Cảnh báo nguy cơ trượt tốt nghiệp lớp 12

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gần 32% số bài thi khảo sát lớp 12 của Hà Nội dưới điểm trung bình, trong đó có hàng nghìn bài thi bị điểm liệt. Một trong những nguyên nhân chính là do đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 có cấu trúc, định dạng mới.

Gần 52% bài thi Toán dưới điểm trung bình

Tại hội nghị về công tác tuyển sinh đầu cấp và thi tốt nghiệp THPT năm học 2025-2026, ông Hà Xuân Nhâm, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố phổ điểm kết quả kì kiểm tra khảo sát chất lượng lớp 12 toàn thành phố năm học 2024-2025. Kì thi được tổ chức trong các ngày 21-23/3 với trên 98% học sinh lớp 12 dự thi (hơn 118.000 thí sinh).

Điểm trung bình các môn dao động từ trên 5,0-7,0. Trong đó, môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật điểm trung bình cao nhất 7,08, thấp nhất là môn Toán 5,1. Toàn thành phố được chia thành 16 cụm thi, cụm THPT Đống Đa có kết quả cao hơn trung bình chung toàn thành phố 14/14 môn thi; có 7/14 môn điểm trung bình cao nhất thành phố. Các cụm THPT có điểm trung bình kiểm tra thấp nhất như: Đông Anh, Sơn Tây - Ba Vì; Đan Phượng - Phúc Thọ; Ứng Hòa - Mỹ Đức.

Số bài thi đạt điểm tuyệt đối 10/10 rất ít, đạt tỉ lệ chưa đến 0,1% (389 bài). Số bài đạt từ điểm 8 trở lên chiếm gần 8%. Số bài đạt từ điểm 4 đến dưới 8 chiếm tỉ lệ lớn, gần 86%. Tỷ lệ bài thi đạt điểm dưới trung bình (dưới 5) chiếm gần 32%. Trong đó, nhóm thí sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp lớp 12 khá cao như số bài có điểm dưới 3 chiếm tới gần 7%, điểm liệt (0-1) chiếm gần 1% (khoảng hơn 4.220 thí sinh). Toán là môn có điểm dưới trung bình cao nhất với gần 52%. Tỷ lệ điểm dưới trung bình ở môn Ngữ văn là trên 34%.

hny-9362-5921-6488.jpg
Học sinh Hà Nội thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: NHƯ Ý

Phân tích từ đề thi cho thấy, hình thức đề thi đảm bảo đúng cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT, trong đó, bám sát đề thi tham khảo của Bộ. Nội dung đề thi chính xác, khoa học, bám sát định hướng dạy học phát triển năng lực; tăng cường tính thực tiễn, yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề; được đánh giá cao bởi nhà trường, giáo viên, học sinh và dư luận xã hội; có giá trị tham khảo tốt.

Đánh giá chung, kết quả kiểm tra khảo sát chất lượng toàn thành phố năm nay thấp hơn so với năm ngoái. Nguyên nhân được cho là có sự thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông 2018 so với chương trình giáo dục phổ thông 2006 trong cấu trúc đề thi, nội dung thi, hình thức thi….

Nằm trong dự liệu

Trao đổi về kết quả của đợt khảo sát vừa qua, thầy N.M.H, giáo viên dạy Toán tại một trường THPT của Hà Nội khẳng định không bất ngờ, đặc biệt là môn Toán, có tới trên 50% bài thi đạt từ điểm 5 trở xuống. Định dạng đề thi có sự thay đổi bao gồm các dạng câu hỏi nhiều lựa chọn; câu hỏi trả lời đúng/sai; câu hỏi trả lời dạng ngắn. Trong đó, ở phần câu hỏi trả lời đúng/sai thí sinh rất dễ mất điểm, chỉ học sinh thực sự giỏi mới có thể kiếm điểm tốt, thí sinh khá/trung bình rất dễ nhầm lẫn. Phần câu hỏi nhiều lựa chọn cũng đã có sự phân hóa nhất định. Thầy H dự báo điểm thi tốt nghiệp năm nay không bằng năm trước.

32% bài thi có điểm dưới trung bình, Hà Nội cảnh báo nguy cơ trượt tốt nghiệp lớp 12 năm nay. Năm trước, toàn thành phố có 205 thí sinh trượt tốt nghiệp thuộc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Ông Hà Xuân Nhâm cho rằng, từ kết quả khảo sát, nhà trường cần tập trung rà soát, phân loại trình độ học sinh để có phương án tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh thi tốt nghiệp đạt hiệu quả; trong đó chú ý “độ phủ” kiến thức ôn tập ở các môn theo hướng dẫn, theo các chủ đề đã được tập huấn chuyên môn của Sở GD&ĐT Hà Nội. Công tác ôn tập cần quan tâm tới việc hướng dẫn học sinh phương pháp giải quyết các câu hỏi dạng thức trả lời đúng/sai, trong đó, giáo viên cần xây dựng câu hỏi tăng dần mức độ khó. Xây dựng hệ thống câu hỏi ôn tập bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình GDPT 2018, cần tập trung rèn luyện cho học sinh những câu hỏi có ý nghĩa thực tiễn, liên môn; sử dụng kiến thức đã học để giải quyết các bài toán thực tiễn.

Về đề thi trắc nghiệm với dạng thức câu hỏi mới, thầy Nguyễn Trung Sỹ, giáo viên dạy Toán, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định, phân tích, phần I của đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo ma trận Bộ GD&ĐT công bố gồm 12 câu trắc nghiệm trả lời nhiều lựa chọn, học sinh chỉ cần học, nắm chắc kiến thức cơ bản trong SGK. Phần II trắc nghiệm trả lời đúng/sai gồm 4 câu hỏi với 4 ý/câu, học sinh nên tập trung vào 4 chủ đề: hàm số, ứng dụng của tích phân, xác suất có điều kiện và phương pháp tọa độ trong không gian. Trong phần này, các ý hỏi trong mỗi câu được xây dựng theo độ khó tăng dần và các ý hỏi phụ thuộc lẫn nhau.

Phần III dạng thức trắc nghiệm trả lời ngắn có 6 câu hỏi. Thầy Sỹ nhắc thí sinh tập trung vào các vấn đề như ứng dụng của đạo hàm, nguyên hàm tích phân, xác suất có điều kiện, các bài toán quy hoạch tuyến tính, các bài toán tối ưu, các bài toán sử dụng phương pháp tọa độ trong SGK giải quyết các vấn đề thực tiễn. Muốn làm tốt các bài toán trong phần III, thầy Sỹ cho rằng, thí sinh cần luyện tập các kĩ năng giải bài toán bằng mô hình hóa toán học. Thí sinh nên đọc thêm các chủ đề của sách chuyên đề lớp 11, 12.

Theo NGHIÊM HUÊ (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương được xét tuyển thẳng vào Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh năm 2025

Học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương được xét tuyển thẳng vào Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh năm 2025

(GLO)- Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh vừa công bố thông tin sẽ dành 15% chỉ tiêu để xét tuyển thẳng năm 2025, trong đó ưu tiên tuyển học sinh thuộc 149 trường THPT trên cả nước bằng điểm học bạ. Tỉnh Gia Lai có Trường THPT chuyên Hùng Vương nằm trong danh sách ưu tiên này.