Cẩn trọng chọn môn thi tốt nghiệp THPT

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo hiệu trưởng các trường THPT, năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh được lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT nên cần được tư vấn, định hướng cẩn thận, tránh chọn theo cảm tính, số đông vì việc này tác động đến lựa chọn ngành.

Em Chu Vân Anh, học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội dự kiến thi khối D nên ngoài 2 môn bắt buộc Văn, Toán em chọn Ngoại ngữ và một môn trong tổ hợp Khoa học xã hội là Lịch sử hoặc Địa lý để dự thi tốt nghiệp. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chỉ còn 4 môn thi nên học sinh cảm thấy được giảm áp lực, dành nhiều thời gian cho các môn thi xét tuyển ĐH cũng như ôn các môn phục vụ cho kỳ thi đánh giá năng lực của các trường ĐH.

Năm học này là năm đầu tiên thí sinh thi theo phương án mới
Năm học này là năm đầu tiên thí sinh thi theo phương án mới

Ông Nguyễn Văn Thuần, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) chia sẻ, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã trao đổi với học sinh, phụ huynh về phương án thi mới nhằm có sự chuẩn bị cả về tâm lý lẫn kế hoạch học tập. Qua khảo sát nguyện vọng đầu năm về việc lựa chọn 2 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cho thấy, học sinh không quá khó khăn để lựa chọn.

Ngoài 2 môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán, những em học khối Khoa học tự nhiên sẽ chọn thêm Lý, Hóa, hoặc Hóa, Sinh hay Lý, Anh… để vừa phục vụ thi tốt nghiệp vừa tạo thành những tổ hợp xét tuyển ĐH phù hợp. Tương tự, các em ở tổ hợp Khoa học xã hội sẽ chọn các môn thi liên quan như: Lịch sử, Địa lý…

Điều đáng nói, trong số gần 500 học sinh lớp 12 năm nay, không có em nào chọn những môn như: Tin học, Công nghệ. “Lựa chọn môn thi nào là quyền của học sinh, tuy nhiên trước đó nhà trường cũng tuyên truyền để học sinh hiểu, việc lựa chọn môn thi cần bám sát năng lực của bản thân cũng như định hướng nghề nghiệp. Thầy cô cũng khuyên học sinh phải suy nghĩ thật kỹ, không nên chọn cho xong vì liên quan đến định hướng nghề nghiệp về sau”, ông Thuần nói.

Phương án thi Tốt nghiệp từ năm 2025 đã được Bộ GD&ĐT quyết định, thí sinh thi 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Cũng theo ông Thuần, với phương án thi mới đa số học sinh, phụ huynh đều phấn khởi vì thi ít môn, các em có thể dành thời gian, tâm sức cho môn thi. Với chương trình mới, việc phân tổ hợp ngay từ khi học sinh vào lớp 10 nên các em có định hướng rõ rệt, không khó khăn khi lựa chọn môn thi.

Không a dua theo bạn bè

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Hiệu trưởng Trường THPT Đại Cường, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết, vì năm đầu tiên áp dụng phương án thi mới nên nhà trường đã thông báo để học sinh nghiên cứu, chuẩn bị đăng ký môn thi tự chọn.

Từ đó, nhà trường xếp lớp và có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng học sinh chuẩn bị cho kỳ thi. Trong quá trình đó, học sinh có thể thay đổi môn lựa chọn, tuy nhiên thầy cô vẫn khuyên học sinh nên chọn những môn phù hợp với tổ hợp xét tuyển ĐH và là môn thế mạnh để có kết quả tốt.

“Phương án thi mới, ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc nên cả thầy và trò đều cảm thấy như trút được gánh nặng vì những năm trước, điểm thi trung bình môn ngoại ngữ của học sinh chỉ nằm ở mức lẹt đẹt 3-4 điểm. Ở vùng ngoại thành khó khăn, chỉ có ít em có điều kiện đi học thêm và năng lực ngoại ngữ tốt”, thầy Quyền nói.

Cũng theo thầy Quyền, dù Bộ GD&ĐT trao quyền cho học sinh lựa chọn 2 môn thi trong số các môn còn lại nhưng dự đoán, các môn khó như: Tin học, Công nghệ, Sinh học… sẽ có ít học sinh chọn bởi vì những môn này khó học, khó đạt điểm cao cũng như ít tổ hợp xét tuyển ĐH.

Tương tự, thầy Đỗ Tiến Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Lạc (Vĩnh Phúc) chia sẻ, sắp tới nhà trường sẽ tổ chức khảo sát lựa chọn môn học để biết tỉ lệ học sinh chọn thi những môn nào. Để lựa chọn tốt, từ đầu năm học, thầy cô cũng đã thông tin đến học sinh, phụ huynh phương án thi mới và nhấn mạnh, việc lựa chọn môn thi cần căn cứ vào năng lực, sở trường của học sinh cũng như xu hướng ngành nghề trong xã hội. Từ đó, các em lựa chọn môn thi đúng đắn, tránh chọn a dua, cảm tính, chạy theo đám đông.

Nhiều hiệu trưởng cũng cho rằng, từ kinh nghiệm quản lý, nhà trường sẽ tổ chức buổi tư vấn hướng nghiệp cho cả học sinh, phụ huynh để tuyên truyền việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp gắn liền với các tổ hợp xét tuyển ĐH. Trước khi lựa chọn, gia đình cần xác định được định hướng nghề nghiệp cho các em. Các trường học có điều kiện còn mời chuyên gia từ các trường ĐH đến trao đổi, trò chuyện, gợi mở cho học sinh về đặc thù các ngành nghề ngay từ đầu năm học để các em có cái nhìn đa chiều và lựa chọn nghề đúng đắn.

Theo Hà Linh (TPO)

Có thể bạn quan tâm

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non với nhiều điểm mới. Theo dự thảo, chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.

Học viên Lào trên đất Gia Lai

Học viên Lào trên đất Gia Lai

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Binh đoàn 15 đã tiếp nhận đào tạo cho 100 học viên đến từ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Dẫu khác nhau về phong tục tập quán nhưng các học viên đã nhanh chóng hòa nhập và tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích để góp phần xây dựng đất nước.

Cửa liên thông đại học sắp 'thông'

Cửa liên thông đại học sắp 'thông'

Với những quy định rõ ràng, chi tiết được thể hiện trong dự thảo Nghị định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, hứa hẹn con đường liên thông sắp tới sẽ không còn nhiều điểm 'tắc' như thời gian qua.