Cần quan tâm bảo hộ tài sản trí tuệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và những bài học kinh nghiệm thực tế của một số nhãn hiệu đã mất ở thị trường nước ngoài, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã nhận ra tầm quan trọng và lợi ích mang lại của tài sản trí tuệ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số doanh nghiệp đã lập hồ sơ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ như: Công ty cổ phần Cà phê Thu Hà, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, cà phê L’amant của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp... 
Không chỉ doanh nghiệp lớn mà các cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp như: bò Krông Pa, rau Đak Pơ, khoai lang Lệ Cần Đak Đoa, gạo Ia Lâu (Chư Prông), chôm chôm Ia Grai, gạo Ba Chăm (Mang Yang), chanh dây Gia Lai, cà phê Gia Lai… cũng đang dần xác lập quyền sở hữu công nghiệp và chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.
Thời gian gần đây, tỉnh đã quan tâm thúc đẩy, khuyến khích năng lực sáng tạo, sáng kiến, sáng chế của người dân thông qua việc thường xuyên tổ chức các cuộc thi. Đáng chú ý là cuộc thi sáng tạo kỹ thuật. Cuộc thi này được tổ chức từ năm 2013 đến nay, định kỳ 2 năm 1 lần, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban tổ chức hội thi. Theo PGS-TS. Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, qua cuộc thi, ông nhận thấy nhiều cá nhân, tổ chức có những sáng kiến rất giá trị thuộc các lĩnh vực y dược, cơ khí-điện-công nghệ thông tin, hóa học, nông nghiệp… Những sáng kiến này đều đưa ra giải pháp có ý nghĩa thực tiễn, có thể ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống. 
Tuy nhiên, theo nhận định của PGS-TS. Nguyễn Danh: “Tại Gia Lai, vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT) chưa được coi trọng vì các công trình sáng tạo chưa nhiều, tiếp nữa là chủ thể sáng tạo chưa quan tâm đến việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Người dân chưa thấy hết tầm quan trọng của việc quản lý và phát triển loại tài sản vô hình này. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ nên chưa chú trọng đến vấn đề bản quyền. Có những trường hợp biết công trình, sản phẩm của mình bị vi phạm nhưng ngại khiếu kiện.
Đóng gói sản phẩm cà phê L’amant tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Ảnh: Khang Nghi
Đóng gói sản phẩm cà phê L’amant tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Ảnh: Khang Nghi
Giai đoạn 2018-2020, toàn tỉnh có gần 500 nhãn hiệu, sáng chế đăng ký bảo hộ, trong đó có khoảng 160 nhãn hiệu, sáng chế được cấp bằng bảo hộ. Nhưng đó là những con số còn khiêm tốn. “Tỉnh ta là tỉnh nông nghiệp, cần phải có nhiều hơn những sáng chế, sáng kiến trong lĩnh vực thế mạnh này để thúc đẩy nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới. Tỉnh cũng nên có những cơ chế khuyến khích sáng tạo. Đồng thời, khi đã có sản phẩm sáng tạo, các chủ thể nên liên hệ với Sở Khoa học và Công nghệ để được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, bởi đó là quyền lợi của chính mình-quyền SHTT”-PGS-TS. Nguyễn Danh định hướng.
Hiện tại, Luật SHTT đang tiếp tục được sửa đổi, trong đó lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả các cam kết SHTT trong các hiệp định thương mại tự do đặc biệt thế hệ mới mà Việt Nam tham gia gần đây. Tham gia ý kiến vào việc sửa đổi này, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật đã có nhiều đề xuất, trong đó đáng chú ý là nên có phân cấp, phân quyền những thủ tục hành chính đơn giản về cho địa phương như: đăng ký nhãn hiệu thông thường hoặc thủ tục nhận và trả hồ sơ đăng ký SHTT; cần có quy định về việc giả mạo kiểu dáng công nghiệp và giống cây trồng; có chế tài đủ mạnh về xâm phạm quyền SHTT để nâng cao tính răn đe và góp phần bảo đảm tốt môi trường kinh doanh. 
Những sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn của Luật SHTT chắc chắn sẽ là động lực để các chủ thể sáng tạo trên địa bàn tỉnh chú trọng hơn đến vấn đề này. “Tất nhiên, bên cạnh sự nỗ lực sáng tạo của các tổ chức, cá nhân thì cần sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp để đảm bảo sự bảo hộ cho tài sản trí tuệ của chủ thể”-PGSTS. Nguyễn Danh nêu quan điểm.
KHANG NGHI

Có thể bạn quan tâm