sẽ là một thử thách không nhỏ đối với phụ nữ.

Hành động của các thầy giáo ở Kon Pling là quá đẹp, quá nhân văn, ấm áp tình người, tình đồng nghiệp, rất xứng đáng được tôn vinh. Nghề giáo là một nghề luôn cao quý, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Không cần những chuyện to tát, chỉ cần với việc nhường chỗ cho các nữ đồng nghiệp, nhận về mình phần gian khó hơn, các thầy giáo ở Kon Pling đã làm toát lên phẩm chất cao quý của người thầy đúng nghĩa.

 

Huỳnh Thúc Giáp (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm