Cần gỡ khó cho thanh niên Krông Pa khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giàu khát vọng vươn lên nhưng hành trình khởi nghiệp của nhiều bạn trẻ ở huyện Krông Pa lại đang gặp khó khăn, thử thách. Để nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công, ngoài nỗ lực của bản thân, thanh niên huyện Krông Pa rất cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Khát vọng khởi nghiệp
Tốt nghiệp Đại học Nông Lâm (Đại học Huế), anh Võ Đình Sơn (tổ dân phố 9, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) đi làm cho một số công ty chuyên kinh doanh thuốc thú y và phụ trách kỹ thuật cho một trang trại chăn nuôi tại tỉnh Bình Định. Trong quãng thời gian này, anh luôn ấp ủ ý định mở một trang trại chăn nuôi của riêng mình. Khi nghe Sơn bày tỏ ý định này, cậu em trai là Võ Đình Long rất ủng hộ. Dù đã tốt nghiệp ngành Du lịch tại một trường đại học ở Nha Trang và đang có việc làm đúng chuyên môn nhưng Long quyết định trở về Krông Pa để cùng anh mở trang trại.
Thấy 2 con đang có việc làm ổn định lại quay về nhà làm nông, ba mẹ Sơn không đồng ý. Nhưng người anh trai cả là Võ Đình Giang thì lại ủng hộ và cùng góp sức với 2 em. “Năm 2016, chúng tôi phải vay lãi “nóng” 200 triệu đồng để đầu tư làm chuồng trại, mua gà giống, thức ăn… Tôi chọn giống gà Bình Định để nuôi bởi chúng cho chất lượng thịt thơm ngon, nhanh lớn, ít bệnh tật”-anh Sơn cho biết. Khi mở trang trại chăn nuôi, một tay Long phải đảm đương mọi việc, còn anh Giang và anh Sơn vẫn đi làm kiếm tiền gửi về đầu tư.
 Anh Võ Đình Long trong trang trại nuôi gà thương phẩm tại tổ 9, thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa). Ảnh: Đ.V
Anh Võ Đình Long trong trang trại nuôi gà thương phẩm tại tổ 9, thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa). Ảnh: Đ.V
Lứa gà đầu tiên, phần bị dịch bệnh, phần chưa có kinh nghiệm trong việc kiểm soát lượng thức ăn, thời gian xuất bán sản phẩm nên anh em Long lỗ hơn 70 triệu đồng. “Tôi tự động viên mình: ngã sau đau hơn ngã trước. Vậy là tôi tiếp tục lao vào làm để kiếm tiền trả nợ. Một tháng sau, lứa gà kế tiếp xuất chuồng, anh em tôi thu được 40 triệu đồng”-Long nói. Thành quả dù nhỏ nhưng đã tiếp thêm sự tự tin để 3 anh em Long theo đuổi hướng đi đã chọn. Đến nay, trang trại nuôi gà thả vườn họ đã phát triển quy mô lên 1.000 con mỗi năm.
Gà thương phẩm được Long đem đi chào hàng tại các chợ, nhà hàng tiệc cưới, quán nhậu trên địa bàn huyện Krông Pa và được đánh giá cao. Năm 2017, doanh thu từ trang trại đạt 130 triệu đồng, lợi nhuận 50 triệu đồng. “Thấy chúng tôi làm ăn có lãi, ba mẹ đồng ý cho thế chấp 3 ha đất nông nghiệp để có vốn mở rộng trang trại nuôi gà, dê, bò kết hợp trồng trọt. Chúng tôi sẽ dành một phần diện tích đầu tư trồng cây măng tây bởi đây là loại cây trồng tương đối mới mẻ ở địa phương, lại có giá trị kinh tế cao”-Long chia sẻ dự định.
Cần cơ chế hỗ trợ

Anh Kpah Tâm-Bí thư Huyện Đoàn Krông Pa: “Hiện nay chưa có chính sách tín dụng với lãi suất ưu đãi hay các chương trình tín dụng dành riêng cho đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp. Tuy nhiên, đáng mừng là ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Đây là cơ sở đem đến sự thay đổi tích cực trong tư duy phát triển kinh tế của đoàn viên, thanh niên huyện Krông Pa thời gian tới”.

“Chúng tôi rất đồng cảm với các bạn trẻ bởi quyết định khởi nghiệp ở một vùng đất khó khăn như Krông Pa chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhiều mô hình có tính thực tế cao song họ không dễ vượt qua được những rào cản đầu tiên như: vốn, thị trường tiêu thụ... Bởi vậy mà trong tổng số hơn 2.200 đoàn viên, thanh niên của thị trấn Phú Túc thì số người lựa chọn khởi nghiệp tại quê nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay”-chị Nguyễn Thị Lý-Bí thư Đoàn thị trấn Phú Túc-chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, anh Kpah Tâm-Bí thư Huyện Đoàn Krông Pa-cho rằng: “Không riêng anh em Long, thanh niên Krông Pa khởi nghiệp hầu hết đều phải đối mặt với nhiều thử thách. Điều kiện tự nhiên không thuận lợi, các bạn trẻ khởi nghiệp thực sự rất khó khăn về lựa chọn hướng đi, nguồn vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ…”.
Để vượt qua khó khăn, đoàn viên thanh niên huyện Krông Pa khi bắt tay khởi nghiệp rất cần sự chung tay, góp sức từ nhiều phía. “Các chương trình hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp tại địa phương còn nhiều hạn chế bởi chính sách tín dụng có những yêu cầu nhất định mà thanh niên khởi nghiệp chưa đáp ứng được. Trong khi đó, nguồn vốn luôn là điểm tựa quan trọng tạo nên sức bật cho một dự án khởi nghiệp. Bên cạnh đó, với những trường hợp đoàn viên thanh niên chưa qua đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp… cần có những chương trình đào tạo nghề phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn lao động. Sẽ tốt hơn nếu các chương trình đào tạo liên kết được với các đơn vị có nhu cầu nhân lực, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm”-Bí thư Đoàn thị trấn Phú Túc nói.
Đoàn Viên

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.