Cấm nhận quà không đúng quy định: Không phải đề ra rồi để đó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thanh tra Chính phủ vừa đưa ra tham vấn các tổ chức quốc tế về Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng-chống tham nhũng năm 2018. Một trong những nội dung được chú ý là “cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ quyền hạn phải từ chối khi nhận được quà tặng không đúng quy định”. Quy định này nhằm siết chặt, phòng ngừa xảy ra hành vi tham nhũng. Vấn đề là làm thế nào để quy định được thực thi, tránh chuyện đề ra rồi để đó.
Hàng chục năm nay, trước Tết Nguyên đán, dường như năm nào, Ban Bí thư cũng ra chỉ thị nhắc nhở “không dùng ngân sách để làm quà biếu cấp trên”. Gần đây nhất, trước Tết 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phát biểu yêu cầu “các địa phương không được về Hà Nội chúc Tết” với mong muốn tạo nên hình ảnh mới mẻ về một Chính phủ sạch, một bộ máy làm việc không phải vì quà.
Quyết tâm là vậy nhưng hiệu quả thực sự của những chỉ thị này xem ra chưa được như kỳ vọng.
Theo Thanh tra Chính phủ, sau 10 năm thực hiện Quyết định số 64/QĐ-TTg ngày 10-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức, chỉ có vài chục người mang trả lại quà tặng với tổng giá trị vài trăm triệu đồng. Năm 2018, tức là ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “các địa phương không được về Hà Nội chúc Tết” thì cũng chỉ 10 người nộp lại quà tặng với tổng giá trị 145 triệu đồng. Những con số mà ai nghe cũng biết là không thực tế về tính hiệu lực, hiệu quả thực sự của quy định, về quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, về tính nêu gương của cán bộ, đảng viên, về vai trò giám sát của Mặt trận, đoàn thể trong cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng.
Một khi quà cáp đã vượt ra ngoài giới hạn của chuyện tình cảm, sự biết ơn ai đó đã giúp mình một việc gì trong cuộc sống mà trở thành mối quan hệ có qua có lại trong chuyện làm ăn, chạy dự án, chạy kinh phí… thì đâu dễ gì người ta lại tự khai ra những món quà có giá trị lớn để rồi bị quy là hối lộ, tham nhũng. Cũng chẳng ai dại gì mà tự giác nộp lại những món quà bạc tỷ được chia chác từ những phi vụ bẩn, những cái bắt tay dưới gầm bàn. Thực tế cho thấy, khi tính tự giác, sự liêm sỉ là một thứ gì đó quá xa xỉ với những quan chức kiểu này thì xin đừng trông mong vào sự tự giác từ chối nhận quà không đúng quy định. Một khi quà tặng đã bị biến tướng, trở thành vỏ bọc mỹ miều cho những toan tính vụ lợi, là chuyện “bà đưa chân giò, ông thò chai rượu”… để được việc cho nhau thì chỉ thị có đường đi của chỉ thị, quà cáp có đường đi riêng của quà cáp.
Từ chối hay nhận quà là do thái độ và bản lĩnh của mỗi người. Nếu cương quyết ngay từ đầu, người ta cũng chỉ dám đến một lần, hai lần, lần thứ ba sẽ không dám đến nữa. Nhưng từ chối mà cửa vẫn mở, vẫn lấp la lấp lửng thì lần này không được, lần sau họ lại đến. Mà đến lần sau, ai cũng hiểu là quà sẽ to hơn lần trước. Điều này ai cũng biết. Đảng biết, Chính phủ biết và người dân thì lại càng biết nhiều hơn.
Vì thế, tham nhũng vẫn được cho là một trong những cản trở lớn nhất trên hành trình đạt được mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Mặc dù nhiều nước đã rất nỗ lực, nhưng ước tính hàng năm có khoảng 3.600 tỷ đô la bị thất thoát do tham nhũng. Việt Nam đang đặt ra quyết tâm rất lớn trong cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng, lãng phí. Cái lò chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhóm lên lửa càng ngày càng cháy lớn. Nhiều củi nhỏ, củi to, củi gộc, củi khô, củi tươi lần lượt bị đưa vào lò. Việc tham vấn quốc tế về những quy định trong Luật Phòng-chống tham nhũng với nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn, như quy định không nhận quà không đúng quy định, mở rộng phạm vi phòng-chống tham nhũng ra khu vực tư nhân… là chúng ta muốn thực hiện cam kết trong việc thực hiện mục tiêu 16 của Chương trình nghị sự 2030 vì mục tiêu phát triển bền vững, trong đó giảm đáng kể tham nhũng và hối lộ dưới mọi hình thức là một trong những chỉ số chính.
Vấn đề là cần bịt những lỗ hổng mang tính pháp lý, chống tham nhũng phải bằng những quy định chặt chẽ của pháp luật chứ không thể chỉ là những lời kêu gọi, những khái niệm dừng lại ở mức độ định tính. Phải kiên quyết bịt kín những kẽ hở pháp lý, không để bọn tham nhũng lách qua.
NGUYỄN VÂN

Có thể bạn quan tâm

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.

Giảm lãi vay chưa đủ

Giảm lãi vay chưa đủ

Việc TP.HCM giảm lãi vay mua nhà cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở ban ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách TP xuống còn 3,2%/năm đang được nhiều người quan tâm.

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đó là mong muốn của hàng triệu người làm công ăn lương khi Bộ Tài chính chính thức lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.

Cách để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Cần bảo vệ các thầy cô để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo, nhưng làm thế nào để đảm bảo cơ chế giám sát của xã hội, cơ chế bảo vệ tự thân của chính nhà giáo cả về năng lực chuyên môn cũng như đạo đức của nghề đặc biệt này ?

Cơ hội tinh giản thủ tục đầu tư

Cơ hội tinh giản thủ tục đầu tư

Mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT đã trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (ĐSTĐC) với đề xuất “19 chính sách đặc thù, đặc biệt và giải pháp áp dụng cho dự án”.