Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai là địa phương có gần 45% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Do điều kiện kinh tế và thói quen ăn uống nên trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi còn chiếm tỷ lệ cao. Song song với nỗ lực giúp người dân thoát nghèo, thời gian qua, tỉnh đã chú trọng triển khai nhiều chương trình, dự án tập trung cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số, giúp các em nâng cao thể chất, phát triển khỏe mạnh.
    
Theo số liệu điều tra của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, thấp còi chiếm 30%, trong khi tỷ lệ cả nước là 14,1%. Đặc biệt, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em miền núi nói chung là trên 80%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thấp còi được xác định do khẩu phần ăn không đa dạng, trẻ ăn không đủ số bữa tối thiểu, trẻ bị cai sữa sớm (dưới 1 tuổi), gia đình sinh nhiều con và khoảng cách sinh con ngắn… Tại Gia Lai, sau 5 năm triển khai dự án phát triển giáo dục mầm non, tỉnh đã xây dựng được 84 nhóm truyền thông cộng đồng tại 4 huyện, thị xã là: An Khê, Kbang, Đak Pơ và Kông Chro với nhiều nội dung thiết thực nhằm cải thiện dinh dưỡng, phát triển thể chất cho trẻ. Từ những nhóm truyền thông này, các kiến thức về dinh dưỡng, chăm sóc toàn diện cho trẻ em được chia sẻ rộng rãi, áp dụng vào thực tế đời sống của bà con.

 

Các bà mẹ đã biết nấu những bữa ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ sau khi tham gia lớp truyền thông về dinh dưỡng. Ảnh: M.C
Các bà mẹ đã biết nấu những bữa ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ sau khi tham gia lớp truyền thông về dinh dưỡng. Ảnh: M.C

Có mặt tại một buổi truyền thông, thực hành dinh dưỡng cho trẻ của nhóm cha mẹ có con từ 6 tháng đến 8 tuổi ở làng Thái Sơn (xã Tơ Tung, huyện Kbang) mới thấy ý nghĩa của chương trình này. Để giúp các bậc cha mẹ nắm bắt một cách cụ thể, các tình nguyện viên đã hướng dẫn chi tiết cách chế biến thức ăn cho trẻ từ những loại thực phẩm có sẵn tại địa phương. Bà Lương Thị Được-tình nguyện viên dự án phát triển giáo dục Mầm non tỉnh, cho biết: “Chúng tôi hướng dẫn cho cha mẹ 4 nhóm dinh dưỡng chính như: nhóm tinh bột, nhóm dầu mỡ, nhóm vitamin và khoáng chất, nhóm đạm. Tại các địa phương, những thực phẩm như thịt, trứng, cá, rau xanh, các loại củ quả nếu không có điều kiện mua thì cha mẹ có thể thay thế bằng tôm, tép, cua, ốc bắt về cải thiện cho con”.

Lâu nay, bà con dân tộc Bahnar, Mường, Tày, Nùng tại xã Tơ Tung chỉ biết cho con ăn no bụng mà chưa quan tâm đến dinh dưỡng trong bữa ăn. Nhiều bà mẹ thấy con suy dinh dưỡng nhưng không hiểu rõ nguyên nhân. Sau khi tham gia vào các nhóm truyền thông về dinh dưỡng của dự án Phát triển Giáo dục Mầm non tỉnh, các gia đình mới thay đổi cách chăm sóc con, bắt đầu từ những bữa ăn. Chị Hoàng Thị Lê (làng Thái Sơn) cho biết: “Khi  tham gia nhóm sinh hoạt này, mình được các tình nguyện viên hướng dẫn rất rõ ràng, cụ thể. Họ giải thích và hướng dẫn cách sử dụng các vi chất có xung quanh hay có ngay trong gia đình. Mình cũng được tham gia thực hành bữa ăn trong các buổi sinh hoạt và nhận ra chăm sóc con không khó lắm, chỉ vì trước đây mình chưa có kiến thức về dinh dưỡng. Mình sẽ áp dụng kiến thức này vào việc chăm con, nhất là đứa con sau của mình sẽ có những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng hơn”.

Sau 4 năm tham gia nhóm truyền thông, chị Đổng Thị Dung-dân tộc Nùng, đã áp dụng những kiến thức dinh dưỡng học được vào bữa ăn hàng ngày của gia đình. Tận dụng tất cả những loại rau xanh có trong vườn nhà và tôm, cua, cá từ đồng ruộng, bữa ăn của gia đình chị đã đảm bảo các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe. “Lúc chương trình này chưa triển khai, tôi cho con ăn uống theo thói quen và tập quán sinh hoạt hàng ngày. Con rất biếng ăn, bị thiếu cân và suy dinh dưỡng. Khi chương trình triển khai ở làng, tôi về nhà thực hành bữa ăn cho con từ những kiến thức về dinh dưỡng thu nhận được, sau một thời gian thấy thể chất cháu thay đổi, tăng cân dần dần và đến nay đã hết suy dinh dưỡng, thấp còi”-chị Dung nói. Ông Hoàng Tuấn Hùng-Phó Chủ tịch HĐND xã Tơ Tung, cho biết, nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các bậc cha mẹ trong việc chăm sóc, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ nên tỷ lệ trẻ suy sinh dưỡng từ năm 2009 đến nay đã giảm đáng kể. Hiện tỷ lệ này của xã là 16,53%.

Minh Châu

Có thể bạn quan tâm